Trong xu thế phát triển của phục hồi chức năng (PHCN) hiện đại, việc vận hành mô hình PHCN đa chuyên ngành đang được nhiều cơ sở y tế cả nước áp dụng, bao gồm các chuyên ngành: vật lý trị liệu, hoạt động trị liệu, ngôn ngữ trị liệu và tâm lý trị liệu. Năm 2024, Bệnh viện Y Dược cổ truyền - Phục hồi chức năng tỉnh Cà Mau đã áp dụng rộng rãi mô hình này.
- Bệnh viện Y dược cổ truyền - Phục hồi chức năng tỉnh đạt hạng II
- Khởi động Dự án “Thực thi chính sách và trị liệu cho người khuyết tật”
- Bàn giải pháp phát huy hiệu quả dự án “Thực thi chính sách và trị liệu cho người khuyết tật” tại tỉnh
Bệnh viện Y Dược cổ truyền - Phục hồi chức năng tỉnh đã đào tạo bác sĩ và kỹ thuật viên chuyên sâu về các lĩnh vực hoạt động trị liệu, ngôn ngữ trị liệu và triển khai các phòng chuyên môn này phục vụ bệnh nhân. Bước đầu triển khai đạt hiệu quả tích cực, giúp bệnh nhân cải thiện rõ chức năng vận động, giao tiếp, sinh hoạt hằng ngày.
Tập điều hợp vận động là một trong những phương pháp mà bệnh nhân có thể tập nhóm cùng nhau, mỗi lần tập kéo dài khoảng 1 giờ và có từ 7-10 động tác trong 1 bài tập.
Bác sĩ CKII Huỳnh Thị Kim Liên, Phó giám đốc bệnh viện, chia sẻ: "Trong tuần, các bệnh nhân sẽ được kỹ thuật viên hướng dẫn nấu ăn, lặt rau, gói bánh, xếp quần áo. Khi tham gia, nhiều bệnh nhân cho biết đã từng phải quên đi phần cơ thể bất toại tưởng chừng như vô dụng của mình; tuy nhiên, khi điều trị tại bệnh viện, họ đã có thể làm những việc tưởng như không thể như: tự nấu ăn, luộc thịt, rửa rau... Họ bật khóc vì có thể tự chăm sóc bản thân và tự tin hơn trong cuộc sống".
Ngôn ngữ trị liệu là một trong những phương pháp giúp bệnh nhân cải thiện về giao tiếp.
Trước đây, nhiều người nghĩ hoạt động PHCN là khiếm khuyết chức năng gì thì phục hồi chức năng đó. Khi điều trị, bệnh nhân phải tập xe đạp, tập ròng rọc 1 mình 1 phòng khiến họ dễ nản và không có ý chí phấn đấu. Tuy nhiên, với việc áp dụng mô hình tập nhóm, bệnh nhân được kề vai sát cánh cùng nhau, tâm sự, hỗ trợ nhau, từ đó bệnh tình dần cải thiện tốt và mang lại hiệu quả điều trị cao.
Hiện tại, việc triển khai tập nhóm được bệnh viện phân loại theo các nhóm bệnh nhân sức khoẻ tương đồng, như nhóm bệnh nhân yếu nửa người bên phải hoặc nhóm bệnh nhân Alzheimer (sa sút trí tuệ)..., từ đó sẽ có những bài tập phù hợp và bệnh nhân có thể hỗ trợ, tương tác cùng nhau để có thêm động lực điều trị.
Bệnh nhân được tập luyện các chức năng sinh hoạt hằng ngày.
Hoạt động trị liệu, một phần không thể thiếu trong mô hình PHCN đa chuyên ngành, tập trung hỗ trợ bệnh nhân phục hồi việc đi lại, tự chăm sóc bản thân, giao tiếp...
Sự đa dạng trong PHCN đã giúp người bệnh cải thiện khả năng phục hồi về thể chất, đảm bảo bệnh nhân được chăm sóc toàn diện, an toàn và tối ưu, từ đó đáp ứng được nhu cầu điều trị, góp phần phát triển các phương pháp điều trị tân tiến, phù hợp.
Yến Nhi - Hữu Nghĩa thực hiện