(CMO) Thời gian qua, đẩy mạnh công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức sinh động, trực quan và tăng cường đấu tranh với sự phối hợp chặt chẽ giữa 4 lực lượng: công an, cảnh sát biển, hải quan và bộ đội biên phòng, tội phạm ma tuý trên địa bàn tỉnh Cà Mau từng bước được kiểm soát, nhiều điểm nóng về ma tuý đã bị triệt xoá.
Tuy nhiên, tình hình mua bán trái phép chất ma tuý vẫn diễn biến phức tạp và có chiều hướng gia tăng. Những tháng đầu năm nay, lực lượng chức năng đã khởi tố 35 vụ vi phạm mua bán trái phép chất ma tuý (tăng hơn 9 vụ so với cùng kỳ năm 2017), thu giữ trên 1.640 gam heroin và ma tuý tổng hợp, phát hiện trên 860 người sử dụng trái phép chất ma tuý (tăng hơn 680 người so với cùng kỳ năm 2017). Đáng lo ngại là người nghiện ma tuý có độ tuổi trẻ hoá ngày càng cao.
Người nghiện ma tuý được tư vấn tại điểm tư vấn Phường 4, TP Cà Mau. |
Vẫn còn bất cập
Tháng 10/2016, Nghị định số 136/2016 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 221/2013 quy định chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện (CSCN) bắt buộc, có hiệu lực thi hành đã giúp các địa phương tháo gỡ khó khăn về lập hồ sơ, xác định tình trạng nghiện, rút ngắn thời gian xem xét trong việc đưa người nghiện vào CSCN bắt buộc.
Tuy nhiên, khi số người nghiện được đưa vào CSCN bắt buộc ngày càng tăng thì thêm nỗi lo quá tải. “Hiện toàn tỉnh có 969 người nghiện có hồ sơ quản lý, đến thời điểm này đã có 302 người được đưa vào CSCN. Nếu trong thời gian tới, số người nghiện có hồ sơ quản lý đều được đưa vào CSCN khó đảm bảo công tác quản lý cũng như tổ chức cai nghiện, vì điều kiện vật chất ở CSCN chỉ đảm bảo quản lý khoảng 500 người”, ông Lý Việt Thống, Chi cục trưởng Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội tỉnh, lo lắng.
Mặt khác, hiện nay người nghiện ma tuý dưới 18 tuổi, nếu không đăng ký cai nghiện tự nguyện tại CSCN ma tuý, chính quyền địa phương cũng không thể tổ chức cắt cơn, cai nghiện. Bởi, theo Nghị định 221/2013, chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào CSCN bắt buộc phải từ đủ 18 tuổi trở lên. Trong khi đó, công tác cai nghiện tại gia đình và cộng đồng cho người chưa thành niên không thực hiện được vì thiếu cơ sở vật chất và nguồn nhân lực.
Bên cạnh đó, người nghiện ma tuý cũng như gia đình không tự giác khai báo với cơ quan chức năng trong quá trình xác định tình trạng nghiện, người sau cai nghiện tái hoà nhập cộng đồng đa phần không việc làm và thường xuyên đi khỏi nơi cư trú… nên tỷ lệ tái nghiện rất cao. Đáng quan tâm là tình trạng trẻ em hít keo, hút shisa đang diễn ra tại nhiều nơi trong tỉnh, nhưng Nhà nước chưa có quy định chế tài xử lý.
Các học viên tại cơ sở cai nghiện tỉnh được dạy nghề trong thời gian cai nghiện. |
Phát huy vai trò tổ chức xã hội tình nguyện
Cuối năm 2013, Điểm Tư vấn, chăm sóc, hỗ trợ điều trị nghiện ma tuý và tái hoà nhập cộng đồng ở Phường 4, TP Cà Mau được thành lập. Qua 5 năm hoạt động, điểm tư vấn đã tư vấn cho 150 người nghiện và sau cai nghiện ma tuý. Đồng thời, kết hợp với công an và các tổ chức đoàn thể địa phương tổ chức sinh hoạt tuyên truyền, vận động gia đình các đối tượng nghiện ma tuý và sau cai nghiện trở về địa phương được trên 55 cuộc với trên 1.200 lượt người tham gia.
Những tháng đầu năm nay, điểm tư vấn đã tư vấn cho 38 người, tham mưu cho UBND Phường 4 xác nhận hạnh kiểm 6 người để bổ túc hồ sơ xin việc làm ở các cơ quan, doanh nghiệp. Đồng thời, ưu tiên giới thiệu, bảo lãnh vay vốn, giúp đỡ người sau cai nghiện hoà nhập cộng đồng, hiện 12 người đã có việc làm ổn định.
Bên cạnh đó, ở 8 huyện và TP. Cà Mau có trên 100 đội công tác xã hội tình nguyện (CTXHTN) được thành lập với trên 500 tình nguyện viên. Với vai trò truyền tải các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và tham mưu cho UBND địa phương kịp thời triển khai các văn bản trong lĩnh vực phòng chống TNXH đến cán bộ, đảng viên, đoàn viên, các hội viên… và người dân trong địa bàn dân cư, các đội đã nâng cao nhận thức của người dân, tạo chuyển biến trong công tác phòng chống TNXH.
Thế nhưng, việc cấp kinh phí hoạt động và chi trả phụ cấp cho các tình nguyện viên (theo Quyết định số 1941/QĐ-UBND ngày 24/12/2013 của UBND tỉnh), ở một số địa phương chưa thực hiện đầy đủ, kinh phí hoạt động của điểm tư vấn cũng chưa được quan tâm đúng mức... nên hoạt động của các đội CTXHTN từng lúc chưa mang lại hiệu quả thiết thực.
Đẩy lùi tệ nạn ma tuý thì phòng ngừa hiệu quả sẽ tạo ra hiệu ứng tích cực cho việc chống. Không chỉ các cơ quan chức năng mà phòng ngừa sự lây lan của ma tuý đòi hỏi phải có sự tham gia của toàn xã hội, nỗ lực của các đội CTXHTN góp phần không nhỏ trọng việc nâng cao nhận thức người dân. Vì vậy, ngoài việc khắc phục hậu quả (đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất CSCN) hỗ trợ kinh phí và củng cố các đội CTXHTN cũng cần được quan tâm đúng mức./.
Mỹ Pha