(CMO) Chỉ trong chớp mắt, ông Mười Tuấn đã sắp xếp gọn gàng gần 1 ngàn mét ống xuống vỏ máy cùng chiếc máy bơm công suất lớn sẵn sàng, cơ động đến bất cứ đâu khi cần. Hơn 30 năm gắn bó rừng U Minh, ông là 1 trong 2 người được UBND xã Nguyễn Phích ưu tiên lựa chọn để phụ trách tổ máy mỗi khi vào cao điểm mùa khô.
Ông Mười Tuấn (Trần Văn Tuấn) không chỉ là hộ dân nhận đất, nhận rừng trên địa bàn Ấp 13, xã Nguyễn Phích, huyện U Minh, mà còn từng là cán bộ của Lâm ngư trường trước đây. Hơn 30 năm gắn bó với vùng đất này nên không nơi nào trong lâm phần rừng tràm của xã ông chưa từng đặt chân tới. Thạo đường, lại có kinh nghiệm và hiểu biết về máy móc nên ông thường là lựa chọn đầu tiên của UBND xã Nguyễn Phích cho vị trí phụ trách 1 trong 2 tổ máy bơm chữa cháy của xã.
Máy móc ở các tổ trực khác cũng được lực lượng kiểm tra bảo dưỡng kỹ lưỡng. |
Dáng người gầy còm cùng với làn da rám nắng của ông Mười Tuấn như nói lên phần nào sự thăng trầm đời mình giống như cây tràm của rừng U Minh Hạ, có lúc được người dân nâng niu, dọn tỉa từng cành, sửa từng đọt, nhưng cũng có thời gian người dân tìm mọi cách để khai phá nhằm mở rộng diện tích canh tác nông nghiệp. Thế nhưng, mọi sóng gió rồi cũng qua, sau bao thăng trầm, rừng lại trở về với vị trí “vàng”. “Giờ đây, người dân sợ cháy rừng hơn cháy nhà”, lời chia sẻ thật thà của ông một lần nữa khẳng định giá trị của cây rừng hiện nay đối với người dân nơi đây.
Từ trụ sở UBND xã, men theo con đường nhựa về thị trấn U Minh, chúng tôi đến thăm chốt đầu kênh 35 thuộc Ấp 13. Trên đường đi, anh Võ Minh Cảnh, cán bộ kiểm lâm phụ trách xã Nguyễn Phích, chia sẻ, xã vừa được tăng cường thêm 1 cán bộ kiểm lâm địa bàn, tức đã được 2 anh em, công việc được san sẻ phần nào.
"Không chỉ địa bàn rộng, diện tích rừng lớn mà nhiều khu vực trong lâm phần hiện nay chưa có lộ giao thông nên việc đi lại vô cùng khó khăn. Để không xảy ra cháy rừng như những năm qua phần lớn dựa vào sức dân là chính, còn nếu chỉ dựa vào anh em tụi tui chắc không kham nổi", anh Cảnh chia sẻ.
Nguyễn Phích là một trong những xã có diện tích lâm phần lớn thuộc diện nhất, nhì của huyện U Minh. Nếu tính chung cả lâm phần của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp U Minh Hạ thì có đến 11 ấp có rừng trong số 20 ấp của xã. Nếu tính riêng lâm phần do xã quản lý cũng có đến 6 ấp có rừng, với diện tích hơn 3.788 ha. Diện tích rừng rộng, trong khi lực lượng và cả trang thiết bị máy móc còn mỏng (3 máy bơm) nên công tác phòng cháy chữa cháy rừng (PCCCR) mỗi khi vào mùa khô chủ yếu dựa vào dân là chính và những người như ông Mười Tuấn được xem là bộ phận nòng cốt. “Công tác PCCCR chủ yếu vẫn lấy phương châm phòng là chính và dân là nòng cốt”, Phó chủ tịch UBND xã Nguyễn Phích Nguyễn Hồng Biên một lần nữa khẳng định.
Hơn 12 giờ trưa, dưới cái nắng như đổ lửa, trên đài canh đầu kênh 35, anh Bảy Minh (Hoàng Văn Minh) vẫn chăm chú hướng tầm mắt bao quát khu vực rừng được phân công và cả những vùng lân cận. Tiếp chuyện chúng tôi chỉ với chiếc quần short, anh Bảy Minh có phần e ngại khi phân trần: “Mấy anh em thông cảm, trên này nóng quá, áo ướt sũng mồ hôi, ướt rồi khô, khô rồi lại ướt...”.
