ĐT: 0939.923988
Thứ tư, 23-10-24 00:50:29
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Rượu, bia và hậu quả

Báo Cà Mau (CMO) Rượu, bia là thứ đồ uống gần gũi với đời sống, bởi trong các nghi thức lễ hội, cưới hỏi, ma chay, cúng giỗ… không thể thiếu ly rượu. Uống rượu cũng là truyền thống có từ lâu đời của người Việt và trở thành nét văn hoá đối ẩm, đi vào thơ ca, tục ngữ...

Tuy nhiên, bên cạnh ý nghĩa, tác dụng và biểu hiện tích cực trong sinh hoạt cộng đồng thì rượu cũng có những tác động tiêu cực nhất định khi bị lạm dụng để thi thố tài năng, thể hiện bản thân… Khi rượu vượt quá ý nghĩa của sự đàm đạo, hội ngộ tri kỷ sẽ trở thành mối nguy cơ đe doạ tính mạng con người.

Say xỉn điều khiển phương tiện là một trong những nguyên nhân gây tai nạn giao thông. (Ảnh minh hoạ)

Từ chuyện khôi hài...                   

Thường khi nghe những chuyện khôi hài liên quan đến việc người say bí tỉ mất định hướng, chúng ta nghĩ đến các truyện kể dân gian cũng như sân khấu hài kịch. Tuy nhiên, trong đời sống thực tế đã xảy ra không ít câu chuyện lãng xẹt mà nội tình cũng từ rượu.

Cách đây không lâu, ở xã Phú Thuận (huyện Phú Tân) xảy ra trường hợp giành mối nhậu làm rùm beng cả xóm. Số là anh T, chị H và chị B, người cùng xóm và là mối “ba xị đế” hàng ngày với nhau. Thế nhưng, một hôm có 2 trung niên ở xóm khác đến rủ H và B nhậu bia, giao lưu văn nghệ. Vì vui quá nên H và B quên T. Cho rằng 2 người phụ nữ kia vì “bia” mà phụ “đế”. Buồn tình, T tự nhâm nhi nửa lít rượu để lấy tinh thần, sau đó đi đến nơi nhóm người ấy đang nhậu để “dằn mặt” 2 người khách vì đã “giật” mối nhậu của mình. Bất ngờ trước sự việc này, 2 ông khách đã phải gọi điện thoại nhờ công an địa phương can thiệp.

Trường hợp xảy ra ở thị trấn Năm Căn (huyện Năm Căn), tuy không ầm ĩ nhưng cũng khá ly kỳ. 4 người cùng là dân lao động, làm chung ở một công trình xây dựng, mỗi buổi chiều hay rủ nhau hùn tiền lai rai cho “giãn gân giãn cốt”. Một hôm nọ, khi cuộc vui gần tàn, trên bàn nhậu chỉ còn lại 4 trứng vịt lộn, cả nhóm thống nhất là chia đều (mỗi người 1 trứng). Song, trong lúc 3 người đang râm ran bàn luận thế thái nhân tình thì anh còn lại đã “tranh thủ” ăn hết 3 trứng. Phát hiện anh bạn nhậu phá vỡ thoả thuận, 3 người kia đề nghị anh ấy ăn luôn trứng còn lại và uống hết phần trên bàn (lúc đó chai rượu còn hơn nửa lít). Anh này từ chối vì không nhậu nổi nữa và mâu thuẫn xảy ra khi 3 người đòi đánh 1 người!

Ðó là 2 trong rất nhiều trường hợp mà quá trình tác nghiệp ở cơ sở, chúng tôi ghi nhận được. Song, vấn đề tế nhị, xin không nêu tên thật của nhân vật mà chỉ kể lại nội dung vụ việc để chúng ta cùng suy ngẫm.

... Ðến trọng án hình sự

Một buổi sáng tháng 4/2020, Nguyễn Văn K chở vợ con từ thị trấn U Minh (huyện U Minh) về xã Nguyễn Huân (huyện Ðầm Dơi) thăm cha vợ. Song, không gặp được cha vợ (do đi làm thuê ở tỉnh Bình Dương), nên K sang nhà bà ngoại vợ chơi rồi nhậu cùng với cậu vợ và anh rể tên A. Sau đó anh em bạn rể rủ nhau về nhà cha vợ, tiếp tục cuộc vui.

