ĐT: 0939.923988
Chủ nhật, 8-9-24 02:43:26
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Phát triển du lịch dưới tán rừng

Báo Cà Mau Tận dụng điều kiện tự nhiên sẵn có ở địa phương, thời gian qua, nhiều hộ dân trên địa bàn xã Khánh Thuận, huyện U Minh, đã hình thành nên các điểm du lịch, dịch vụ trải nghiệm hấp dẫn dưới tán rừng, với mục tiêu vừa làm kinh tế du lịch vừa gắn với bảo vệ “lá phổi xanh” theo hướng phát triển bền vững.

Tươi mới khu du lịch sông trẹm

Khu Du lịch Sông Trẹm, Ấp 17, xã Khánh Thuận, đang được du khách quan tâm. Ông Trần Hoàng Khởi, Trưởng ban Quản lý Khu Du lịch, chia sẻ: “Ðược tỉnh đầu tư nâng cấp, mở rộng tuyến lộ từ cầu Chữ Y vào khu du lịch đã tạo điều kiện thuận lợi để du khách vào tham quan tại đây nhiều hơn”. Từ đầu năm đến nay, Khu Du lịch Sông Trẹm đón trên 10 ngàn lượt khách.

Với diện tích rừng trên 110 ha, Ban Quản lý dành 12 ha đầu tư cho phát triển du lịch. Ðể đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của du khách, Khu Du lịch Sông Trẹm đang hình thành nên những tour, tuyến bài bản, đầu tư nuôi hươu cao cổ, đà điểu và nhiều loài động vật hoang dã khác. Nắm bắt nhu cầu của du khách, khu du lịch này hiện nay tạo ra được nhiều điểm mới, góp phần đa dạng sắc màu du lịch dưới tán rừng, như đầu tư tuyến đường hoa mua tím, tuyến đi bộ xuyên rừng, tuyến đường sơ ri...

Tuyến đi bộ trải nghiệm dưới tán rừng hơn 40 năm tuổi.

“Ðặc biệt, để phục vụ nhu cầu tham quan của du khách khi đến đây trải nghiệm, đơn vị lập 2 tuyến xuyên rừng, bằng phà và vỏ máy. Ðối với tuyến xuyên rừng bằng phà, du khách có thể dùng bữa trên phà, rồi giao lưu đờn ca tài tử giữa không an yên bình. Còn tuyến xuyên rừng bằng vỏ máy, mấy tháng trước không khai thác vì nắng hạn, nước dưới kênh khô cạn; hiện đang là mùa mưa, mực nước dưới kênh đảm bảo cho di chuyển và đã có nhiều đoàn khách trải nghiệm bằng hình thức này, qua ghi nhận du khách rất thích thú”, ông Khởi chia sẻ.

Du khách có thể tham quan, xuyên rừng bằng vỏ lãi.

 

Ðà điểu được nuôi trong Khu Du lịch Sông Trẹm thích nghi tốt với khí hậu, thổ nhưỡng vùng đất U Minh Hạ.

Ðến với Khu Du lịch Sông Trẹm, du khách cảm thấy mê đắm trước vẻ đẹp của những cánh rừng còn nguyên vẹn nét hoang sơ. Theo ghi nhận, đa phần khách đến đây tham quan, du lịch là khách đoàn, nhiều hơn khách lẻ. Nhu cầu tổ chức sự kiện thời gian gần đây cũng nhiều, nhưng tại khu du lịch chưa có điểm để tổ chức sự kiện lớn. Ðể đáp ứng nhu cầu của du khách, Ban Quản lý đang làm việc với bên tư vấn để xúc tiến xây dựng khu tổ chức sự kiện và sẽ khởi công, đến cuối năm 2024 thì có thể đưa vào sử dụng. Khu này có thể nhận tổ chức tiệc, sự kiện, tiệc cưới...

“Khu Du lịch Sông Trẹm có thế mạnh là hệ sinh thái rừng tràm trên 40 năm tuổi, dưới tán rừng đa dạng loài động thực vật, là “vườn thú” lớn nhất của tỉnh. Hướng tới, chúng tôi sẽ phát triển khu du lịch theo hướng là nơi vui chơi, nghỉ dưỡng, lưu trú cho du khách, làm sao có thể níu chân được du khách khi đặt chân đến đây”, ông Khởi tâm huyết.

