(CMO) Trong tình hình dịch bệnh Covid-19 có dấu hiệu gia tăng, riêng F0 trong học sinh thì độ tuổi học sinh mầm non và tiểu học chiếm phần đồng. Đây cũng là đối tượng nhạy cảm do chưa tiêm vắc-xin phòng bệnh. Do vậy, việc tiêm chủng vắc-xin sớm đối với lứa tuổi này được xem là một trong những giải pháp quan trọng, tiên quyết, góp phần đảm bảo an toàn cho trẻ khi đến trường, cũng như tạo sự an tâm cho phụ huynh trước nguy cơ dịch bệnh bùng phát trở lại.
Theo thống kê của Sở Chỉ huy phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh, tính đến chiều nay 5/3, toàn tỉnh đã ghi nhận gần 70.000 ca mắc Covid-19. Trong đó, điều trị khỏi hơn 60.000 ca, đang điều trị hơn 9.600 ca.
Tỉnh đã hoàn thành tiêm vắc-xin mũi 2 cho đối tượng từ 12 tuổi trở lên đạt 99,42%; tiêm mũi 3 cho 579.828 người, đạt 71,2% dân số từ 18 tuổi trở lên. Riêng đối tượng dưới 12 tuổi vẫn chưa tiêm chủng.
Tiêm vắc-xin để an toàn đến trường
Từ sau Tết Nguyên đán đến nay, ghi nhận số ca nhiễm bắt đầu tăng cao. Đáng lưu ý là số ca nhiễm là giáo viên, học sinh cũng tăng lên đáng kể khi trường học mở cửa trở lại. Ghi nhận sau gần 1 tháng học sinh đến trường học trực tiếp, tính đến ngày 4/3, toàn tỉnh có tổng số gần 1.900 ca mắc là học sinh, giáo viên; trong đó, học sinh gần 1.700 ca, lứa tuổi tiểu học và mẫu giáo chiếm khoảng trên 60% tổng số ca.
Trẻ bậc mầm non là một trong những đối tượng dễ bị lây nhiễm bệnh do nhiều nguyên nhân. |
Đứng trước tình hình dịch bệnh căng thẳng, nhiều bậc phụ huynh tỏ ra quan ngại khi trẻ đến trường, đồng thời bày tỏ mong muốn con em mình được tiêm vắc-xin phòng Covid-19 khi có thể để đảm bảo an toàn cho trẻ.
Có 2 đứa con học lớp 1 và lớp 3 tại trường Tiểu học Lê Quý Đôn (Phường 9, TP Cà Mau), anh Huỳnh Thanh Quyền bộc bạch: “Gia đình tôi trên tinh thần đồng ý cho 2 con tiêm vắc-xin. Hiện tại, lớp học của các con đã có khá nhiều F0 nên gia đình cũng rất lo ngại sẽ lây nhiễm. Do vậy, mong muốn con được tiêm vắc-xin sớm để có kháng thể. Dĩ nhiên, Bộ Y tế cho phép tiêm thì đã tính toán đến lợi ích, hiệu quả của vắc-xin nên chúng tôi tin tưởng”.
Cùng mong muốn, chị Thái Cẩm Hằng, có 2 con học lớp 5 và lớp 1 trên địa bàn TP Cà Mau, chia sẻ: “Tình hình dịch bệnh giờ lây lan quá, mà các trẻ nhỏ lại chưa có biện pháp để bảo vệ nên rất lo. Nếu chuyển hình thức học online lớp 5 cũng tạm ổn, nhưng lớp 1 thì khó tiếp thu lắm. Hiện trong lớp của 2 bé đều có ca nhiễm. Do vậy, mặc dù hơi băn khoăn, lo lắng vì bé còn nhỏ quá không biết tiêm vắc-xin có ảnh hưởng gì không, nhưng tôi cũng mong muốn con sớm được tiêm vắc-xin để an toàn khi đi học”.
Bên cạnh đó, một số phụ huynh cũng lo ngại về tính an toàn của vắc-xin, nhất là đối với những trẻ có tiền sử bệnh, song vẫn đồng ý tiêm khi đủ điều kiện.
Chị Trần Lệ Trinh (khóm 6, Phường 9, TP Cà Mau) bày tỏ: “Con tôi mới 5 tuổi, học mẫu giáo, cháu lại có tiền sử sốt co giật nên tôi cũng băn khoăn. Dự định đến khi tiêm chủng, sẽ khám sàng lọc cho bé xem như thế nào, đủ điều kiện tiêm hay không. Bây giờ tình hình dịch bệnh phức tạp, nếu trẻ tiêm được vắc-xin phòng bệnh thì mình yên tâm hơn”.
Công tác phòng, chống dịch Covid-19 đang được các trường học nỗ lực thực hiện để đảm bảo an toàn cho trẻ đến trường. |
Chủ động phương án an toàn tiêm chủng cho trẻ
Để chủ động đảm bảo an toàn cho trẻ trước tình hình dịch bệnh Covid-19, Sở Y tế hiện đã lập danh sách, lên kế hoạch dự trù vắc-xin, chủ động nguồn lực cho từng nơi, từng địa phương. Bước đầu xác định số lượng học sinh thuộc đối tượng tiêm với nhu cầu khoảng 150.000 em, dự kiến sẽ đề xuất cấp khoảng 300.000 liều để tiêm 2 mũi.
