(CMO) Thời gian qua, BHXH tỉnh Cà Mau đã phối hợp với nhiều sở, ngành trong tỉnh kịp thời chia sẻ thông tin, khai thác phát triển đối tượng tham gia BHXH bắt buộc đối với đơn vị chưa tham gia và đơn vị tham gia chưa đầy đủ cho số lao động cũng như đẩy mạnh tuyên truyền mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm.
Giám đốc BHXH tỉnh Cà Mau Trịnh Trung Kiên cho biết, qua 5 năm thực hiện phối hợp với cơ quan thuế bằng nhiều hình thức, như chia sẻ thông tin trực tiếp, qua điện thoại, email, văn bản giấy... đã mang lại hiệu quả thiết thực. Sự phối hợp này đã tác động tích cực đến việc phát triển đối tượng tham gia BHXH bắt buộc đối với đơn vị chưa tham gia và đơn vị tham gia chưa đầy đủ cho số lao động, từ đó đơn vị tham gia bảo hiểm cho người lao động tăng qua từng năm. Năm 2017 khai thác mới 106 đơn vị với 501 lao động; Năm 2018 khai thác mới 225 đơn vị với 675 lao động; Năm 2019 khai thác mới 286 đơn vị với 1.069 lao động.
Mặc dù công tác phối hợp thời gian qua đạt nhiều kết quả, tuy nhiên, vẫn còn những khó khăn cần khắc phục thời gian tới, như dữ liệu về tổ chức trả thu nhập cung cấp cho cơ quan BHXH khai thác có một số thông tin địa chỉ chưa chính xác; Số lao động khai báo với cơ quan thuế nhiều hơn so với thực tế, do lao động là đối tác, là khách hàng của doanh nghiệp, một số lao động có ký hợp đồng, nhưng hợp đồng khoán việc hoặc hợp đồng qua đơn vị cung ứng lao động có phát sinh thu nhập từ 2 triệu đồng trở lên phải kê khai thuế thu nhập cá nhân. Vì vậy, nhiều đơn vị quyết toán thuế thu nhập cá nhân có số lao động lớn, nhưng qua rà soát, kiểm tra chỉ có vài lao động thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc.
Bên cạnh đó, việc phối hợp để thanh tra, kiểm tra các đơn vị nợ BHXH, nợ thuế không thực hiện được vì thẩm quyền của 2 cơ quan khác nhau, do đó không thể thành lập được đoàn để phối hợp thực hiện.
Ngành BHXH phối hợp với ngành thuế quản lý doanh nghiệp tham gia bảo hiểm cho người lao động chặt chẽ hơn. |
Công tác rà soát các doanh nghiệp đang hoạt động gặp nhiều khó khăn, do trên địa bàn có nhiều doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, có giao dịch với cơ quan thuế nhưng không có lao động và trụ sở làm việc nên khó tiếp cận để tuyên truyền. Một số doanh nghiệp thực tế không còn hoạt động nhưng do ngân sách Nhà nước đang nợ tiền xây dựng cơ bản nên chưa thể đóng mã số thuế.
Ông Trịnh Trung Kiên chia sẻ, để công tác phối hợp giữa 2 ngành ngày càng tốt hơn, mong rằng thời gian tới Trung tâm Công nghệ thông tin BHXH Việt Nam phối hợp với Cục Công nghệ thông tin - Tổng cục Thuế tiếp tục hoàn thiện việc kết nối và tiếp nhận dữ liệu, hoàn thiện phần mềm TST và các phần mềm khác đảm bảo đồng bộ, kết nối liên thông dữ liệu giữa 2 ngành. Đồng thời, đề xuất Tổng cục Thuế đưa nội dung trích, nộp BHXH của tổ chức trả thu nhập là một trong những chỉ tiêu trong nội dung kiểm tra, thanh tra thuế cũng như phạm vi thẩm quyền xử lý của Thanh tra Thuế đối với hành vi chậm đóng, nợ BHXH, BHYT, BHTN.
BHXH Việt Nam và Tổng cục Thuế phối hợp đề xuất Bộ Tài chính bổ sung một số quy định như chi phí đã đóng BHXH, BHYT, BHTN (số đã đóng nhưng chưa đúng, chưa đủ) không được khấu trừ khi xác định thu nhập chịu thuế vì chi phí này gắn liền với hành vi vi phạm pháp luật nên chưa thực sự là chi phí hợp lý để khấu trừ; Tiền lương của những lao động thuộc diện bắt buộc tham gia BHXH (làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 1 tháng trở lên) nhưng chưa tham gia không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế, vì đây cũng là chi phí gắn liền với hành vi vi phạm pháp luật nên chưa thực sự là chi phí hợp lý để khấu trừ. Có quy định này thì mới có căn cứ cơ quan thuế hỗ trợ cơ quan BHXH trong việc khắc phục tình trạng nợ đọng, trốn đóng trong quá trình quyết toán, thanh tra, kiểm tra thuế.
Theo đó, 2 ngành xây dựng kế hoạch đôn đốc, hướng dẫn, kiểm tra thường xuyên các đơn vị trốn đóng về lao động, số tiền đóng BHXH; Thanh tra đột xuất đối với đơn vị đã được đôn đốc, kiểm tra nhưng cố tình vi phạm, không khắc phục vi phạm sau khi đã đôn đốc, cung cấp thông tin tình hình trốn đóng với cơ quan chức năng để có biện pháp xử lý kịp thời./.
Phúc Duy