Mô hình du lịch mới

Những ngày này, vườn nho Minh Duy, Ấp 15, thu hút được nhiều du khách đến đây tham quan, trở thành điểm dừng chân lý tưởng cho du khách trong và ngoài tỉnh. Vườn nho Minh Duy nằm cách trung tâm thị trấn U Minh chỉ hơn 3 km, đường lộ xe lớn nên thuận lợi cho du khách về đây tham quan, du lịch.

Ông Nguyễn Minh Hiếu, chủ vườn nho, chia sẻ: “Ban đầu tôi cũng không định làm du lịch gì đâu, chỉ là tận dụng 30% diện tích đất lâm nghiệp trồng nho, thêm cây ăn trái để cuối tuần cho con cái về đây nghỉ dưỡng, hưởng không khí trong lành. Nhưng đến khi nho ra trái thì mọi người bảo tôi nên mở cho người dân vào tham quan. Bước đầu, thu hút rất nhiều lượt khách đến đây trải nghiệm”.

Cây nho đã bén đất rừng U Minh Hạ, trở thành đối tượng săn đón của du khách.

Nếu trước đây muốn tham quan vườn nho thì phải ra đến Ninh Thuận, giờ trên vùng đất nhiễm phèn, mặn Cà Mau, du khách có thể tham quan, hái trái tại vườn. Vườn nho Minh Duy là vườn nho thứ hai được trồng thành công ở Cà Mau, đáp ứng nhu cầu tham quan của du khách trong và ngoài tỉnh.

Hiện nay, du lịch nội địa là lựa chọn của nhiều hộ gia đình. Chị Diệp Trúc Linh, Ấp 2, xã Khánh Tiến, chia sẻ: “Hè này mấy đứa con tôi đòi đi du lịch, nhưng đi xa thì chi phí cho vé tàu, vé xe cao quá, gia đình kham không nổi. Cho nên, tôi chọn cho bọn trẻ đi chơi vòng vòng các điểm du lịch trong tỉnh, vừa tiện, chi phí không quá đắt đỏ, mà còn giúp bọn trẻ hiểu hơn về quê hương Cà Mau của mình”.

“Du khách đến đây đa phần là người dân trên địa bàn huyện và các huyện của tỉnh Kiên Giang. Du khách vừa tham quan vừa được thưởng thức tại chỗ giống trái cây sạch. Vì mới vụ đầu nên chưa đáp ứng được nhu cầu mua về của khách. Thời gian tới, tôi dự định trồng thêm 100 gốc nho sữa. Hiện vườn nho có 3 giống, là nho sữa, nho hạ đen và giống nho hồng ngọc. Mỗi loại cho trái khác nhau, nên nếu phát triển du lịch thì thời gian tới tôi có thể chủ động thời gian ra trái của cây để phục vụ nhu cầu của du khách”, ông Hiếu chia sẻ.

Ông Phạm Quốc Thiện, Phó chủ tịch UBND xã Khánh Thuận, phấn khởi: “Trên địa bàn xã có 3 điểm du lịch sinh thái. Những năm qua, hoạt động du lịch dưới tán rừng có sự phát triển rõ nét, lượt khách đến tham quan du lịch ngày càng tăng. Cơ sở hạ tầng từng bước được phát triển, dịch vụ du lịch từng bước được cải thiện, đáp ứng nhu cầu của du khách".

 Lộ được đầu tư, mở rộng, tạo điều kiện cho du khách về tham quan, du lịch.

"So với những địa phương khác thì du lịch sinh thái của xã mới bắt đầu, thời gian tới cần hoàn thiện rất nhiều để thu hút du khách. Chính quyền địa phương sẽ hỗ trợ các hộ dân, tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư phát triển du lịch. Ðồng thời, kết nối với các điểm du lịch ở địa phương khác để phát triển tour, tuyến, nhằm thu hút được nhiều du khách về đây”, ông Thiện chia sẻ thêm./.

 

Kim Cương

 

Trải nghiệm không gian xanh

Cà Mau từ lâu đã nổi tiếng với các điểm du lịch sinh thái tuyệt đẹp của rừng, của biển, của những di tích văn hoá, lịch sử. Không những thế, Cà Mau ngày nay còn có nhiều điểm khám phá mới, đó là những công viên ấn tượng được xây dựng ở các địa phương trong tỉnh.

