(CMO) Theo thống kê của Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Cà Mau, chỉ trong 4 ngày qua (từ ngày15-19/7), trên địa bàn tỉnh, mưa kèm giông lốc đã làm sập 52 căn nhà và tốc mái 284 căn nhà, ngã đổ 34 cây xanh, 6 trụ điện; sóng lớn làm 1 đoạn kè cừ bản nhựa bị sụp, lún phần mặt bê tông, với chiều dài khoảng 50 m, ước tổng thiệt hại khoảng 2,7 tỷ đồng.
Trên biển 2 tàu cá bị chìm, ước thiệt hại khoảng 650 triệu đồng (tàu cá CM 5068 TS và tàu cá CM 95227 TS , bị chìm tại vùng biển Côn Đảo Bà Rịa - Vũng Tàu), hiện 11 thuyền viên trên 2 tàu đã được cứu vớt an toàn, còn 2 tàu cá chưa được trục vớt do sóng to, gió lớn. Như vậy, tổng thiệt hại ước tính về tài sản do thiên tai gây ra, từ đầu năm đến nay, là 26,6 tỷ đồng.
“Những ngày qua, mưa giông cùng với ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 1 (Talim) đã gây thiệt hại lớn đến đời sống, tài sản của người dân. Tỉnh chỉ mới chịu ảnh hưởng cơn bão đầu tiên trong năm nhưng tình hình thiệt hại đến thời điểm này ghi nhận là khá lớn, tăng cao hơn so với cùng kỳ, chứng tỏ diễn biến thời tiết hiện nay phải nói khó lường, có xu thế ngày một nặng nề hơn”, ông Nguyễn Long Hoai, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Cà Mau, nhận định.
Nhiều nhà dân bị tốc mái, cột điện gãy đổ tại xã Khánh Bình Đông, huyện Trần Văn Thời do ảnh hưởng mưa giông.
Được biết, dù bão số 1 được hình thành trên vĩ độ 20 độ Bắc, trong khi Cà Mau ở 9 độ vĩ Bắc, tức là cách hơn 1.000 cây số, theo ông Hoai, hiện tượng mưa giông lốc kéo dài vẫn ảnh hưởng lớn đến địa phương, cho thấy mức độ ảnh hưởng rất nghiêm trọng. Trong khi đó, theo Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn, từ nay đến cuối năm 2023, còn khoảng 9-10 cơn bão, ấp thấp nhiệt đới nữa. Do đó, nhiều khả năng mức độ ảnh hưởng thiệt hại không phải dừng lại ở đây mà sẽ có khuynh hướng cường độ mạnh hơn và phạm vi ảnh hưởng rộng hơn. Từ đó, mức độ thiệt hại sẽ lớn nếu ta không có biện pháp phòng ngừa trước khi bão tới.
Cùng với ảnh hưởng mưa giông, triều cường nước biển dâng đã xuất hiện cùng lúc trên địa bàn xã Khánh Hội (huyện U Minh), làm thiệt hại nhiều tài sản nhà dân. Nguyên nhân của hiện tượng này là do biến đổi khí hậu, nước biển dâng, nền đất lún, các hiện tượng cực đoan xảy ra thường xuyên. Hiện tượng này thường kéo dài đoạn Khánh Hội - Đá Bạc - Sông Đốc, đây là đoạn thường xuyên bị ảnh hưởng nước dâng cục bộ hàng năm. Thông thường, mực nước thiết kế tính toán cho kè, đê, đập ở vùng biển Tây hiện nay cao độ là 1,08 m. Nhưng với tình hình biến đổi khí hậu, nước dâng 4 năm gần đây cho thấy, mực nước thiết kế này không còn đáp ứng nữa.
Cụ thể, ngày 3/8/2019, nước dâng 1,7 m, có nghĩa là cao hơn 6 cm so với thiết kế. Khi đó, với mực nước này được coi là triều cường lịch sử, 50 năm mới xuất hiện 1 lần, với tần suất 2%. Tuy nhiên, đến ngày 11/7/2022, tiếp tục xảy ra hiện tượng nước dâng 1,7 m nữa.