Thay vì lai rai tâm sự thì A cao hứng, ra vẻ đàn anh khuyên bảo K: “Nghe nói mày ở bên đó dữ lắm hả. Hồi đó tới giờ ở gia đình này, vợ mày chưa có ai dám đánh nó bạt tay, mày lo cho nó được không? Nếu lo không được thì tao lo”. Lời khuyên của A không đúng lúc, lại có gì đó hơi phản cảm nên K phản ứng gay gắt. Sau một lúc đấu khẩu giữa đôi bên, K đã tát mạnh vào mặt, đấm vào trán của A, sau đó vật A ngã xuống nền gạch và đánh liên tiếp nhiều cái vào vùng đầu, mặt cho đến khi thấy A không còn kháng cự mới dừng tay. Hậu quả là A đã chết do chấn thương sọ não kín, còn K thì lãnh án tù về tội giết người.

Một vụ án khác xảy ra ở xã Hiệp Tùng (huyện Năm Căn) vào cuối năm 2020 cũng gây xôn xao dư luận khi chỉ mâu thuẫn nhỏ nhưng hậu quả nghiêm trọng. Trong tiệc mừng thôi nôi con người hàng xóm, Thái Bá N ngồi cùng bàn và nhậu với anh M (người cùng ấp). Song, trong lúc văn nghệ góp vui với gia đình thì giữa N và M xảy ra mâu thuẫn, M đánh N nhưng sự việc được mọi người can ngăn kịp thời, N cũng đã nhường nhịn, về nhà cho qua chuyện.

Tuy nhiên, M lại mang theo hung khí tìm đến nhà N để tiếp tục gây sự. Dẫu rằng N vẫn ở trong nhà và được chị N cản ngăn, nhưng M xông đến nắm áo kéo N ra lộ. Cả 2 cự cãi với nhau, M dùng dao chém trúng trán N, N lấy cây kéo từ trong túi quần ra đâm trúng ngực trái của M, M ngã xuống lộ và tử vong vì sốc mất máu cấp do vết thương thủng tim. N đến công an xã đầu thú và bị truy tố về tội giết người.

Nhìn chung, rượu, bia như con dao 2 lưỡi, tuỳ vào ý thức của người sử dụng mà nó phát huy văn hoá trong nghi thức giao tiếp… “Vô tửu bất thành lễ”, nhưng ngược lại, sau những cuộc nhậu là sức khoẻ bị bào mòn và kéo theo nhiều hệ luỵ về giao thông, trật tự an toàn xã hội...

Tổng kết 5 năm thực hiện phong trào thi đua bảo đảm trật tự, an toàn giao thông (TTATGT) giai đoạn 2016-2020, vi phạm TTATGT trên địa bàn tỉnh có giảm so với giai đoạn trước, nhưng một số lỗi vi phạm có nguy cơ tiềm ẩn gây mất ATGT vẫn còn ở mức cao, như vi phạm quy định về nồng độ cồn hơn 23.000 trường hợp (chiếm hơn 8%), từ đó kéo theo lỗi kép là vi phạm quy định về tốc độ hơn 62.000 trường hợp (chiếm hơn 21%)… Người điều khiển phương tiện uống rượu, bia, chạy quá tốc độ cũng là một trong những nguyên nhân gây ra 348 vụ tai nạn giao thông, làm chết 142 người và bị thương 421 người (tăng cả 3 tiêu chí so với giai đoạn 2011-2015).

 

Mỹ Pha

 

Vang Úc Giá vang mới nhất từ Red Apron

Tra cứu phạt nguội trước khi đăng kiểm xe cơ giới

Theo Thông tư 30/2023/TT-BGTVT của Bộ Giao thông vận tải, các phương tiện bị “phạt nguội” (vi phạm giao thông qua hệ thống camera giám sát) chưa thực hiện việc chấp hành xử phạt vi phạm hành chính sẽ không được cấp giấy chứng nhận đăng kiểm. Ðây là một trong những giải pháp nhằm đảm bảo việc thực hiện nghĩa vụ của các chủ phương tiện trước khi đăng kiểm xe. Tuy nhiên, nhiều chủ phương tiện vẫn chưa nắm rõ quy định này, khi đến hạn đăng kiểm, bị từ chối thì mới vỡ lẽ mình vi phạm.

