(CMO) Không quá gay gắt, nhưng hạn hán, xâm nhập mặn vẫn là loại hình thiên tai được cảnh báo có nguy cơ tác động tiêu cực tới nhiều lĩnh vực từ đời sống đến sản xuất của người dân trên địa bàn tỉnh.
Theo dự báo, mùa khô và xâm nhập mặn năm nay sẽ bắt đầu từ tháng 12/2022-3/2023 và cao điểm những đợt xâm nhập mặn xảy ra vào tháng 2 và tháng 3. Mặc dù dự báo không gay gắt như các năm trước nhưng người dân vẫn phải luôn trong tâm thế chủ động từ tổ chức sản xuất cho đến đời sống sinh hoạt, nhất là các vùng ngọt hoá.
Hầu như ai cũng biết, Cà Mau là tỉnh ven biển duy nhất ở khu vực ÐBSCL không được bổ sung nguồn nước ngọt từ các sông lớn đầu nguồn. Ðời sống, sản xuất của người dân phụ thuộc hoàn toàn vào nước ngầm và nước mưa nên chịu ảnh hưởng vô cùng nghiêm trọng khi hạn hán, xâm nhập mặn xảy ra, nhất là khó khăn về nước sinh hoạt, đặc biệt ở các khu vực vùng ngọt hoá thuộc huyện U Minh và Trần Văn Thời, các khu vực ven biển, đảo và hải đảo, vùng nông thôn.
Người dân vùng ngọt xã Tân Thành, TP Cà Mau, đào ao nuôi thuỷ sản nước ngọt. |
Thực tế nhiều năm qua cho thấy, hạn hán, xâm nhập mặn vùng ngọt có đặc điểm hình thành chậm nhưng thời gian ảnh hưởng kéo dài, có tác động tiêu cực tới nhiều lĩnh vực đời sống, sinh hoạt, sản xuất, môi trường, cơ sở hạ tầng giao thông... Những năm gần đây, tình hình hạn hán, xâm nhập mặn ở vùng ngọt diễn biến ngày càng phức tạp, tần suất xuất hiện dày hơn và ngày càng gay gắt hơn; điển hình là mùa khô 2015-2016 và 2019-2020.
Dù chỉ diễn ra trong thời gian ngắn nhưng hạn hán, xâm nhập mặn trong mùa khô 2015-2016 đã gây ra thiệt hại về lúa, thuỷ sản, cây ăn trái; sụt lún, lở đất, hư hỏng 112 km đường giao thông; hơn 12 ngàn hộ dân thiếu nước sinh hoạt… với tổng thiệt hại về tài sản hơn 1.400 tỷ đồng. Tỉnh đã phải công bố thiên tai mức độ 1 trên lúa và mức độ 2 trên tôm nuôi. Ðến mùa khô năm 2019-2020, tuy không gay gắt như mùa khô 2015-2016 nhưng cũng đã gây ra thiệt hại cho hàng chục ngàn héc-ta lúa, hoa màu và nuôi trồng thuỷ sản; gần 21 ngàn hộ dân bị thiếu nước sinh hoạt; hơn 1.300 điểm thuộc các tuyến đường giao thông bị sạt lở, sụt lún tổng chiều dài trên 42 km… Chủ tịch UBND tỉnh cũng đã ban hành quyết định tình huống thiên tai hạn hán cấp độ 2. Tuy nhiên, nếu đối chiếu diễn biến thực tế hạn hán xảy ra với quy định của Thủ tướng Chính phủ (tại điểm a, khoản 3, Ðiều 7, Quyết định số 18/2021/QÐ-TTg ngày 22/4/2021) thì đủ điều kiện rủi ro thiên tai cấp độ 3.
Như vậy, cấp độ rủi ro hạn hán cao nhất đã từng xảy ra trên địa bàn tỉnh là cấp độ 3. Ðiều đó cho thấy, tình hình hạn hán trên địa bàn tỉnh diễn ra ngày càng khốc liệt, có xu hướng ngày càng tăng về cấp độ rủi ro và tần suất. Theo các thống kê về hạn hán, xâm nhập mặn vùng ngọt thì tần suất xuất hiện của hạn hán, xâm nhập mặn vùng ngọt là khoảng 5 năm xảy ra 1 lần (2009-2010, 2015-2016, 2019-2020) và theo xu hướng ngày càng khốc liệt hơn, xâm nhập mặn vùng ngọt sâu hơn, diễn biến gần nhất là đợt hạn hán mùa khô năm 2019-2020 vừa qua. Tuy nhiên, mùa khô năm 2020-2021 đã ghi nhận đợt hạn hán trái với quy luật nêu trên, tuy đợt hạn hán này không nghiêm trọng bằng đợt hạn hán 2019-2020 nhưng cũng đã gây nhiều thiệt hại về sản xuất, sạt lở bờ sông, đặc biệt là lộ giao thông. Ðợt hạn hán này cũng là dấu hiệu cảnh báo tình hình hạn hán, xâm nhập mặn không còn tuân theo các quy luật, ngày càng phức tạp, khó lường.
