(CMO) Đó là phương châm hành động mà Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tiến Hải đã đề ra tại cuộc họp khẩn về triển khai kế hoạch tổng thể phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chuẩn mới của vi rút Corona gây ra trên địa bàn tỉnh Cà Mau vào chiều ngày 31/1. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Hồng Quân, Trưởng ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Corona cùng lãnh đạo tất cả các sở, ban ngành, 9 huyện, thành phố tham dự.
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tiến Hải chủ trì cuộc họp khẩn triển khai phương án phòng, chống dịch bệnh corona.
Báo cáo tình hình dịch bệnh cũng như công tác phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn, Bác sĩ Đặng Hải Đăng, Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh thông tin: Tại Cà Mau, thực hiện ý kiến chỉ đạo từ Trung ương đến địa phương, Cà Mau đã thông qua Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do vi rút Corona gây ra. Theo đó, Sở Y tế tỉnh bước đầu đã triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh trong toàn ngành và tổ chức tập huấn cho các cơ sở y tế trên địa bàn. Đồng thời, công bố danh sách 2 cơ sở y tế có khả năng điều trị bệnh: Bệnh viện Đa khoa tỉnh và Bệnh viện Sản nhi tỉnh. Đồng thời, đã tiến hành xử lý tiêu độc khử trùng 29.000 m2 tại sân bay, bến tàu, bến xe, bến cảng, và tiếp tục xử lý định kỳ hàng tuần.
Nói về 3 tình huống giả định (chưa có ca bệnh, có một vài ca bệnh và dịch bệnh trên diện rộng) Ông Nguyễn Văn Dũng, Giám đốc Sở Y tế đề xuất : “Hiện nay, Cà Mau đang ở tình huống 1, chưa có ca bệnh. Do vậy, đầu tiên chúng ta cần làm tốt công tác truyền thông, đề xuất Ban Chỉ đạo tại huyện sau khi thành lập phối hợp ngành y tế tiếp tục chịu trách nhiệm chuyên môn hướng dẫn cho đội ngũ phản ứng nhanh của Trung tâm y tế tuyến huyện. Huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, giám sát các ca có nguy cơ mắc bệnh. Nhất là các đoàn du lịch cần giám sát, thanh trùng, khử độc ngay bước đầu.
Ghi nhận tại các huyện, thành phố, các địa phương cho biết cũng đang bắt đầu rà soát tình hình người nước ngoài, nhất là người Trung Quốc trên địa bàn quản lý kịp thời. Tuy nhiên, mới chỉ dừng lại ở công tác tuyên truyền. Riêng Tp.Cà Mau đã thực hiện ra quân phun thuốc bến tàu, xe, liên tục trong 7 ngày. Chỉ đạo trung tâm y tế xuất cấp thuốc Clomin B cho các trường mầm non số lượng học sinh đông nhưng lượng thuốc chưa đảm bảo. Đồng thời, các đơn vị cũng đề xuất, thống nhất nội dung hình thức tuyên truyền pano, áp phích; phân cấp kinh phí của từng ngành để tránh sự chồng chéo. Ngoài ra, một số địa phương cũng e ngại điều kiện cơ sở vật chất khó khăn không đảm bảo tiếp nhận bệnh khi dịch bệnh xảy ra.
Đại diện Sở VHTT&DL Ông Tiêu Minh Tiên, Phó Giám đốc cho biết: “Trong dịp tết toàn tỉnh đã có tổng số 677 khách quốc tế đến Cà Mau. Trong đó, có 26 khách Trung Quốc, hiện tại còn lại 3 khách. Lưu trú ở thời điểm từ ngày 24/1 đến ngày 29/1. Chủ yếu khách sạn Mường Thanh, Phú Cường, Ozon. Thực hiện chỉ đạo, đã rà soát các cơ sở lưu trú, điểm du lịch, nhưng gặp khó trong việc nắm lai lịch những đối tượng này”.
Một công tác rất quan trọng được trao đổi, thảo luận thận trọng trong cuộc họp đó chính là kinh phí phòng chống dịch. Theo Sở Y tế, ở giai đoạn này cần dự phòng khoảng 3,6 tỷ đồng để phục vụ cho công tác: kiểm tra, giám sát, truyền thông, mua sắm hóa chất, vật tư (máy phun cloruamin B), bộ đồ phòng chống vi rút cần khoảng 2.000 bộ cho các cơ sở y tế, máy thở, máy chụp X-quang di động,…
Bác sĩ Bùi Đức Văn, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Cà Mau báo cáo kế hoạch chuẩn bị phương án phòng, chống dịch bệnh corona.
Giám đốc Bệnh viện đa khoa tỉnh Bùi Đức Văn cho biết: “Bệnh viện đã dự phòng cả 2 phương án để cách ly, điều trị khi xảy ra dịch với sức chứa 40 giường. Tuy nhiên, về thuốc, hóa chất cần sử dụng thuốc kháng sinh cần thiết nhập về. Một ca bệnh rất tốn kém, một ngày không dưới 10 bộ đồ phòng hộ. Bệnh viện hiện tại chỉ còn 50 bộ, hóa chất Clomin B cũng tăng cường. Riêng máy chụp X quang di động đã hư, cần mua sắm để chụp tại giường, hạn chế di chuyển bệnh nhân. Máy thở trên xe cấp cứu cũng cần trang bị vì hiện nay đã hư hết”.
