(CMO) Chủ động các bước phòng từ sớm, tránh từ xa là giải pháp hữu hiệu nhất để hạn chế thiệt hại có thể xảy ra từ các loại hình thiên tai bất ngờ như triều cường, dông, lốc xoáy và sạt lở.
Hiện nay toàn tỉnh còn khoảng 12.200 hộ đang sống trong khu vực ven sông, vùng thiên tai cần được bố trí, sắp xếp tái định cư. Tuy nhiên, việc đầu tư các khu, cụm tái định cư trên địa bàn tỉnh gặp rất nhiều khó khăn, do đó, phòng từ sớm, tránh từ xa được xem là nhiệm vụ trọng tâm để giảm thiệt hại từ các loại hình thiên tai. Ðồng thời, nhiệm vụ phòng cần được rà soát và tiến hành một cách cụ thể, chi tiết; phòng những nội dung gì, vào thời gian nào và tiến hành phòng ở đâu.
Sạt lở bờ sông, bờ biển, dông lốc, triều cường là những loại hình thiên tai thời gian qua đã và đang tiếp tục tác động đến người dân trên địa bàn huyện Ngọc Hiển. Trong năm 2022, cũng như những tháng đầu năm 2023, sạt lở đang đe doạ nhiều khu vực ven biển của huyện. Trong đó, khu vực Vàm Xoáy của xã Ðất Mũi đang có 400 m bị sạt lở và khoảng 7 km từ cửa Bồ Ðề đến Hóc Năng,…
Sạt lở bờ biển, bờ sông đang là vấn đề bức xúc trên địa bàn tỉnh từ Tây sang Ðông. |
Ðể hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại, ông Trần Hoàng Lạc, Chủ tịch UBND huyện Ngọc Hiển cho biết, huyện đã và đang tiếp tục vận động người dân di dời vào khu vực an toàn bên trong đê. Ðối với những hộ không có điều kiện di dời thì tiến hành xây dựng nhà ở theo mô hình nhà cao cẳng.
"Ðể công tác phòng, chống thiên tai đạt hiệu quả cao nhất, tỉnh tranh thủ các nguồn vốn trung ương để đầu tư nhanh, sớm những khu vực bờ biển đang trong tình trạng sạt lở nghiêm trọng trên địa bàn huyện. Ðồng thời, nâng cao tuyến đê, tuyến lộ ven sông Cửa Lớn để hạn chế triều cường”, ông Lạc đề xuất.
Phú Tân là một trong những huyện ven biển của tỉnh đang chịu ảnh hưởng nặng nề của các loại hình thiên tai, đặc biệt là dông, lốc xoáy cục bộ, nước dâng. Trong năm 2022, dông, lốc xoáy đã làm sập và tốc mái 250 căn nhà. Ngoài ra, triều cường vào tháng 11 cũng đã làm ngập hơn 400 căn nhà và nhiều diện tích hoa màu của người dân. Trong thời gian qua, huyện đã chủ động phòng tránh thiên tai, nhưng gặp nhiều khó khăn, nhất là trong việc di dời, sắp xếp dân cư ven sông và vùng bị ảnh hưởng.
Bà con ven biển đang cần tái định cư để ổn định cuộc sống, giảm thiệt hại do thiên tai.
Sắp xếp dân cư vùng ven sông rạch, vùng thiên tai, dân di cư tự do được xác định là một trong những giải pháp phòng tránh, giảm nhẹ thiệt hại thiên tai, đóng vai trò quan trọng và mang tính lâu dài. Tuy nhiên, nhiệm vụ này thời gian qua tỉnh gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình thực hiện và tiến độ rất chậm. Liên quan đến nội dung này, Trung ương có 2 chương trình sắp xếp dân cư ven sông vùng ÐBSCL và sắp xếp dân cư vùng thiên tai. Theo đó, tỉnh Cà Mau đã tinh gọn lại thành 1 chương trình và giao cho Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp cùng với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) xây dựng đề án sắp xếp dân cư vùng ven sông và vùng thiên tai.
