Trên địa bàn 2 huyện có diện tích rừng tràm, gồm: U Minh, Trần Văn Thời, hiện có khoảng 10 đơn vị, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch sinh thái, tham quan nghỉ dưỡng.
Ðể khai thác tốt lợi thế của loại hình du lịch sinh thái dưới tán rừng đòi hỏi các đơn vị này cần chú trọng phối hợp với chính quyền địa phương và lực lượng kiểm lâm địa bàn nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, bảo vệ rừng và phòng chống cháy rừng. Ðồng thời, ý thức từ khách du lịch đến tham quan cần tuân thủ nghiêm túc các quy định về phòng chống cháy rừng tại các điểm du lịch rừng tràm.
Hằng ngày, lực lượng làm nhiệm vụ thường xuyên luồn rừng, kiểm tra mức độ khô hạn và ngăn chặn người vào rừng trái phép.
Thời tiết nắng nóng, các điểm du lịch sinh thái rừng tràm vẫn thu hút đông du khách đến tham quan, vui chơi và nghỉ dưỡng. Ðiều này cũng tiềm ẩn hiểm hoạ về cháy rừng nếu du khách bất cẩn trong việc nhóm lửa, quăng tàn thuốc bừa bãi. Các địa phương có điểm du lịch sinh thái đã chủ động trong công tác phòng chống cháy rừng ngay từ đầu mùa khô.
Trải dài trên địa phận thuộc 2 huyện U Minh và Trần Văn Thời, Vườn Quốc gia U Minh Hạ có diện tích hơn 8.500 ha. Cảnh sắc thiên nhiên hoang sơ, kỳ bí với hệ động, thực vật đặc trưng, phong phú, đa dạng, được UNESCO đưa vào danh sách các khu dự trữ sinh quyển của thế giới và là 1 trong 3 điểm bảo tồn đất ngập nước tại đồng bằng sông Cửu Long, đã thu hút đông đảo du khách đến tham quan, khám phá.
Du khách đi vỏ lãi tham quan rừng tràm trong khu vực Vườn Quốc gia U Minh Hạ.
Ông Nguyễn Tấn Truyền, Trưởng phòng Du lịch sinh thái - Giáo dục môi trường Vườn Quốc gia U Minh Hạ, thông tin: “Lượng du khách đến Vườn Quốc gia U Minh Hạ trong năm 2023 là gần 21 ngàn lượt khách, riêng 3 tháng đầu năm 2024 hơn 6 ngàn lượt khách. Hiện tại du khách đến đây sẽ được đón tiếp theo tuyến khu trung tâm với 6 điểm dừng chân, có các dịch vụ như: chinh phục tháp trung tâm 32 m, ngắm cảnh rừng tràm từ tháp quan sát 26 m, du ngoạn vỏ lãi xuyên rừng tràm, tham quan miếu cụ Lược, đạp xe quanh khu rừng tràm xanh mát... Tạm ngưng dịch vụ câu cá giải trí, bơi xuồng lên khu trảng rừng tràm... để phục vụ công tác phòng cháy chữa cháy rừng”.
Rừng U Minh Hạ bước vào mùa khô cũng là thời điểm cho chất lượng mật ong tốt nhất trong năm. Nếu hoạt động đi ăn ong không có sự kiểm soát chặt chẽ vào lúc này, sẽ tiềm ẩn nguy cơ cháy rừng rất cao.
Tại điểm du lịch sinh thái cộng đồng Mười Ngọt, hoạt động trải nghiệm nghề gác kèo ong từ 6-8 giờ sáng để tránh nắng nóng.
Ông Phạm Duy Khanh, chủ điểm du lịch sinh thái cộng đồng Mười Ngọt (Ấp 4, xã Khánh Bình Tây Bắc, huyện Trần Văn Thời), chia sẻ: “Vào mùa khô, điểm du lịch Mười Ngọt giới thiệu và hướng dẫn khách đến tham quan các hoạt động trải nghiệm nghề gác kèo ong từ 6-8 giờ sáng, khi còn sương ướt đọng, trời mát, sau đó mới đến các hoạt động khác, như đi xuồng tham quan rừng, dỡ trúm lươn, bắt cá đồng, hái trái cây, giao lưu đờn ca tài tử Nam Bộ, thưởng thức các món đặc sản của vùng rừng U Minh Hạ ngay tại gian nhà ăn... Ðể cung cấp nhu cầu mật ong rừng tràm thiên nhiên chất lượng cho khách hàng, hoạt động ăn ong lấy mật chỉ những người thợ rừng có kinh nghiệm mới được đi lấy ong và tuân thủ theo các quy định an toàn phòng chống cháy rừng”.
Vườn dâu điểm du lịch sinh thái cộng đồng Mười Ngọt thu hút nhiều du khách.
Thời gian qua, trong phát triển sản xuất, khai thác tài nguyên rừng, các chủ rừng luôn sẵn sàng ứng phó, phục vụ phòng cháy, chữa cháy trong thời kỳ cao điểm nắng hạn, phối hợp tham gia quản lý và bảo vệ rừng, đặc biệt tại các chốt trực canh lửa, tuyệt đối không để người lạ vào khu vực rừng đang quản lý để ăn ong, bắt cá trái phép... Tăng cường tuần tra kiểm soát, kịp thời phát hiện các hoạt động nghiêm cấm vừa bảo vệ rừng, vừa phục vụ nhu cầu tham quan của du khách.
Vườn Quốc gia U Minh Hạ đã lắp đặt hệ thống camera quan sát lửa, quét nhiệt và ghi hình ảnh với vòng quét 360 độ, tầm nhìn mắt camera đến 5 km, bao quát 2.50 0ha rừng.
Thảo Mơ thực hiện