Phát triển du lịch dưới tán rừng

Tận dụng điều kiện tự nhiên sẵn có ở địa phương, thời gian qua, nhiều hộ dân trên địa bàn xã Khánh Thuận, huyện U Minh, đã hình thành nên các điểm du lịch, dịch vụ trải nghiệm hấp dẫn dưới tán rừng, với mục tiêu vừa làm kinh tế du lịch vừa gắn với bảo vệ “lá phổi xanh” theo hướng phát triển bền vững.

Ðể “Cà Mau - Ðiểm đến 2024” hút du khách

Vì chương trình "Cà Mau - Ðiểm đến" đã quá thành công trong năm 2023 nên chuỗi sự kiện trong năm 2024 đang nhận nhiều kỳ vọng, nhưng cũng là áp lực cho đơn vị tổ chức tỉnh nhà trong bài toán giữ chân và hút thêm khách du lịch.

Chương trình sự kiện "Cà Mau - Điểm đến năm 2024"

Sẽ có nhiều hoạt động trong “Cà Mau - Ðiểm đến” 2024

Năm 2023 là năm ngành du lịch Cà Mau đạt kết quả đáng ghi nhận. Trao đổi với phóng viên báo Cà Mau, ông Tiêu Minh Tiên, Phó giám đốc Sở Văn hoá - Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL), cho biết, phát huy thành tích, năm 2024, ngành phấn đấu đạt tổng số khách du lịch 2.350.000 lượt (khách trong nước 2.337.000 lượt, khách quốc tế 13 ngàn lượt), tổng thu du lịch 3.480 tỷ đồng.

Cần tạo sự độc đáo riêng tại mỗi khu, điểm du lịch

Tại cuộc họp đánh giá hoạt động du lịch năm 2023 và đề xuất nhiệm vụ năm 2024 vào sáng 24/2, Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Nguyễn Minh Luân nhấn mạnh, cần tạo sự độc đáo riêng tại mỗi khu, điểm du lịch.

Cà Mau đón gần 178.000 lượt khách dịp Tết Nguyên đán

Thông tin từ Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch, gần 178.000 lượt khách (448 khách quốc tế) đã đến tham quan tại các khu, điểm du lịch, di tích và lưu trú từ ngày 8/2 (29 tháng Chạp) đến 9 giờ ngày 14/2 (mùng 5 tháng Giêng). Tổng thu du lịch đạt hơn 137,15 tỷ đồng, tăng 13,7% so với Tết Nguyên đán năm 2023 (120,56 tỷ đồng).

Du lịch Cà Mau chuẩn bị chu đáo đón khách mùa Tết

Những ngày giáp Tết, nhiều điểm du lịch trên địa bàn tỉnh đã hoàn tất các khâu trang trí, tạo diện mạo mới, sẵn sàng đón du khách đến tham quan, vui chơi trong những ngày Tết.

Phát triển du lịch xanh và bền vững

Tiềm năng phát triển du lịch sinh thái của tỉnh Cà Mau rất đa dạng và phong phú, có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Toàn tỉnh có khoảng 70% điểm du lịch sinh thái đang hoạt động, dưới hình thức kết hợp giữa mô hình du lịch sinh thái và du lịch cộng đồng, hiện đang phát triển cả về số lượng lẫn chất lượng; đồng thời, kết nối trong các tour, tuyến phục vụ du khách từ các đơn vị du lịch, lữ hành; góp phần quan trọng vào việc đột phá đưa kinh tế du lịch Cà Mau phát triển, hướng đến mục tiêu phát triển du lịch xanh, bền vững.

Nền tảng cho du lịch Cà Mau phát triển xứng tầm

"Nhờ các hoạt động kích cầu du lịch, công tác truyền thông đưa tin quảng bá rộng rãi, giới thiệu tiềm năng, thế mạnh du lịch của tỉnh đã giúp du lịch có nhiều khởi sắc, lượt khách đến Cà Mau ngày càng tăng trở lại và dần đi vào ổn định", ông Trần Hiếu Hùng, Giám đốc Sở Văn hoá - Thể thao và Du lịch, cho biết.