Tuy nhiên, đến nay đề án chưa hoàn thành, nên việc tiến hành sắp xếp tái định cư cũng vô cùng khó khăn. Cụ thể, trên địa bàn huyện Phú Tân, thực hiện chủ trương tái định cư cho người dân vùng thiên tai, thời gian qua huyện được triển khai xây dựng 3 khu tái định cư. Tuy nhiên, đến nay chỉ có khu Mỹ Bình, xã Phú Tân có hạ tầng tương đối hoàn chỉnh; khu tái định cư Cái Cám của xã Tân Hải còn khó khăn trong điều chỉnh quy hoạch. Từ đó, việc sắp xếp dân cư trong khu vực này đạt rất thấp. Ngoài ra, 2 khu còn lại là Công Nghiệp và Gò Công dù đã có chủ trương nhưng vẫn chưa được triển khai thực hiện. Trong khi đó, số hộ dân có nguy cơ bị ảnh hưởng sạt lở, triều cường, nước dâng rất lớn, cần được di dời vào các khu tái định cư.
Dù chỉ có 1 xã giáp biển Ðông, với chiều dài khoảng 13 km thuộc xã Tam Giang Ðông, nhưng tình trạng sạt lở, lốc xoáy và triều cường cũng đã gây ra thiệt hại không nhỏ cho người dân huyện Năm Căn. Trên địa bàn huyện hiện còn số lượng nhà cấp 4 ven sông rất lớn, nguy cơ tốc mái do lốc xoáy rất cao; cùng với đó là mối đe doạ từ sạt lở và triều cường. Ðể hạn chế thiệt hại cho người dân, khoảng 3 năm trở lại đây, huyện Năm Căn đã chủ động sớm hơn một bước. Theo đó, ông Hùng cho biết, ngay đầu mùa mưa, huyện rà soát và tiến hành chằng chống đối với những căn nhà không an toàn, không đợi khi có dự báo dông, lốc hay bão mới thực hiện.
Nhiều khu tái định cư trên địa bàn tỉnh có hạ tầng chưa được đầu tư hoàn chỉnh đang cần tiếp tục được đầu tư.
Ngoài ra, việc di dời dân khi cần thiết được xây dựng cụ thể, chi tiết trong kế hoạch phòng chống thiên tai của huyện. Ông Hùng cho biết, huyện ưu tiên di dời về những nhà dân đảm bảo an toàn thay vì phải đến các trụ sở xã, trường học như trước… để giảm bớt khó khăn do giao thông, khoảng cách. Kế hoạch phòng chống thiên tai của huyện hàng năm đều phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên trong Ban chỉ đạo. Phương châm của huyện là việc gì chủ động trước, ưu tiên thì tiến hành làm ngay.
Khu vực bến cá kết hợp neo đậu tàu thuyền là một trong những điều kiện giúp chủ động trong công tác phòng tránh, giảm nhẹ thiệt hại thiên tai khi có bão, gió mạnh.
Ðể giúp các địa phương chủ động phòng, chống thiên tai, ông Tô Quốc Nam, Phó giám đốc Sở NN&PTNT, cho biết: "UBND tỉnh đã giao cho sở rà soát tình trạng sạt lở để làm lại kế hoạch phòng, chống sạt lở theo đề án của Chính phủ, tiến tới giải quyết dứt điểm tình trạng sạt lở của tỉnh đến năm 2030".
Qua thống kê sơ bộ, nhu cầu kinh phí phục vụ cho mục tiêu này rất lớn. Theo ông Nam, các huyện cần phối hợp với Sở NN&PTNT để rà soát những điểm tập trung dân cư như chợ mà không thể di dời thì đề xuất đầu tư trước. Riêng đối với các khu dân cư, sẽ tiếp tục đầu tư các hạng mục còn lại để đảm bảo hạ tầng thiết yếu cho người dân.
Toàn tỉnh hiện được trang bị 586 phương tiện đường bộ, 1.092 phương tiện đường thủy; 13 ngàn phao các loại và một số vật tư khác... phục vụ công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn. Ngoài ra, nhân lực có thể huy động tham gia phòng, chống thiên tai là hơn 26.500 người.
Song Nguyễn