ĐT: 0939.923988
Thứ tư, 8-5-24 11:18:32
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Phòng bệnh cho trẻ mùa nắng nóng

Báo Cà Mau Thời tiết nắng nóng, đặc biệt là độ ẩm trong không khí khá cao, là điều kiện thuận lợi cho các tác nhân gây bệnh như vi khuẩn, siêu vi... bùng phát, tấn công và gây bệnh cho con người, đặc biệt là trẻ em, sức đề kháng còn yếu. Ðây là điều phụ huynh cần lưu ý để giúp trẻ phòng bệnh.

Ðể chủ động phòng tránh các bệnh thường gặp ở trẻ em trong mùa nắng nóng, các nhà trường cũng như gia đình nên dạy trẻ giữ gìn vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng.

Hiện nay, mỗi ngày tại Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Sản - Nhi Cà Mau, tiếp nhận khoảng 400 lượt trẻ em đến khám với các triệu chứng như: ho, nóng sốt, nôn ói, tiêu chảy..., tăng so với 2 tháng đầu năm. Bác sĩ CKII Trần Thiên Lý, Trưởng phòng Quản lý chất lượng, cho biết: “Với thời tiết nắng nóng như hiện nay, trẻ em từ 6 tháng đến 3 tuổi là đối tượng dễ mắc bệnh do sức đề kháng yếu, dẫn đến mắc các bệnh lý về đường tiêu hoá, viêm đường hô hấp, cùng các bệnh lây nhiễm như tay chân miệng, sốt siêu vi, sốt xuất huyết...”.

Trước tình hình số ca bệnh tăng hơn 30% so với thời điểm đầu năm, Bệnh viện Sản - Nhi Cà Mau chủ động chuẩn bị các điều kiện về trang thiết bị y tế, cũng như nhân lực để ứng phó kịp thời với tình hình tăng bệnh đột biến. Ðặc biệt, tại Khoa Cấp cứu, đội ngũ y, bác sĩ luôn trong trạng thái sẵn sàng tiếp nhận những trường hợp bệnh nặng để kịp thời xử lý.

Một thực tế cho thấy, việc nhận biết những bệnh phổ biến ở trẻ mùa nắng nóng sẽ giúp các bậc phụ huynh đưa trẻ đến cơ sở y tế điều trị kịp thời, đồng thời chủ động phòng bệnh cho con trẻ trước nguy cơ trong mùa nắng nóng.

Theo khuyến cáo từ ngành y tế, khi trẻ có các biểu hiện khác thường cấn đưa đến cơ sở y tế được kiểm tra và điều trị kịp thời.

Chị Trương Tú Anh, Phường 4, TP Cà Mau, chia sẻ, thấy con có các biểu hiện nóng, ho, sổ mũi, chị đưa bé đến Bệnh viện Sản - Nhi Cà Mau để khám bệnh. Tại đây, ngoài được bác sĩ kê toa thuốc theo bệnh lý viêm hô hấp, chị còn được bác sĩ tư vấn, hướng dẫn cách chăm sóc trẻ như: giữ gìn vệ sinh cá nhân, thường xuyên vệ sinh răng miệng, tránh đưa trẻ đến nơi đông người, hạn chế uống nước quá lạnh, cho trẻ ăn uống đủ chất, tăng cường rau, củ, quả để giúp trẻ tăng sức đề kháng.

Ðể chủ động phòng bệnh mùa nắng nóng, các bậc phụ huynh nên giữ môi trường sống thông thoáng, sạch sẽ, cho trẻ ăn uống đầy đủ chất, vệ sinh cá nhân sạch sẽ. Bác sĩ Trần Thiên Lý khuyến cáo: “Vào thời điểm thời tiết thay đổi, dịch bệnh tăng cao thì người nhà tránh đưa trẻ đến những nơi đông người, hạn chế tiếp xúc với những người bị bệnh. Khi trẻ có các biểu hiện khác thường thì cần đưa ngay đến cơ sở y tế nơi gần nhất để được nhân viên y tế khám và điều trị nếu bị bệnh. Không nên tự ý mua thuốc và tự điều trị tại nhà”.

Hầu hết bệnh mùa nóng thường không đáng sợ, nhưng nếu người bệnh chủ quan, không được điều trị kịp thời, bệnh sẽ chuyển hướng xấu, trầm trọng, thậm chí có thể dẫn đến tử vong. Vì thế, người dân cần hết sức lưu ý theo dõi sức khoẻ của bản thân mình, đặc biệt là trẻ nhỏ./.

