(CMO) Ngày 21/2, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc về “Thúc đẩy phát triển công nghiệp chế biến nông sản và cơ giới hoá nông nghiệp”.
Từ năm 2013-2019, công nghiệp chế biến nông sản cả nước có bước phát triển mạnh cả quy mô, mức độ hiện đại so với 5 năm trước (2007-2012), tốc độ tăng trưởng gia tăng khoảng 5-7%/năm. Xuất khẩu chiếm khoảng 65% tổng giá trị chế biến. Tiếp tục duy trì 8 nhóm mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu hàng năm từ 1 tỷ USD trở lên, trong đó có 4 mặt hàng đạt kim ngạch trên 3 tỷ USD; năm 2019 xuất khẩu nông sản đạt gần 41,3 tỷ USD, tăng 3,2% so với năm 2018. Sản phẩm chế biến nông sản Việt Nam đã xuất khẩu hầu khắp các nước trên thế giới với trên 180 nước và vùng lãnh thổ, như thị trường Nhật Bản, Hoa Kỳ, Trung Quốc. Hiện nay, số lượng, chủng loại máy, thiết bị nông nghiệp tăng nhanh. Năm 2019, so với năm 2011 số lượng máy kéo cả nước tăng khoảng 48%, máy gặt đập liên hợp tăng 79%; máy sấy nông sản tăng 29%.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Sử cùng lãnh đạo các sở, ngành tham dự hội nghị tại điểm cầu Cà Mau
Tuy nhiên, mức độ cơ giới hoá trong sản xuất nông nghiệp một số khâu còn thấp; chính sách khuyến khích phát triển công nghiệp hỗ trợ còn hạn chế. Đối với lĩnh vực công nghiệp chế biến nông sản vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu đầu ra cho khâu sản xuất nguyên liệu, gia tăng giá trị hàng nông sản qua chế biến còn thấp; chất lượng sản phẩm chưa ổn định, còn tiềm ẩn nguy cơ mất vệ sinh an toàn thực phẩm; dây chuyền thiết bị cũ, công nghệ chưa tiên tiến, sản phẩm đơn giản, tiêu hao nhiều nguyên liệu và năng lượng; chủng loại sản phẩm chế biến chưa phong phú; nguồn lực tài chính cũng như nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu; việc thực hiện cơ chế chính sách đã ban hành còn hạn chế.
Định hướng đến năm 2030, công nghiệp chế biến nông lâm thủy sản Việt Nam đứng trong số 10 nước hàng đầu thế giới; đủ năng lực chế biến, đáp ứng yêu cầu của sản xuất nông nghiệp; trình độ công nghệ chế biến, bảo quản chung đạt từ trung bình trở lên. Phấn đấu mức độ cơ giới hoá các khâu trong sản xuất nông nghiệp đạt từ 80–100%; công suất máy trang bị bình quân cả nước đạt 5–6 HP/ha vào năm 2030.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo: “Các bộ, ngành, địa phương lắng nghe, tiếp thu, vận dụng cơ chế phù hợp tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho Hội Nông dân, Hợp tác xã, doanh nghiệp nắm bắt thời cơ mới phát triển nông nghiệp. Đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng tổ chức sản xuất hàng hoá lớn gắn với lợi thế từng vùng và theo nhu cầu thị trường; tăng cường áp dụng khoa học công nghệ, công nghệ số, công nghệ sinh học, cơ khí trong sản xuất nông nghiệp để nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm".
Thủ tướng Chính phủ còn lưu ý cần đầu tư đổi mới công nghệ, hiện đại hoá trang thiết bị chế biến để sản xuất ra sản phẩm phong phú về chủng loại, giá trị gia tăng cao, hạ giá thành và có sức mạnh cạnh tranh trên thị trường. Khuyến khích xây dựng kết nối chuỗi trong sản xuất, xây dựng thương hiệu sản phẩm. Nhất là quan tâm đào tạo nguồn nhân lực, quản lý giỏi có học vấn kinh nghiệm. Đầu tư nâng cấp, hoàn thiện hạ tầng nông nghiệp, nông thôn phù hợp với việc đưa máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất đạt được mục tiêu chung đã đề ra./.
Phương Lài