Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ vừa được Quốc hội thông qua (có hiệu lực từ ngày 1/1/2025) có nhiều thay đổi, quy định mới, liên quan đến người tham gia giao thông đường bộ, nhất là đối với những đối tượng trực tiếp hoạt động kinh doanh vận tải (tài xế kinh doanh vận tải). Trong đó, đáng chú ý là quy định mỗi giấy phép lái xe (GPLX) sẽ có 12 điểm, dùng để quản lý về việc chấp hành pháp luật của người lái xe, thông qua hệ thống cơ sở dữ liệu.
Quy định được đánh giá vừa mang tính nhân văn, vừa tạo điều kiện thuận lợi cho tài xế hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh vận tải, lại tránh tồn đọng vụ việc, lãng phí do nguyên nhân người vi phạm có thể chấp nhận bỏ GPLX.
Theo quy định mới, mỗi GPLX sẽ có 12 điểm, được quản lý thông qua cơ sở dữ liệu. Nếu người tham gia giao thông vi phạm, sẽ bị trừ điểm, tuỳ theo mức độ vi phạm. Ngay sau khi quyết định xử phạt có hiệu lực, điểm trừ GPLX sẽ được cập nhật trên hệ thống của cơ sở dữ liệu, đồng thời thông báo cho người vi phạm biết. Theo đó, các quy định chi tiết về vi phạm, điểm trừ từng lỗi, trình tự thủ tục trừ điểm, phục hồi điểm GPLX sẽ được Chính phủ quy định cụ thể.
Việc áp dụng trừ điểm đối với GPLX của người tham gia giao thông là bước mới, nhân văn hơn, tạo điều kiện thuận lợi, không ảnh hưởng nhiều đến hoạt động lao động, sản xuất kinh doanh của người dân. (Ảnh minh hoạ)
Ðiểm đáng chú ý là người vi phạm bị trừ điểm (chưa hết 12 điểm) vẫn có thể tiếp tục được điều khiển phương tiện giao thông, để không bị gián đoạn trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Khi bị trừ hết điểm, sẽ không được điều khiển phương tiện theo loại GPLX hiện có và sau ít nhất 6 tháng kể từ ngày bị trừ hết điểm, mới được tham gia kiểm tra kiến thức pháp luật về trật tự an toàn giao thông đường bộ do Cảnh sát giao thông tổ chức, nếu đạt yêu cầu, GPLX sẽ được phục hồi 12 điểm.
Anh Nguyễn Văn Trung, tài xế vận chuyển hàng hoá, cho biết: “Quy định trừ điểm như thế này phần nào đỡ áp lực cho cánh tài xế. Như quy định hiện tại, khi vô tình bị một lỗi như chạy quá tốc độ chẳng hạn, trong mức từ 10-20 km/h, ngoài bị phạt tiền còn bị tước quyền sử dụng GPLX từ 1-3 tháng. Những tài xế như tôi, sống bằng nghề này mà bị tước bằng lái mấy tháng thì coi như mất thu nhập. Khi quy định mới có hiệu lực, tài xế sẽ đỡ hơn, khi lỡ vi phạm, bị trừ điểm, mình xem như bài học, sẽ cẩn thận hơn, mà không bị tước GPLX, vẫn còn “cần câu cơm”, có cái kiếm sống”.
Ðồng quan điểm, anh Ðinh Văn Tiên, tài xế xe hợp đồng, ngụ Phường 5, TP Cà Mau, chia sẻ: “Quy định mỗi GPLX 12 điểm, coi như mỗi tài xế "có vốn" để di chuyển trên đường. Cũng từ đó, mỗi người nhìn vào số điểm mà cẩn thận hơn, để không vi phạm. Ðiều quan trọng là không làm gián đoạn hoạt động kinh doanh. Tôi thấy quy định mới này rất nhân văn”.
Quy định tước GPLX tác động không nhỏ đến hoạt động sản xuất kinh doanh, nhất là đối với những người hoạt động đặc thù trong lĩnh vực kinh doanh vận tải. Trong đó, nhiều người sẵn sàng chấp nhận bỏ GPLX, điều này gây ra hệ luỵ không nhỏ trong giải quyết vụ việc vi phạm trật tự, an toàn giao thông của lực lượng chức năng và lãng phí. Khi Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ có hiệu lực, việc quy định trừ điểm GPLX mang tính nhân văn hơn, khi người vi phạm chưa bị trừ điểm hết, vẫn tiếp tục được tham gia giao thông bằng GPLX đó, không bị gián đoạn trong hoạt động sản xuất kinh doanh.
Tuy nhiên, để Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ thực sự đi vào cuộc sống, trong đó có quy định trừ điểm GPLX, đòi hỏi cần có những quy định thực sự cụ thể, vừa đủ sức răn đe, vừa tạo điều kiện thuận lợi để người dân tham gia giao thông, cũng như trong hoạt động lao động, sản xuất kinh doanh./.
Lê Chí