 

Quỳnh Anh - Lê Tuấn

 

Chẩn đoán phát hiện sớm để điều trị hiệu quả

Ma tuý là chất kích thích thần kinh gây hưng phấn, giảm đau, buồn ngủ, nếu sử dụng nhiều lần sẽ gây nghiện và lệ thuộc. Hiện nay, ma tuý có nhiều dạng khác nhau: ma tuý tổng hợp, ma tuý đá, heroin, ngoài ra ma tuý còn biến tướng thành các dạng bột nước trái cây hoặc dạng viên kẹo hấp dẫn người sử dụng.

Chủ động phòng bệnh dại

Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 3 ổ dịch dại trên động vật ở các huyện Ngọc Hiển, Ðầm Dơi và TP Cà Mau. Tập quán nuôi chó thả rông; ý thức còn chủ quan của người dân, một số trường hợp khi bị chó cắn không tiêm phòng vắc xin bệnh dại; tỷ lệ tiêm phòng vắc xin dại cho đàn chó nuôi đạt thấp, là nguyên nhân chính dẫn đến các trường hợp xuất hiện ổ bệnh dại, tử vong ở người.

Đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm những ngày lễ

Đại lễ 30/4-1/5 là kỳ nghỉ lễ dài trong năm, cũng là dịp để người dân vui chơi, giải trí, ăn uống. Để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP), Đoàn Kiểm tra liên ngành tỉnh đã và đang tăng cường, liên tục kiểm tra vệ sinh thực phẩm tại các doanh nghiệp, các cơ sở kinh doanh ăn uống trên địa bàn toàn tỉnh, góp phần đảm bảo sức khoẻ cho người dân và du khách trong những ngày lễ.

Tầm soát sớm, nhẹ nỗi lo

Thời gian gần đây, nhiều bậc phụ huynh bắt đầu quan tâm, thực hiện tầm soát ung thư cho bản thân và tự ý thức tìm hiểu việc kiểm tra thăm khám về căn bệnh này cho con trẻ.

Kiểm soát huyết áp giúp cải thiện các bệnh lý tim mạch

Bệnh tăng huyết áp là nguyên nhân chính gây tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim, suy tim... có thể gây tử vong hoặc tàn phế suốt đời. Kiểm soát tốt huyết áp, giúp phòng và cải thiện các bệnh lý về tim mạch.

Lựa chọn và bảo quản thực phẩm mùa nắng nóng

Vào mùa nắng nóng, độ ẩm và nhiệt độ cao là môi trường thuận lợi để vi khuẩn, vi sinh vật phát triển mạnh khiến thực phẩm nhanh bị ôi thiu. Do đó cần có biện pháp lựa chọn và bảo quản thực phẩm để đảm bảo sức khoẻ và phòng tránh nguy cơ ngộ độc thực phẩm.

Nguy cơ mắc ung thư ở lứa tuổi thanh thiếu niên

Một thực tế hết sức đáng báo động là những năm gần đây, số ca mắc bệnh ung thư khởi phát sớm (độ tuổi từ 15-39) có chiều hướng gia tăng khá cao. Các trường hợp ung thư mới có tỷ lệ tử vong cao nhất ở người trẻ tuổi là ung thư vú, khí quản, ung thư phổi, ruột và dạ dày.

Giai đoạn ăn dặm của trẻ

Ăn dặm là giai đoạn trẻ tập làm quen với các loại thực phẩm thô như rau, thịt, cá, trái cây... để bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng và giúp trẻ phát triển toàn diện. Tuy nhiên, ăn dặm không phải là thay thế hoàn toàn sữa mẹ trong thời gian 1 năm đầu.

Những loại thực phẩm có ích cho người bệnh ung thư

Việc bổ sung chế độ ăn uống hợp lý cho người mắc bệnh ung thư là rất cần thiết. Nó không những đóng vai trò rất lớn đối với kết quả điều trị và sức khoẻ của bệnh nhân, mà nó còn có tác dụng trong việc hỗ trợ pháp đồ điều trị y khoa cho bệnh nhân.

Bệnh tim mạch ở người trẻ gia tăng

Theo Viện Tim mạch Việt Nam, cứ 3 người trên 25 tuổi có ít nhất 1 người có nguy cơ mắc bệnh tim mạch và đang có chiều hướng gia tăng ở người trẻ tuổi. Đây là bệnh không lây dẫn đầu với tỷ lệ tử vong hơn 40%. Số ca mắc bệnh tim mạch gia tăng mỗi năm trung bình khoảng 10-20%.