Cao điểm xử lý học sinh vi phạm Luật Giao thông đường bộ

Thực hiện tháng cao điểm xử lý vi phạm giao thông (VPGT) đối với học sinh của Cục Cảnh sát giao thông, trong những ngày vừa qua, lực lượng làm nhiệm vụ trên địa bàn tỉnh đã và đang tăng cường nhiều biện pháp quyết liệt xử lý vi phạm đối với đối tượng học sinh tại các điểm trường.

Biển chỉ dẫn giao thông gây… mất an toàn

Ðó là biển chỉ dẫn trước cổng Trường Tiểu học Ðông Hưng 2, ấp Giá Ngự, xã Ðông Hưng.

Siết chặt quản lý vận tải đường bộ

Hiện nay, tổng số xe thuộc các đơn vị đăng ký kinh doanh hoạt động vận chuyển hành khách và hàng hoá trên địa bàn tỉnh là hơn 3.100 xe, gồm xe buýt, xe tuyến cố định, xe taxi, xe hợp đồng, xe trung chuyển và xe tải, xe công-ten-nơ, xe đầu kéo.

Phát động học sinh, sinh viên nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật về an toàn giao thông

Sáng 5/10, tại Hà Nội, Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Uỷ ban An toàn giao thông (ATGT) Quốc gia, Công ty Honda Việt Nam tổ chức lễ phát động trực tuyến với các tỉnh, thành trên cả nước về việc học sinh, sinh viên nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật về an toàn giao thông, năm học 2024-2025. Điểm cầu tỉnh Cà Mau được đặt tại Trường THPT Cái Nước (thị trấn Cái Nước, huyện Cái Nước).

Dừng, đỗ xe cần đúng luật và văn minh

Hiện nay, tại các khu vực nội thị TP Cà Mau, các loại phương tiện giao thông đang có xu hướng tăng nhanh, nhất là đối với xe ô tô. Ðiều này đang tạo áp lực lên hạ tầng giao thông, cùng với đó là nhiều vấn đề phát sinh. Trong đó, chuyện đậu, đỗ xe nơi công cộng đã và đang là đề tài nóng, bởi có nhiều chuyện đáng bàn đằng sau vấn đề này.

Nguy cơ tai nạn từ việc phơi lúa trên lộ

Hiện nay đang vào cao điểm thu hoạch lúa hè thu, nhiều nơi người dân đem lúa ra lộ nhựa phơi, gây mất an toàn giao thông.

Biện pháp xử phạt vừa răn đe, vừa nhân văn

Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ vừa được Quốc hội thông qua, có hiệu lực từ ngày 1/1/2025. Trong đó, quy định về điểm và trừ điểm đối với giấy phép lái xe (GPLX) đang được dư luận quan tâm, nhất là đối tượng tài xế trong lĩnh vực vận chuyển hành khách, hàng hoá, bởi đây là biện pháp vừa mang tính răn đe, vừa mang yếu tố nhân văn, tạo điều kiện để người hành nghề tài xế không mất việc khi vô tình vi phạm các lỗi về trật tự, an toàn giao thông (TTATGT).

Cấp thiết nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh

Quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh trên địa bàn tỉnh Cà Mau là tuyến đường độc đạo, huyết mạch, từ TP Cà Mau về các huyện: Cái Nước, Năm Căn, Phú Tân, Ngọc Hiển. Ðây là tuyến đường mở ra cơ hội phát triển kinh tế, cơ hội thu hút đầu tư các dự án trọng điểm, như: Khu Kinh tế Năm Căn, Cảng Năm Căn, Cảng tổng hợp Hòn Khoai; phát huy tiềm năng và lợi thế Khu Du lịch Quốc gia Mũi Cà Mau... Tuy nhiên, trong thời gian rất dài đã qua, bên cạnh thực trạng nhỏ, hẹp, chỉ có 2 làn xe thì tình trạng cứ mưa là xuống cấp nhanh chóng, triều cường là ngập, ảnh hưởng rất lớn đến định hướng phát triển của tỉnh.

Hiểm hoạ từ phớt lờ quy định đội mũ bảo hiểm

Hiện nay, việc chấp hành quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm (MBH) khi đi mô tô, xe gắn máy, xe máy điện, xe đạp điện tuy đã có nhiều chuyển biến tích cực, song, vẫn còn một số đối tượng vi phạm hoặc chấp hành theo kiểu đối phó. Trong khi đó, không đội MBH hoặc đội MBH không đúng quy cách là một trong nhiều nguyên nhân dẫn đến tai nạn giao thông (TNGT) thương tâm.