Nhằm phát huy vai trò, trách nhiệm của cán bộ, hội viên, phụ nữ, góp phần hạn chế tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã Tân Lộc (huyện Thới Bình) thành lập Câu lạc bộ (CLB) “Phụ nữ với pháp luật”, CLB “Không sinh con thứ 3”, Tổ Truyền thông cộng đồng, Ðịa chỉ tin cậy... Từ đó, phổ biến, giáo dục pháp luật về dân số, hôn nhân và gia đình, các nội dung liên quan đến tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống.
- Truyền thông thay đổi hành vi về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống
- Báo chí tuyên truyền hiệu quả công tác dân tộc
- Tân Lộc កៀងគរប្រភពធនធានដើម្បីលុបបំបាត់ក្រ
Tân Lộc là một trong những địa phương có đông đồng bào DTTS sinh sống của huyện Thới Bình, chủ yếu là dân tộc Khmer. Thời gian qua, xã đặc biệt quan tâm, ưu tiên nguồn lực, triển khai thực hiện đầy đủ, kịp thời các chương trình, dự án, chính sách dân tộc, qua đó đã cải thiện rõ rệt đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào DTTS.
Chung tay chăm lo cuộc sống đồng bào DTTS, Hội LHPN xã chú trọng triển khai các đề án, dự án, chính sách để giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng DTTS. Theo đó, công tác tuyên truyền, giáo dục về sức khoẻ, giới tính, hôn nhân, gia đình, hệ quả của tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống được tăng cường, đẩy mạnh qua các cuộc họp, hội thi, qua tranh ảnh, sách báo... đã góp phần nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào DTTS.
Không chỉ đẩy mạnh công tác tuyên truyền về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, thành viên Tổ truyền thông cộng đồng, Địa chỉ tin cậy còn tham gia tuyên truyền với hình thức sân khấu hoá thông qua các hội thi do cấp trên tổ chức.
Chị Phạm Thuý Ngân, Phó chủ tịch Hội LHPN xã, cho biết: "Toàn xã có trên 2.400 hội viên, trong đó có 284 hội viên là người dân tộc Khmer. Thông qua các buổi họp chi, tổ, hội, chị em hội viên được tuyên truyền về tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, tình trạng này dẫn đến nhiều hệ luỵ nghiêm trọng đến sự phát triển thể chất, tầm vóc và là rào cản lớn cho việc học tập, phát triển giáo dục của các bé gái. Ðồng thời, Hội còn phối hợp cùng các tổ chức chính trị - xã hội đưa ra nhiều giải pháp nâng cao đời sống kinh tế, trình độ văn hoá và hiểu biết của người dân, nhất là chị em hội viên người DTTS, với các hình thức đa dạng, linh hoạt, nhằm giúp bà con thay đổi nhận thức, tư duy cũ về việc kết hôn sớm, kết hôn cận huyết thống.
Nhờ sự vào cuộc đồng bộ, đã qua cũng như hiện nay, phụ nữ trên địa bàn xã đều nói không với tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống.
Ông Hữu Thol, Bí thư Chi bộ Ấp 7, Tổ trưởng Tổ Truyền thông cộng đồng, thành viên Ðịa chỉ tin cậy, chia sẻ: “Các cấp uỷ, chính quyền địa phương, các ban, ngành, đoàn thể, nhất là thành viên Tổ Truyền thông cộng đồng, Ðịa chỉ tin cậy vào cuộc quyết liệt trong tuyên truyền, vận động. Người dân thực hiện nếp sống văn minh, phòng chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, phòng chống bạo lực gia đình, xây dựng gia đình hạnh phúc, nuôi con khoẻ, dạy con ngoan. Nhận thức của bà con trong xã chuyển biến tích cực, nhất là thế hệ trẻ”.
Ông Hữu Thol, Bí thư Chi bộ Ấp 7, cùng chị Phạm Thuý Ngân (giữa), Phó chủ tịch Hội LHPN xã Tân Lộc, tuyên truyền về tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống cho chị Hữu Thị Kal Nhá.
Thông qua công tác tuyên truyền, vận động, bà con người dân tộc, nhất là các bạn trẻ đã có chuyển biến, nhận thức đúng đắn rằng tảo hôn, hôn nhân cận huyết không chỉ có tác động xấu tới sức khoẻ, sinh sản, giống nòi... mà còn là hành vi vi phạm pháp luật về hôn nhân và gia đình.
Chị Hữu Thị Kal Nhá, người dân tộc Khmer ở Ấp 7, bộc bạch: “Phụ nữ được tuyên truyền xây dựng gia đình hạnh phúc, vợ chồng hoà thuận, không xảy ra bạo lực hay cãi nhau, không vi phạm các quy định của pháp luật. Ðặc biệt là giáo dục con cháu trong gia đình không kết hôn sớm, kết hôn cận huyết, hành vi này không chỉ vi phạm về mặt đạo đức và pháp luật, mà còn gây ra nhiều hệ luỵ khác cho gia đình và xã hội”.
Thời gian tới, Hội LHPN xã tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật liên quan đến hôn nhân gia đình, tảo hôn và kết hôn ở trẻ em; làm rõ những hậu quả, tác hại và hệ luỵ do vấn nạn này gây ra. Cùng với đó, thực hiện có hiệu quả các dự án trong Chương trình Mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, giai đoạn 2021-2025, góp phần nâng cao đời sống kinh tế - xã hội và công tác phòng, chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống vùng dân tộc./.
Quỳnh Anh