Theo dự báo của các cơ quan khí tượng thuỷ văn, thời gian tới tình hình hạn hán nói chung sẽ còn gay gắt hơn nữa do sự nóng lên của khí hậu toàn cầu dưới tác động của biến đổi khí hậu, gây ra những hậu quả ngày càng nghiêm trọng hơn nếu không có giải pháp phòng, chống hợp lý. Trên địa bàn tỉnh, hạn hán, xâm nhập mặn thường xảy ra trong mùa khô và bắt đầu từ tháng 1 trở đi, có khả năng kéo dài đến hơn 6 tháng, riêng xâm nhập mặn vùng ngọt có thể kéo dài hơn.
Hạn hán, xâm nhập mặn ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, sản xuất, sinh hoạt, cơ sở hạ tầng giao thông, đê biển... trên phạm vi toàn tỉnh. Tuy nhiên, khu vực nhạy cảm và chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất là các vùng ngọt hoá thuộc địa bàn huyện U Minh và huyện Trần Văn Thời. Do sản xuất của người dân vùng ngọt phụ thuộc hoàn toàn vào nước mưa nên khi xảy ra hạn hán sẽ dẫn đến thiếu nước, nguy cơ nhiễm mặn, phèn làm chết cây trồng; việc khắc phục hậu quả cũng sẽ mất nhiều thời gian, công sức và tiền của hơn so với các vùng khác.
Ngoài ra, trong vùng còn có trên 43 ngàn héc-ta rừng có nguy cơ cháy rất cao khi xảy ra hạn hán. Hệ thống đường giao thông, chủ yếu nằm dọc theo các tuyến sông, kênh, rạch. Hạn hán làm cho mực nước giảm nhanh, một số bị khô cạn gây ra hiện tượng sạt lở, sụt lún và làm hư hỏng các công trình giao thông nông thôn, nhà cửa ven sông. Ngoài ra, người dân sinh sống ở khu vực nông thôn, nhất là khu vực nông thôn thuộc vùng ngọt hoá huyện U Minh và Trần Văn Thời bị thiếu nước sinh hoạt.
Lực lượng kiểm lâm Vườn Quốc gia U Minh Hạ kiểm tra độ ẩm của rừng. |
Ðể chủ động ứng phó với các diễn biến của hạn hán, xâm nhập mặn, ông Nguyễn Long Hoai, Chi cục trưởng Chi cục Thuỷ lợi, Chánh văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, cho biết, hiện toàn tỉnh có hơn 30 ngàn lực lượng tại chỗ, được tập huấn thường xuyên, sẵn sàng huy động khi có hạn hán, xâm nhập mặn xảy ra. Ngoài ra, đã sẵn sàng hơn 3 ngàn phương tiện từ đường bộ đến đường thuỷ có thể huy động bất cứ lúc nào; trên 15 ngàn trang thiết bị, máy móc các loại cũng như cơ số thuốc, vật tư y tế, hoá chất, hàng hoá dự trữ... đảm bảo yêu cầu hỗ trợ sản xuất, phục vụ sinh hoạt, xử lý môi trường và chăm sóc sức khoẻ cho người dân khi có hạn hán xảy ra.
Ðể chủ động ứng phó mùa khô năm nay, Chủ tịch UBND tỉnh vừa ban hành Quyết định số 2978/QÐ-UBND phê duyệt “Kế hoạch phòng cháy, chữa cháy rừng mùa khô 2022-2023 tỉnh Cà Mau”. Theo đó, quyết định nêu rõ, các đơn vị có liên quan triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng cháy, chữa cháy rừng, hạn chế thấp nhất khả năng xảy ra cháy rừng. Trong đó, tiến hành rà soát, bố trí lực lượng, phương tiện trực phòng cháy, chữa cháy rừng; ứng phó kịp thời, có hiệu quả khi có tình huống cháy rừng. Tăng cường công tác tuyên truyền, triển khai thực hiện các giải pháp công trình, phi công trình phục vụ công tác phòng cháy, chữa cháy rừng, bố trí sẵn sàng các trang thiết bị cần thiết, lực lượng… theo phương châm “4 tại chỗ”…
Nguyễn Phú