(CMO) Phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng từ khâu cảnh báo, dự báo cho đến triển khai thực hiện các giải pháp phòng ngừa là chìa khoá giúp giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai. Sự phối hợp càng chặt chẽ sẽ giúp phương án phòng ngừa, quá trình ứng phó được kịp thời, chủ động, linh hoạt và phù hợp hơn với diễn biến thực tế của từng loại hình thiên tai, nhất là đối với công tác quản lý vận hành hệ thống hạ tầng phục vụ phòng, chống giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai.
Xác định triều cường là loại hình thiên tai gây ra nhiều thiệt hại cho sản xuất và đời sống của người dân, thời gian qua tỉnh Cà Mau đã dành nguồn ngân sách để đầu tư xây dựng hệ thống công trình thuỷ lợi phục vụ phòng chống thiên tai. Ðến nay toàn tỉnh đã xây dựng được hơn 93 tuyến đê bao, bờ bao với tổng chiều dài 714 km, 214 cống và 18 trạm bơm góp phần quan trọng trong thực hiện nhiệm vụ chống tràn, kiểm soát mặn, ngăn triều và tiêu nước. Tuy nhiên, nhiều lúc, nhiều nơi do công tác phối hợp giữa đơn vị quản lý vận hành và chính quyền địa phương còn thiếu chặt chẽ nên chưa phát huy tối đa công năng của hệ thống hạ tầng này.
Hiện nay toàn tỉnh được đầu 214 cống, góp phần quan trọng trong thực hiện nhiệm vụ chống tràn, kiểm soát mặn, ngăn triều và tiêu nước.
Thuộc Tiểu vùng thuỷ lợi V, Nam Cà Mau, khu vực xã Phú Tân, Tân Hải, Phú Mỹ và thị trấn Cái Ðôi Vàm, huyện Phú Tân đã được đầu tư xây dựng nhiều cống lớn nhỏ, cũng như tiến hành nạo vét 17 kênh và xây dựng hệ thống đê bao. Những công trình dự án này nhằm mục tiêu phát triển sản xuất theo hướng sinh thái bền vững, gắn sản xuất với bảo vệ môi trường; từ đó góp phần cải thiện và nâng cao đời sống người dân. Tuy nhiên, đợt triều cường tháng 11/2022 vừa qua đã gây ra nhiều thiệt hại, nhất là đã làm ngập nhiều khu vực dân cư. Những tác hại này một phần do triều cường lên quá cao, một phần do công tác phối hợp còn thiếu chặt chẽ trong vận hành hạ tầng phục vụ công tác phòng, chống thiên tai, mà cụ thể là việc đóng mở cống.
Khu vực vàm Hương Mai vẫn còn cụm dân cư có nguy cơ bị ngập khi triều cường cao. |
Ông Nguyễn Văn Sơn, Phó chủ tịch UBND huyện Phú Tân, cho biết: "Ngày đầu tiên nước lên cao khiến cống đứt dây tự đóng, làm toàn bộ nhà dân trong khu vực dân cư Mỹ Bình, xã Phú Tân; Cái Cám, xã Tân Hải nằm ngoài cống, bị ngập do nước dâng cao hơn 1 m. Ðến ngày hôm sau, nước cũng lên tương tự nhưng người dân khu vực này cương quyết không cho đóng cống vì sợ bị ngập. Cách quản lý, vận hành đang gặp khó khăn và chưa có giải pháp mang lại hiệu quả cao nhất. Người quản lý và giữ cống lại không thể quyết định được việc đóng hay mở cống".