Cùng với ảnh hưởng mưa giông, triều cường, nước biển dâng đã xuất hiện cùng lúc trên địa bàn xã Khánh Hội (huyện U Minh), làm thiệt hại nhiều tài sản của người dân.
Ông Nguyễn Long Hoai, thông tin thêm: "Đặc biệt, ngày 18/7/2023 vừa qua, đoàn chúng tôi đang đi kiểm tra tuyến đê biển Khánh Hội - Đá Bạc - Sông Đốc, ngay lúc nước đang dâng. Theo phán đoán, nước dâng khoảng 1,4 m; lúc đó nước dâng rầm rầm trong vòng 10 phút rồi xuống. Điều đó cho thấy, công trình thiết kế của địa phương cần phải có sự điều chỉnh".
Về vấn đề này, Sở NN&PTNT đã kiến nghị Cục Kinh tế hợp tác và phát triển nông thôn, các ngành chức năng nghiên cứu hiện tượng này để điều chỉnh định mức, quy mô của các thông số thiết kế các công trình đê kè trong thời gian tới. Trên cơ sở đó, bồi trúc những vị trí hiện nay thấp cho đúng cao độ, kịp thời ứng biến trước diễn biến triều cường, nước dâng các năm tiếp theo.
Trước tình hình trên, ngay trong ngày 18/7, Sở NN&PTNT (cơ quan Thường trực Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Cà Mau) đã chỉ đạo các ngành chức năng xuống kiểm tra tình hình thiệt hại và các công trình thuỷ lợi, đê điều, cống bọng, các công trình phòng, chống thiên tai để phát hiện sự cố, xử lý kịp thời.
Đồng thời, Sở LĐTB&XH đã tiến hành thống kê, rà soát lại các hộ dân có nhà bị sập, tốc mái, thiên tai để hỗ trợ. Chính quyền địa phương nơi có nhà dân thiệt hại đã tiến hành động viên thăm hỏi, cử lực lượng thanh niên xung kích trực tiếp xuống hỗ trợ khắc phục, giúp người dân sớm ổn định cuộc sống trong thời gian sớm nhất.
Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Cái Đôi Vàm giúp người dân ở cửa biển Cái Cám, huyện Phú Tân chằng néo nhà cửa.
Đặc biệt, UBND tỉnh cũng vừa có chỉ đạo các sở, ngành cấp tỉnh, UBND các huyện, thành phố tiếp tục theo dõi tình hình diễn biến thiên tai, ảnh hưởng hoàn lưu bão số 1 để tổ chức chỉ đạo ứng phó, khắc phục kịp thời. Trong đó, chỉ đạo Sở NN&PTNT theo dõi diễn biến thiên tai; những thiệt hại có khả năng xảy ra do ảnh hưởng hoàn lưu bão số 1, hướng dẫn cách ứng phó.
Nhiều khả năng tình hình thiên tai sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp và khả năng mức độ thiệt hại lớn trong thời gian tới, ông Nguyễn Long Hoai khuyến cáo, các địa phương cần rà soát lại các phương án ứng phó với các loại hình thiên tai đã được xây dựng từ cấp tỉnh đến cơ sở cho năm 2023 như: bão, áp thấp nhiệt đới; gió mạnh trên biển; sụp lún; sạt lở,…, từ đó điều chỉnh, bổ sung phù hợp tình hình, diễn biến thời tiết, khí hậu hiện nay.
"Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các cấp, nhất là cấp xã tuyên truyền người dân thực hiện nghiêm túc theo hướng dẫn của chính quyền địa phương theo các phương án với các loại hình thiên tai thường xuyên xảy ra như: phương án chằn chống nhà cửa, di dời dân, neo đậu tàu thuyền, bảo vệ sản xuất, các công trình phòng, chống thiên tai để người dân nắm bắt được những hướng dẫn, từ đó có bước chủ động phòng tránh để giảm thiệt hại trong thời gian tới", ông Hoai đề nghị./.
Hồng Nhung