Chỉ tay xuống mực nước còn lại của tuyến 35, anh Cảnh nói trong lo lắng: "Đến thời điểm này mực nước đã cạn bằng so với cuối mùa khô năm 2019 và tốc độ nước kiệt rất nhanh. Với tình trạng này, chẳng bao lâu nữa có khả năng nhiều tuyến kênh trong lâm phần sẽ khô".
Anh Cảnh cho biết thêm: "Nếu không có bà con thì công tác PCCCR không biết sẽ thế nào. Hiện nay, toàn bộ diện tích đất có rừng do xã quản lý hơn 2.100 ha gần như khô hạn hoàn toàn và ở mức dự báo cháy cấp 4, cấp rất nguy hiểm".
Các lực lượng bảo vệ rừng thường xuyên tuần tra để hạn chế đến mức thấp nhất nguyên nhân cháy do việc người dân lén lút vào rừng ăn ong. |
Để thấy rõ hơn ý thức của người dân trong công tác PCCCR cao như thế nào, ông Mười Tuấn đưa chúng tôi ra khu rừng tràm hơn 1 năm tuổi, rộng hơn 14 ha gần đó, rồi từ tốn nói: "Anh em thấy đó, khoảnh rừng bạt ngàn thế này nhưng đố ai tìm được một bụi lùm nào. Tất cả thực bì đều được bà con dọn từ rất sớm, không chỉ mọi người thay nhau lên đài canh lửa mà cả việc dọn thực bì, dọn đường băng chắn lửa… đều hỗ trợ nhau theo kiểu vần công. Hiện nay, chỉ cần bước vào nhà là biết ngay hộ nào có rừng, bởi những nhà có đất rừng lúc nào cũng có xô, chậu, cuốc, xẻng và các dụng cụ khác rất nhiều để phòng khi cần thiết".
Mặc dù khá yên tâm khi ý thức của người dân hiện nay rất cao, thế nhưng, với vai trò là người trực tiếp phụ trách và chịu trách nhiệm trong công tác PCCCR, anh Cảnh vẫn còn nhiều lo lắng khi chia sẻ: "Nếu được hỗ trợ thêm 1 máy bơm nữa thì vững tâm hơn. Khi đó mới có thể đảm bảo cơ động nhanh hơn cho các tình huống khẩn cấp, còn như hiện nay vẫn còn một vài khu vực hơi xa, việc cơ động gặp khó khăn, nhất là khi mực nước dưới các kênh ngày một cạn dần".
Rời khu vực rừng trên địa bàn xã Nguyễn Phích, tôi xuôi theo tuyến 88-25, thuộc khu vực rừng của 2 xã Khánh Bình Tây Bắc, huyện Trần Văn Thời và Khánh Lâm, huyện U Minh. Đây là khu vực rừng rất quan trọng bởi tiếp giáp với rừng của Vườn Quốc gia U Minh Hạ. Tình trạng khô hạn tại khu vực này thậm chí còn gay gắt hơn ở xã Nguyễn Phích do một số hộ dân trong vùng và lân cận tranh thủ bơm nước vào ruộng để cứu lúa, khiến không ít tuyến kênh đã khô cạn.
Là người được chính quyền địa phương và người dân tín nhiệm giao làm Tổ trưởng Tổ PCCCR khu vực tuyến 25 gồm Ấp 11 và 12, xã Khánh Lâm, ông Nguyễn Minh Thành cẩn trọng tính toán, lựa chọn lực lượng để sắp xếp vào trực 24/24. Bởi ông Thành nhận định, kíp trực rất quan trọng, làm sao trong mỗi kíp trực phải đảm bảo có người đủ kinh nghiệm, hiểu biết về rừng, thạo địa bàn… để xử lý nhanh nhất khi có sự cố ngoài ý muốn. Một thông tin từ ông Thành khiến nhiều người yên tâm hơn khi có thể huy động nhanh lực lượng tại chỗ trong dân khoảng hơn 100 người, đủ sức để khống chế cháy không cho lây lan.
Sự chuẩn bị chu đáo về phương tiện máy móc và phương án PCCCR của các chủ rừng cùng với sự chủ động, nhiệt tình và quyết tâm của người dân là cơ sở để có thể tin tưởng rằng, rừng U Minh Hạ mãi xanh dù mùa khô năm nay được dự báo sẽ tiếp tục kéo dài và vô cùng gay gắt./.
Song Nguyễn