(CMO) Trẻ em - thế hệ tương lai của đất nước nên được ưu tiên chăm bồi. Tuy nhiên, trong cuộc sống hiện nay, trẻ không chỉ biết “hưởng thụ” mà cần phải tự trang bị cho bản thân những kỹ năng cần thiết và học cách bảo vệ mình trước những nguy hiểm.
Cô Phạm Thị Ngạn, Phó Hiệu trưởng Trường Mầm non Ban Mai, Phường 8, TP Cà Mau, cho biết: “Trẻ hiện nay rất phát triển về cả thể chất lẫn trí tuệ, cho nên việc tiếp thu hay học những điều người lớn dạy rất nhanh. Vì thế, ngay từ bậc mầm non, chúng tôi đã dạy trẻ những kỹ năng cần thiết để nhận biết thế giới xung quanh cũng như cách trẻ tự lập khi hoạt động vui chơi trong một tập thể”.
Cô Hoàng Thị Hồng, Trường Mầm non Ban Mai tập cho trẻ nhận biết nghề nghiệp bằng ảnh thông qua các hoạt động góc ngoài trời. |
Không “đao to múa lớn”, một việc dù rất nhỏ chẳng hạn như tập thói quen tự đi ngủ, thức đúng giờ hay thậm chí tự ăn, tự vui chơi và biết dọn dẹp ngăn nắp sau khi sử dụng là đã rất thành công đối với bậc mầm non.
Cô Hoàng Thị Hồng, giáo viên lớp chồi 3, Trường Mầm non Ban Mai, chia sẻ: “Ngay từ những buổi đầu đến trường, giáo viên đã dạy cho trẻ cách sắp xếp đồ đạc như quần áo, balo, nón, dép vào nơi đúng quy định và khi cần sẽ tự lấy ra. Sau đó, trong mọi bữa ăn, tập thói quen cho trẻ tự vệ sinh tay, miệng trước khi ăn và tự ăn, ăn một cách nhanh chóng và gọn gàng, sau khi ăn xếp chén đũa vào một góc”.
Có thể thấy, trẻ nhỏ thường có thói quen ỷ lại vào ông bà, cha mẹ khi ăn, chẳng hạn như kén chọn thức ăn, ăn phải đút, khi ăn cần phải bày trò “chiêu dụ” để trẻ ăn nhanh và nhiều hơn. Tuy nhiên, sau khi đến trường, hơn 90% trẻ đã học cách tự ăn.
Ngoài những việc tự chăm sóc bản thân, tại trường trẻ còn học được cách tự lập cả khi vui chơi hay sinh hoạt. Để trẻ có sức khoẻ học tập, vui chơi, nhà trường thường có những buổi thể dục nhẹ buổi sáng, sau khi nghe tiếng chuông hay một pháo lệnh nào đó, các bé sẽ tự di chuyển ra sân vào hàng lối ngay ngắn.
“Bên cạnh đó, mỗi lớp sẽ đảm nhận một bồn cây hoặc một góc thiên nhiên để chăm sóc, hằng ngày trẻ đều chăm chỉ ra tưới cây, nhặt rác xung quanh. Đây là bước thứ hai trong niên đồ tự lập khi trẻ vận dụng các kỹ năng để chăm sóc môi trường”, cô Hồng cho biết.
Đối với các bé lớp lá, khi đã bắt đầu có ý thức hơn sẽ được phân công trực nhật theo tổ/ngày. Các công việc nhẹ nhàng như xếp ghế lại sau khi ăn, lau bàn, trải khăn hoặc thu xếp đồ chơi về vị trí... Những việc này trẻ có thể làm rất thành thạo tại trường, nhưng ít khi bắt gặp tại nhà.
Chị Trần Mỹ Tiên, Phường 8, TP Cà Mau, vui vẻ cho biết: “Bé sau khi được đi nhà trẻ về thực sự thấy rất khác. Việc cho con ăn trước đây mất rất nhiều thời gian, giờ bé có thể tự ăn, dù có thể lâu hơn và bừa bộn, thức ăn vương vãi khắp bàn, nhưng sau đó bé tự lau sạch, thậm chí phụ mẹ dọn cơm, tưới cây giúp ông bà...”.
Các hoạt động vui chơi tại trường cũng được lồng ghép các kỹ năng sống để dạy trẻ tính tự lập. “Chẳng hạn khi tham gia hoạt động góc, cô giáo có phát tín hiệu bằng một bài hát “Đồ chơi của lớp, chơi xong ta cất, kẻo mất bạn ơi, ta giữ đồ chơi, cho bền cho đẹp”. Sau khi nghe bài hát, trẻ sẽ tự thu xếp đồ chơi lại và cất gọn gàng, đúng vị trí ban đầu. Đây là một trong những hoạt động rèn cho trẻ tính kỹ luật và nền nếp trong cuộc sống”, cô Ngạn hào hứng.
Tuỳ theo độ tuổi mà trẻ vui chơi và lao động theo sức của mình, chính những việc đơn giản hiện hữu xung quanh trẻ đã từng bước giúp trẻ trưởng thành. Một đứa trẻ trưởng thành có linh hoạt và khôn khéo, độc lập, quyết đoán, tự tin hay không là cả một quá trình phấn đấu, rèn luyện ngay từ lúc nhỏ. Vì vậy, việc giáo dục, rèn luyện tính tự lập cho trẻ là việc làm vô cùng quan trọng mà các bậc cha mẹ phải thực hiện càng sớm càng tốt./.
Nhi Ngô