Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm và coi trọng sự nghiệp “trồng người”, đặc biệt là người hiền tài, đức độ. Người khẳng định: “Có tài phải có đức” [1] và “Ðức phải có trước tài” [2]. Bởi “Có tài mà không có đức là người vô dụng, có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó”.
Việc giáo dục, rèn luyện đạo đức cách mạng cũng là nhiệm vụ cơ bản, xuyên suốt của mỗi người cán bộ, đảng viên. Ðó cũng là điều cốt yếu, là gốc rễ của cây, là ngọn nguồn của sông nước. Chính điều này sẽ quy tụ nên sức mạnh nội lực vô biên cho lực lượng nòng cốt của Ðảng. “Sức có mạnh mới gánh được nặng và đi được đường xa. Người cách mạng phải có đạo đức cách mạng làm nền tảng, mới hoàn thành được nhiệm vụ cách mạng vẻ vang”[3].
Tranh: Minh Tấn
Rèn luyện phẩm chất, đạo đức cách mạng
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, đạo đức là cái gốc của người cách mạng, không có đạo đức cách mạng không lãnh đạo được Nhân dân. Người chỉ rõ: "Cũng như sông thì có nguồn mới có nước, không có nguồn thì sông cạn, cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức cách mạng, không có đạo đức cách mạng thì tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được Nhân dân" [4]. Ngày nay, tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên chưa được đẩy lùi. Vì vậy, việc giáo dục, rèn luyện đạo đức cách mạng phải được tiến hành thường xuyên, liên tục, mọi lúc, mọi nơi.
Thứ nhất, cán bộ, đảng viên phải suốt đời trung thành với lý tưởng của Ðảng. Trong bất cứ hoàn cảnh nào luôn đề cao cảnh giác để nhận diện được âm mưu chống phá của các thế lực thù địch; ra sức thực hiện nhiệm vụ và hoàn thành tốt nhiệm vụ Ðảng giao. Không nhân nhượng, khuất phục hay cúi đầu trước kẻ thù; không lùi bước trước mọi hoàn cảnh, mọi khó khăn, thậm chí hy sinh thân mình để thực hiện bằng được nhiệm vụ Ðảng, Nhà nước giao phó.
Thứ hai, cán bộ, đảng viên phải hiểu thật rõ và đứng vững trên lập trường giai cấp công nhân, hết sức đấu tranh cho chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản, cho giai cấp công nhân và cho toàn thể Nhân dân lao động. Ðể làm được điều “lo trước thiên hạ, vui sau thiên hạ” [5] này, cán bộ, đảng viên cần có phẩm chất đạo đức: cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư.
Thứ ba, cán bộ, đảng viên phải rèn luyện lối sống mẫu mực, khiêm tốn và giản dị, biết kính trên, nhường dưới, biết noi gương người đi trước và làm gương cho người đi sau. Và “Một tấm gương sống có giá trị hơn hàng trăm bài diễn văn tuyên truyền” [6]. Vì thế, người cán bộ, đảng viên cần phải không ngừng phấn đấu và phải biết sống nêu gương thì sẽ quy tụ được lòng tin yêu của Nhân dân, tạo nên sức mạnh trong điều hành, quản lý và tập hợp lực lượng cách mạng tạo nên sức mạnh to lớn cho toàn Ðảng, toàn dân. Hãy tận dụng triệt để mặt tích cực của các nền tảng mạng xã hội để lan toả những tấm gương sáng của cán bộ, đảng viên như là một minh chứng sống động nhất để mọi người và Nhân dân biết đến và noi theo.
Thứ tư, học tập tư tưởng, đạo đức, phong cách Chủ tịch Hồ Chí Minh nói phải đi đôi với làm. Gắn học với hành, đưa lý luận vào thực tiễn, thể hiện qua lời nói, hành động, việc làm hằng ngày, chứ không phải là lý luận suông, học trên sách vở. Tự đặt ra cho mình mục tiêu, triết lý sống tích cực để làm phong phú đời sống tinh thần, tăng thêm khát vọng sống.
