(CMO) Thời gian qua, cùng với công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm ma tuý, công tác cai nghiện và quản lý sau cai nghiện ma tuý tiếp tục được tỉnh và các cơ quan chức năng quan tâm, chỉ đạo quyết liệt. Tuy nhiên, công tác này hiện nay vẫn còn gặp nhiều khó khăn, bất cập.
Hiện nay, Cơ sở cai nghiện ma tuý tỉnh Cà Mau (Ấp 1, xã Khánh An, huyện U Minh) có 450 học viên, trong đó có 419 nam và 31 nữ; 19 học viên cai nghiện tự nguyện, 1 học viên 15 tuổi. Mặc dù chưa có số liệu thống kê chính xác nhưng con số các đối tượng cai nghiện từ lần 2 trở lên tại cơ sở không hề nhỏ, “cai nghiện - hoà nhập - tái nghiện” đã trở thành điệp khúc quen thuộc của một số học viên nơi đây.
Cùng với công tác cai nghiện, Cơ sở cai nghiện ma tuý tỉnh Cà Mau còn tổ chức các lớp dạy may, điện dân dụng giúp học viên có nghề, giấy chứng nhận học nghề sau khi tái hoà nhập cộng đồng. |
34 tuổi đời nhưng Lê Thị Đậm E (Phường 6, TP Cà Mau) đã có thâm niên 15 năm sử dụng heroin. 6 lần ra vào trung tâm cai nghiện nhưng con đường tái hoà nhập cộng đồng với E vẫn còn lắm nhọc nhằn. Mẹ mất, cha đi thêm bước nữa, Đậm E về sống cùng bà ngoại, không bao lâu khi bà mất, Đậm E tìm đến với heroin vì hiếu kỳ và xem đó là cứu cánh của mình.
Đậm E chia sẻ, ban đầu buồn em chỉ định hút thử nhưng đến khi nghiện không hay. Số tiền kiếm được từ công việc làm thuê hàng ngày Đậm E dành cho hút heroin, “cái chết trắng” dần dần vắt kiệt sức khoẻ cô gái tuổi đôi mươi. Những lần đầu sau khi cai nghiện về địa phương Đậm E giữ quyết tâm không sử dụng lại ma tuý. Thế nhưng, với sự kỳ thị của những người xung quanh và cả người thân nên Đậm E mất thăng bằng. Cái gì đến cũng đã đến, Đậm E lại tìm đến heroin để tìm niềm vui cho bản thân. 6 lần ra vào cơ sở cai nghiện, Đậm E chỉ chuyển từ sử dụng heroin sang ma tuý đá.
Tháng 10/2019 là lần thứ 3 Nguyễn Hoàng G vào Cơ sở cai nghiện ma tuý tỉnh để cai nghiện tập trung. Đang có công việc, thu nhập ổn định từ nghề xây dựng nhà, vì một chút hiếu kỳ G chọn heroin để thử. Thử rồi đến khi nghiện không hay, khi không thể khuyên nhủ chồng, vợ của G chọn cách mang con về nhà cha mẹ ruột ở Đà Lạt để sinh sống. Sau 2 lần cai nghiện trước đó, lần này G quyết tâm cai nghiện cũng vì con gái của mình. G tâm sự, hiện tại con gái đã 10 tuổi, trong những cuộc điện thoại con bé đều nhắc, cha cố gắng cai nghiện để đón con và mẹ về ở cùng.
Trong quá trình cai nghiện, Cơ sở cai nghiện ma tuý tỉnh đã tạo điều kiện cho các đối tượng cai nghiện học, làm một số nghề như: nối mi, đan ghế nhựa, điện gia dụng, cắt tóc… Và khi tái hoà nhập cộng đồng với chứng chỉ nghề trong tay họ có thể tìm được công việc phụ hợp. Thế nhưng, khi hoà nhập cộng đồng, muốn tìm kiếm được việc làm thực sự còn nhiều khó khăn. Bởi nhiều nơi, nhiều chủ lao động còn e ngại các đối tượng nghiện cũng như sau cai nghiện ma tuý.
Cùng với đó, hiện nay chưa có nhiều chính sách hỗ trợ để người nghiện sau cai được tiếp cận vay vốn ngân hàng do thủ tục vay còn nhiều vướng mắc; cộng đồng và xã hội còn kỳ thị, chưa tin tưởng, đã tạo rào cản cho người sau cai nghiện ma tuý hoà nhập cộng đồng. Không chỉ thiếu việc làm, quản lý các đối tượng sau cai còn gặp nhiều khó khăn bởi khi họ hoà nhập cộng đồng thì sẽ đối mặt với rất nhiều cạm bẫy, trong đó có số “bạn nghiện” rình rập để rủ rê họ tái nghiện hoặc tham gia các hoạt động vi phạm pháp luật.
Giám đốc Cơ sở cai nghiện ma tuý tỉnh Cà Mau Phạm Hoàng Sa cho rằng, mặc dù 100% đối tượng sau cai nghiện tại cơ sở điều trị cai nghiện bắt buộc được tư vấn các biện pháp phòng, chống tái nghiện, thế nhưng, khi trở về gia đình, cộng đồng, đa số vẫn bị kỳ thị, điều này dẫn đến nảy sinh tiêu cực và số học viên tái nghiện cũng tăng hơn.
Trước những bất cập nói trên, để công tác cai nghiện và quản lý sau cai đạt kết quả cao, đòi hỏi sự tham gia tích cực của cả hệ thống chính trị, bản thân người nghiện, gia đình, cộng đồng và toàn xã hội. Có như vậy mới chung tay đẩy lùi được ma tuý, những người nghiện sau cai mới có thể tự tin hoà nhập cộng đồng./.
Thanh Phương