Tiếp tục chương trình giám sát việc chấp hành pháp luật về chuyển đổi vị trí công tác đối với cán bộ, công chức, viên chức (CC,VC) trên địa bàn tỉnh, sáng ngày 7/5, Ban Pháp chế HĐND tỉnh có buổi làm việc tại huyện Thới Bình. Cùng tham gia đoàn có lãnh đạo Ban Văn hoá - Xã hội, đại diện một số sở, ngành tỉnh.
Ông Nguyễn Hoàng Thám, Phó trưởng Ban Pháp chế HĐND tỉnh, nhấn mạnh, việc chuyển đổi vị trí công tác của cán bộ, công chức, viên chức là công tác cán bộ, phải thực hiện theo quy trình, công khai, khách quan.
Theo báo cáo của huyện Thới Bình, từ năm 2021-2023, địa phương đã thực hiện chuyển đổi đối với 48 CC,VC, ở các lĩnh vực theo quy định: tài nguyên và môi trường, nông nghiệp và phát triển nông thôn, xây dựng, công thương, thanh tra, giáo dục và đào tạo, tổ chức cán bộ, tài chính kế toán. Thời gian thực hiện chuyển đổi công tác theo quy định từ đủ 2-5 năm.
Huyện cũng phản ánh, việc triển khai thực hiện định kỳ chuyển đổi vị trí công tác tại các cơ quan, đơn vị trên địa bàn gặp một số khó khăn, vướng mắc.
Cụ thể, cơ quan, đơn vị khó có thể bố trí CC,VC thay thế cho CC,VC đến thời hạn chuyển đổi vị trí công tác vì mỗi vị trí công tác có yêu cầu ngành đào tạo khác nhau, việc bố trí CC,VC phải đảm bảo đúng chuyên ngành đào tạo phù hợp với khung năng lực theo Đề án vị trí việc làm. Đối với vị trí kế toán, mỗi cơ quan, đơn vị chỉ có 1 người/1 vị trí nên việc chuyển đổi khó thực hiện.
Đối với công chức cấp xã, việc định kỳ chuyển đổi vị trí công tác làm ảnh hưởng đến quyền lợi, như không còn trong quy hoạch sau khi chuyển đổi vị trí công tác đến cơ quan mới. Ngoài ra, việc định kỳ chuyển đổi vị trí công tác trong một số trường hợp ảnh hưởng đến tâm lý, tinh thần làm việc của CC,VC vì liên quan đến môi trường làm việc, khoảng cách địa lý, việc gia đình.
Ông Nguyễn Minh Phụng, Chánh Thanh tra tỉnh, gợi ý huyện làm rõ thêm một số vấn đề xung quanh công tác này.
Tại buổi làm việc, thành viên trong đoàn quan tâm việc chuyển đổi vị trí công tác của CC,VC phải đảm bảo công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và hiệu quả công việc sau khi chuyển đổi, không làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của cơ quan, đơn vị; tính công khai, minh bạch, công tác quán triệt, triển khai để tạo sự đồng thuận của CC,VC khi chuyển đổi…
Qua giám sát, ông Nguyễn Hoàng Thám, Phó trưởng Ban Pháp chế HĐND tỉnh, đánh giá, việc thực hiện chuyển đổi vị trí công tác đối với cán bộ, CC,VC trên địa bàn huyện còn chưa chặt chẽ.
Ông Thám cho rằng, việc chuyển đổi vị trí công tác của CC,VC là công tác cán bộ, yêu cầu phải thực hiện theo quy trình, công khai, khách quan; quan trọng là phải trao đổi với người được chuyển đổi, nắm tâm tư, nguyện vọng, có như thế mới tạo sự đồng thuận, để CC,VC phát huy năng lực, sáng tạo ở môi trường mới.
Về quy hoạch, ông Thám đề nghị huyện quan tâm, bổ sung đối với CC,VC thực hiện chuyển đổi vị trí. Đối với các xã, thị trấn, trước khi xây dựng kế hoạch chuyển đổi vị trí công tác cán bộ, công chức, phải rà soát từng trường hợp, đảm bảo đúng đối tượng, quy trình.
Theo bà Dương Chúc Linh, Trưởng phòng Nội vụ huyện Thới Bình, báo cáo, từ năm 2021-2023, địa phương đã thực hiện chuyển đổi đối với 48 công chức, viên chức ở các lĩnh vực theo quy định.
Ông Trần Minh Nhân, Phó chủ tịch UBND huyện, cho rằng, qua giám sát đã giúp UBND huyện và các địa phương, đơn vị sáng tỏ nhiều vấn đề, để địa phương thực hiện tốt nhiệm vụ chuyển đổi vị trí công tác cán bộ, CC,VC trong thời gian tới; đồng thời đề xuất xem xét điều chỉnh lại một số nội dung đối với những trường hợp có hoàn cảnh khó khăn đặc thù./.
Mộng Thường