Thứ năm, bên cạnh việc giữ gìn, bồi dưỡng phẩm chất, đạo đức cách mạng cần phải khơi dậy lòng yêu nước, ý chí sống tích cực, phát huy các giá trị đạo đức tốt đẹp, lan toả lối sống lành mạnh đầy tình yêu thương, giúp đỡ nhau vượt khó, cùng nhau tiến bộ...; đẩy lùi căn bệnh vô cảm trước nỗi đau, bất hạnh, khó khăn của đồng loại đang ngày một có xu hướng lan nhanh trong xã hội, đặc biệt ở các nước phát triển. Mặt khác, chính lòng yêu nước mới nung nấu ý chí làm giàu, làm đẹp thêm cho quê hương, đất nước. Chính giá trị đạo đức sẽ nâng giá trị con người và càng trở nên nhân văn, nhân đạo. Ðây cũng là thước đo giá trị sống của bản thân, không chỉ sống cho mình mà còn phải sống có ích cho mọi người, cho xóm giềng và cho xã hội.
Thứ sáu, “chống” phải luôn đi đôi với “xây”. Chống lại những cái xấu xa, cái sai, cái vô đạo đức, cái tham lam, ích kỷ, hủ hoá... theo quan điểm của Bác là chống nhằm mục đích xây. Cụ thể, tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật Ðảng, góp phần xây dựng, củng cố tổ chức Ðảng ngày càng trong sạch, vững mạnh. Ðây là một quá trình gay go, phức tạp, không thể ngày một ngày hai có thể làm được.
Ra sức học tập lý luận chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh
Cán bộ, đảng viên ngoài việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng còn phải ra sức học tập lý luận chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Bởi chủ nghĩa Mác - Lênin là lý luận cách mạng khoa học nhất, hàm chứa đạo đức cách mạng cao cả nhất. Và “có học tập lý luận Mác - Lênin mới củng cố được đạo đức cách mạng, giữ vững lập trường, nâng cao sự hiểu biết và trình độ chính trị mới làm tốt công tác Ðảng giao phó cho mình” [7].
Chúng ta học tập ở Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ về tư tưởng, đạo đức cách mạng, thêm vào đó là phong cách của người cách mạng. Rèn luyện phẩm chất đạo đức cách mạng vì mục tiêu tiến bộ xã hội - đó là mục tiêu chân chính. Ngược lại, một xã hội tiến bộ là một xã hội mà con người hội tụ đầy đủ các yếu tố tiến bộ về mọi mặt: năng lực, trí lực, thể lực, đặc biệt là về phẩm chất đạo đức. Vấn đề tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất đạo đức nói chung và phẩm chất đạo đức cách mạng nói riêng chưa bao giờ lỗi thời hay lạc hậu.
Tu dưỡng và rèn luyện phẩm chất đạo đức cách mạng của người cán bộ, đảng viên là việc làm hết sức cần thiết. Bởi “Có đạo đức cách mạng thì khi gặp khó khăn, gian khổ, thất bại, cũng không sợ sệt, rụt rè, lùi bước... Khi cần thì sẵn sàng hy sinh cả tính mạng của mình cũng không tiếc” [8]. Và người được tôi rèn đạo đức cách mạng sẽ không ngừng lan toả đạo đức cách mạng, góp phần xây dựng Ðảng thực sự trong sạch, vững mạnh. Biến đạo đức cách mạng tưởng chừng như vô hình lại trở thành thứ vũ khí sắc bén, hữu hình, có sức phòng vệ tốt nhất và cũng là thứ vũ khí sắc bén nhất có khả năng chống lại sự công kích; làm thất bại mọi âm mưu chống phá của các thế lực thù địch trên mọi mặt trận kinh tế, văn hoá, chính trị, tư tưởng..., nhằm bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Ðảng.
[1], [2], [3], [4], [5], [6], [7], [8]: Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, HN.
Nguyễn Như Huỳnh