Trồng cây xanh, vườn hoa trong trường học không chỉ tạo môi trường giáo dục thân thiện, lành mạnh, mà còn giúp học sinh rèn luyện kỹ năng sống, ý thức bảo vệ thiên nhiên.
Trồng cây xanh, vườn hoa trong trường học không chỉ tạo môi trường giáo dục thân thiện, lành mạnh, mà còn giúp học sinh rèn luyện kỹ năng sống, ý thức bảo vệ thiên nhiên.
Chỉ với hơn 170 m2, vườn hoa 8/3 của Trường THCS Lương Thế Vinh, phường 8, TP Cà Mau, rực rỡ khoe sắc với nhiều loại hoa như: quỳnh anh, cẩm tú, sao nhái, cúc… tạo cho khuôn viên trường một mảng màu đầy hương xuân. Người làm vườn không ai khác chính là các thầy, cô giáo và các em học sinh nhà trường.
Cô, trò Trường THCS Lương Thế Vinh chăm sóc vườn hoa 8/3 để đón mùa xuân mới. |
Thầy Phạm Thanh Dũng, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết, mô hình này ban đầu chỉ nhằm mục đích tạo cảnh quan đẹp cho trường, nhưng đến nay phát huy hiệu quả đáng mừng, bởi nó đã tạo điều kiện để nhà trường dạy kỹ năng sống, ý thức lao động, tình yêu thiên nhiên và bảo vệ môi trường cho học sinh. Theo thầy Dũng, từ vườn hoa này, các em có những giờ ngoại khoá sôi động, bổ ích, giúp các em hiểu được ý nghĩa và trân trọng sức lao động. Để chăm sóc vườn, Công đoàn nhà trường và Đội Thiếu niên Tiền phong có lịch phân công và giao nhiệm vụ cụ thể, theo tổ.
Xắn tay áo bắt sâu cho hoa quỳnh anh, em Vũ Thị Huyền Trang, học sinh lớp 9A, cho biết, lịch chăm sóc của các Chi đội lớp do thầy Tổng phụ trách Đội phân công trái buổi học. “Tụi em làm việc theo nhóm, phân công nhau, người nhổ cỏ, bắt sâu, tưới nước... Bạn nào xong sớm thì hỗ trợ bạn khác. Việc làm nhỏ, nhưng em cảm thấy rất vui và ý nghĩa. Tụi em đoàn kết hơn, và mỗi khi đến trường, thấy hoa nở đẹp là thích lắm, vì có công của mình”, Huyền Trang chia sẻ.
Ngoài chăm sóc vườn hoa, các em học sinh còn tham gia các hoạt động vệ sinh trường lớp, chăm sóc cây xanh. Năm học 2015-2016 này, trường còn lập vườn cây thuốc nam, với nhiều loại: nha đam, sò huyết, mật gấu, vông nem, lược vàng,… do giáo viên các tổ công đoàn thay nhau chăm sóc. Vườn cây thuốc nam diện tích chỉ khoảng 80 m2, không tốn nhiều công chăm sóc vì các loại cây dễ sống, thích nghi môi trường, đặc biệt mùa mưa vừa qua các cây thuốc sinh trưởng rất tốt.
“Các em học sinh ít khi biết đến các loại vật liệu trị bệnh dân gian này, nên khi được giáo viên hướng dẫn công dụng, cách thức điều chế, các em rất thích thú. Phụ huynh học sinh ủng hộ và hưởng ứng bằng cách mang đến tặng cho trường rất nhiều loại cây thuốc để trồng trong vườn, kể cả hạt giống hoa, các cây xanh để góp phần tạo nên mỹ quan xanh - sạch - đẹp”, thầy Phạm Thanh Dũng phấn khởi.
Hiệu quả của các hoạt động học sinh tự tay trồng, chăm sóc cây xanh, vườn hoa, vườn thuốc hay cả vườn rau, nông trại có sức lan toả sâu rộng ở rất nhiều trường ở các tỉnh lân cận. Song, thực tế ở tỉnh Cà Mau, mô hình giáo dục thân thiện này còn khá mới mẻ, hiếm thấy, nhất là đối với các trường nội thành, nội thị, vì những khoảng trống trong các trường dường như không đủ sức chứa học sinh vào giờ ra chơi hoặc dần bị bê-tông hoá, biến môi trường học đường trở nên khô khan, thiếu sinh động.
Thiết nghĩ, các nhà trường nên dành nhiều hơn diện tích sân chơi để làm khu vườn riêng, tạo điều kiện cho các em được tham gia trồng cây cảnh, trồng hoa, trồng rau, hay trồng những loại cây mình yêu thích theo hình thức chấm công hoặc khen thưởng cho những vườn đẹp, những nhà làm vườn giỏi. Có như vậy, học sinh mới gần gũi với thiên nhiên, có thể tiếp xúc với các hoạt động của nhà vườn, nhà nông, tiếp cận thực tiễn và hình thành những kỹ năng sống, thoả sức tìm hiểu, khám phá và tự tìm giải đáp cho những thắc mắc về cuộc sống xung quanh mình.
Bên cạnh, có thể phát huy hiệu quả mô hình này bằng cách tổ chức giao lưu giữa các trường bằng hình thức tham quan, trao đổi kinh nghiệm. Như cảm nhận của em Nguyễn Thị Thuỳ Duyên, lớp 9A: “Chăm sóc vườn hoa không chỉ giúp tụi em giải toả căng thẳng sau giờ học mà còn là một bài học thực hành ý nghĩa, giúp tụi em vận dụng những kiến thức đã học vào thực tiễn. Nhờ hoạt động này ở trường mà về nhà, em trở nên siêng năng và thích thú với việc trồng, tưới rau, vườn cây ở nhà. Khi tạo ra sản phẩm, em thấy quý trọng công sức làm việc và hiểu sự vất vả của những người làm nghề nông. Mong rằng sẽ có nhiều hơn những hoạt động tương tự để tụi em được trải nghiệm thay vì phải hình tượng qua sách vở, màn hình ti-vi”./
Bài và ảnh: Băng Thanh