Ðể đóng hay mở cống, UBND xã có ý kiến đề xuất Trung tâm Quản lý và khai thác công trình thuỷ lợi thuộc Sở NN&PTNT quyết định. Trong khi đó, triều cường lên nhanh và trên diện rộng nên cần giải pháp kịp thời. Liên quan đến thực tế này, ông Tô Quốc Nam, Phó giám đốc Sở NN&PTNT, cho biết, việc đóng hay mở cống là công tác phối hợp giữa UBND huyện với Trung tâm Quản lý và khai thác công trình thuỷ lợi. Theo đó, khi có cảnh báo triều cường, Sở sẽ có kế hoạch đóng cống sớm. Tuy nhiên, tuỳ theo nhu cầu của từng địa phương mà thời điểm đóng, mở khác nhau để người dân lấy nước phục vụ nuôi trồng thuỷ sản. Ðể công việc này đạt hiệu quả cao nhất, phải có sự kết hợp giữa các địa phương trong các tiểu vùng.
Riêng đối với việc vận hành hệ thống thuỷ lợi tiểu vùng V, ông Nam cho biết, đã mời các địa phương thông qua quy trình vận hành cống; đơn vị tư vấn đang tiếp tục hoàn thiện để làm căn cứ thực hiện khi được phê duyệt, tuỳ theo điều kiện thực tế, để có giải pháp vận hành phù hợp, nhằm bảo vệ sản xuất và đời sống người dân tốt nhất, hài hoà nhất.
Cùng với hệ thống cống, các tuyến đê bao, nhất là đê biển, thời gian qua cũng được tỉnh đặc biệt quan tâm đầu tư để ngăn triều, chống tràn. Theo đó, toàn tuyến đê biển Tây có chiều dài khoảng 103 km, đã được kiên cố hoá gần 52 km và 56 km kè bảo vệ bờ biển. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều khu vực có cao trình thấp, nguy cơ bị tràn do triều cường, nước biển dâng.
Thời gian qua hệ thống kè bảo vệ đê được đầu tư với nhiều giải pháp nhằm bảo vệ tuyến đê biển Tây.
Nằm trên tuyến đê biển Tây, huyện U Minh hiện nay vẫn còn hơn 10 km từ Khánh Hội đến Hương Mai chưa được đầu tư với cao trình thấp, nguy cơ tràn là rất cao khi có triều cường, nước biển dâng. Khu vực chợ xã Khánh Hội cũng đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi triều cường nước. Ngoài ra, đoạn từ thị trấn Sông Ðốc, huyện Trần Văn Thời đến Cái Ðôi Vàm, huyện Phú Tân vẫn chưa được đầu tư. Ðiều đáng lo ngại là đoạn này tuyến đê biển Tây có cao trình chỉ khoảng 1,2-1,8 m, trong khi đó có những đợt triều cường nước lên cục bộ từ 1,7-2,2 m.
Mực nước dâng cao cộng sóng biển, gần như toàn bộ tuyến đê biển Tây có nguy cơ bị tràn kể cả đê biển đã được đầu tư. Ông Tô Quốc Nam cho biết thêm: "Sở đã chỉ đạo Chi cục Thuỷ lợi kết hợp với các huyện rà soát lại toàn bộ đê, khu vực nào cần thiết tiến hành đầu tư bờ tạm trong thời gian chờ Trung ương tiếp tục đầu tư hoàn thành tuyến đê biển".
Với thực tế và nguồn kinh phí hiện nay, việc hạn chế thiệt hại do triều cường chỉ là giải pháp tạm thời. Chủ yếu vẫn là thông báo, cảnh báo. Riêng giải pháp lâu dài vẫn phải tiếp tục kiến nghị và chờ nguồn ngân sách Trung ương đầu tư hoàn thiện đê thời gian tới.
Theo dự báo của Ðài Khí tượng thuỷ văn Cà Mau, từ cuối tháng 4-5/2023 là thời gian giao mùa, trên địa bàn tỉnh có khả năng xảy ra mưa rào và dông cục bộ, trong cơn dông có thể xảy ra lốc, sét. Theo đó, Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Cà Mau vừa có công văn đề nghị các đơn vị có liên quan và địa phương theo dõi chặt chẽ diễn biến của mưa, dông, lốc, sét, kịp thời có phương án ứng phó hiệu quả, thông tin rộng rãi đến tổ chức, cá nhân và người dân biết để chủ động phòng tránh, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại có thể xảy ra.
Nguyễn Phú