Theo đó, đối với trẻ học tại cơ sở giáo dục nhà nước và tư nhân, tiến hành tiêm tại trường học hoặc điểm tiêm chủng được cơ sở giáo dục phối hợp với y tế lựa chọn phù hợp, đảm bảo an toàn tiêm chủng và phòng,. chống dịch bệnh Covid-19.
Đối với trẻ không đi học, sẽ tiêm tại điểm tiêm chủng cố định trạm y tế hoặc lưu động trên địa bàn do UBND huyện, thành phố lựa chọn.
Riêng đối với trẻ có bệnh nền, trẻ đang điều trị nội trú tại Bệnh viện Sản - Nhi và các bệnh viện đa khoa có chuyên khoa Nhi, sẽ tiêm tại bệnh viện hoặc trung tâm y tế có giường bệnh.
Tất cả các trẻ sẽ được thực hiện khám sàng lọc đầy đủ trước khi tiêm chủng theo hướng dẫn, quy định hiện hành của Bộ Y tế để kịp thời phát hiện những trường hợp chống chỉ định hoặc tạm hoãn.
Ngoài ra, tại tất cả các điểm tiêm chủng chuẩn bị sẵn sàng, đầy đủ hộp thuốc cấp cứu phản vệ và trang thiết bị cấp cứu. Bố trí các đội cấp cứu lưu động hoặc có đội cấp cứu sẵn sàng hỗ trợ khi có thông báo sự cố tại các điểm tiêm chủng để xử lý kịp thời các trường hợp tai biến nặng sau tiêm chủng nếu có.
Bác sĩ Nguyễn Văn Dũng, Giám đốc Sở Y tế, cho biết: “Trên nền tảng chúng ta đã chuẩn bị đủ điều kiện tiêm, khi nào Bộ Y tế phân bổ vắc-xin sẽ triển khai ngay, giải quyết thật nhanh để đảm bảo tình hình phòng, chống dịch. Đồng thời, Sở cũng chỉ đạo, tại tất cả các điểm tiêm chủng, đội tiêm đảm bảo sẵn sàng, đầy đủ nhân lực và trang thiết bị cấp cứu phản ứng phản vệ; bố trí đội cấp cứu lưu động cùng với xe cấp cứu của các bệnh viện tại mỗi địa bàn để sẵn sàng xử trí tại chỗ và vận chuyển người bị tai biến nặng sau tiêm chủng về bệnh viện. Phân công các bệnh viện theo địa bàn sẵn sàng tiếp nhận cấp cứu cho người có tai biến nặng sau tiêm vắc-xin”.
Ngành y tế Cà Mau đã chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện để triển khai ngay tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi khi được phân bổ vắc-xin. (ảnh minh hoạ) |
Nói về tính an toàn của vắc-xin cho trẻ, bác sĩ Nguyễn Văn Dũng chia sẻ: “Khi đưa vắc-xin về tiêm cho trẻ em, Chính phủ, Bộ Y tế, địa phương cũng đã hết sức cân nhắc, xem xét. Tổ chức Y tế Thế giới đã có những khuyến cáo và trong thực tế các nước tiên tiến đã áp dụng. Đối với Việt Nam, Bộ Y tế cũng đã thành lập hội đồng chuyên môn, tham vấn trình Chính phủ, Quốc hội thống nhất cho tiêm. Cho nên, tính an toàn về mặt khoa học và thực tiễn đã được kiểm định. Do vậy, chúng ta nên an tâm”.
Bác sĩ Nguyễn Văn Dũng phân tích: “Thêm vào đó, trong tình hình dịch Covid-19 hiện nay, biện pháp hữu hiệu nhất là phải tiêm vắc-xin. Nếu không tiêm vắc-xin thì nguy cơ mắc bệnh rất cao. Trẻ em hay người lớn khi nhiễm Covid-19 đều có khả năng chuyển nặng cả. Đương nhiên trẻ em ít nguy cơ hơn do không có bệnh nền nên ít khả năng chuyển nặng hơn người lớn. Tuy nhiên, đối với những trẻ em có bệnh lý vẫn là nguy cơ, như trẻ em bị béo phì, tiểu đường, cơ địa yếu, nhiều trẻ em có những bệnh lý về huyết học, tiêm mạch nên các bậc phụ huynh không được chủ quan. Thế nên, vấn đề tiêm chủng là vấn đề cơ bản nhất chúng ta phải thực hiện”.
“Hiện nay, ngành y tế đã và đang chuẩn bị các phương án, điều kiện đảm bảo an toàn để tiêm chủng cho trẻ. Khi có vắc-xin, mong người dân ủng hộ cho trẻ tiêm chủng đầy đủ để phòng, chống dịch. Không biện pháp nào phòng, chống dịch bệnh hiệu quả hơn tiêm chủng”, bác sĩ Nguyễn Văn Dũng, Giám đốc Sở Y tế, kêu gọi.
Bài và ảnh: Hồng Nhung