Trước tình hình dịch bệnh nguy hiểm, có sức lây lan mạnh, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tiến Hải đề nghị các sở ban ngành, địa phương phải hết sức giữ bình tĩnh. Thực hiện phương án phòng, chống dịch với phương châm “Quyết liệt, chặt chẽ, kịp thời, bình tĩnh”. Riêng Sở Y tế trong sáng ngày mai (ngày 1/2) Sở Y tế phải hoàn thiện kế hoạch tổng thể về chiến dịch phòng, chống dịch bệnh Corona, cần chi tiết hơn trong từng tình huống, từng thời điểm.
Chủ tịch tỉnh cũng hết sức lưu ý 8 nhiệm vụ cho các ngành, địa phương trong 2 tình huống đầu (chưa có ca bệnh, có 1 vài ca bệnh xuất hiện). Trong đó, cần tập trung tốt công tác truyền thông theo hướng tăng cường công tác tuyên truyền về mức nguy hiểm của dịch bệnh, cơ chế lây lan, cách biện pháp phòng ngừa tránh lây lan. Để mỗi người dân biết tự phòng ngừa là quan trọng nhất. Về trách nhiệm đưa thông tin giao Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh làm đầu mối đưa kịp thời, chính xác.
UBND tỉnh cũng chủ trương dừng các đoàn ra vào của tỉnh: các đoàn đi công tác, học tập, tham quan, lao động đến những vùng có dịch. Trong năm 2020 có 2 lớp tập huấn đi Trung Quốc và 1 lớp ở Úc dừng lại. Rà soát lại các đơn vị tổ chức du lịch, hạn chế không khuyến nghị khách Trung Quốc vào, sẳn sàng chịu thiệt hại kinh tế.
Ngay từ hôm nay giao Công an tỉnh chủ trì kiểm tra tất cả các cơ sở lưu trú trên địa bàn tỉnh, từ các khách sạn, nhà khách, nhà nghĩ, nhà trọ để nắm được số người đến từ vùng dịch, nhất là đến từ Trung Quốc. Cả những cơ sở khách đã trả phòng. Đồng thời tổ chức phun thuốc tiêu độc khử trùng những địa điểm này. Ngoài ra, Công an tỉnh chỉ đạo công an địa phương rà soát, giám sát liên tục Việt kiều, bởi Cà Mau có số cô dâu Trung Quốc, quốc gia khác rất nhiều, Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo.
Ngoài ra, Tập trung tiêu độc khử trùng tại các khu vực chợ, bệnh viện, chợ đầu mối nông sản thực phẩm, bộ phận một cửa, Trung tâm giải quyết TTHC. Khuyến nghị cán bộ, mọi người dân đến làm thủ tục hành chính đeo khẩu trang.
Về trang thiết bị y tế phục vụ phòng chống dịch, Chủ tịch UBND tỉnh cũng đặc biệt quan tâm yêu cầu: “Rà soát lại tất cả trang thiết bị phòng chống dịch, kiểm tra chất lượng, hạn sử dụng. Trên cơ sở rà soát đề xuất phù hợp chủng loại, số lượng hóa chất, dụng cụ bảo hộ: khẩu trang, quần áo, máy thở, máy đo thân nhiệt, thuốc,…chuẩn bị phòng cách ly kể cả tuyến huyện. Đề xuất phù hợp với tình hình dịch bệnh, tránh lãng phí, trang bị thêm một số máy đo thân nhiệt. Nếu tình hình diễn biến xấu hơn, trang bị thêm máy thở cho các tuyến huyện. Để đảm bảo hóa chất, thuốc phòng, chống dịch, chống trùng dẫm giao sở y tế mua sắm cấp phát.
Song song đó, tập trung quản lý thông tin, quản lý kinh doanh. Giao Sở Y tế kết hợp quản lý thị trường kiểm tra các cơ sở kinh doanh mua bán dược phẩm, thiết bị y tế. Chủ tịch UBND huyện kết hợp đội quản lý thị trường kiểm soát chặt chẽ hướng dẫn nguồn để các cơ sở cung cấp cho người dân đảm bảo chất lượng, quản lý giá cả không chặt chém, giữ hàng, ghim hàng.
Các sở ngành, lực lượng vũ trang, mặt trận đoàn thể, phối hợp chặt chẽ ngành y tế làm tốt công tác tuyên truyền hướng dẫn để phòng chống dịch bệnh, hỗ trợ cả về phương tiện, lực lượng khi cần thiết. Các huyện thành lập ngay Ban Chỉ đạo của huyện và lập ngay kế hoạch của địa phương mình. Ban Chỉ đạo tỉnh phân công từng thành viên trách nhiệm từng địa bàn. Đồng thời, có trách nhiệm kiểm tra theo dõi nhất là địa bàn nóng, phức tạp.
Riêng đối với tình huống thứ 3 (dịch bùng phát), thực hiện tất cả nhiệm vụ nêu trên nhưng với mức độ tăng cao hơn về nhân lực, vật lực. Nếu diện rộng hơn nữa sẽ cần sự trợ giúp Bộ Y tế. Tất cả không nên quá lo lắng, phải hết sức bình tỉnh trong mọi tình huống.
Hồng Nhung
Thông tin từ cuộc họp cũng cho biết : “Hiện nay trên thế giới đã có 9.832 người bị nhiễm bệnh, trong đó Trung Quốc có hơn 9.600 ca bệnh, đã có 213 người tử vong, riêng Việt Nam có 5 ca mắc bệnh. Và đến hôm nay, tổ chức WHO đã chính thức ban bố tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu, điều này cho thấy dịch bệnh đã hết sức nguy hiểm. |