Tận dụng các loại phế liệu, nguyên vật liệu sẵn có, các giáo viên bậc học mầm non không chỉ tạo nên những đồ dùng, đồ chơi như: vật dụng gia đình, dụng cụ âm nhạc, tập múa, tập thể dục… mà qua đôi tay khéo léo, óc sáng tạo, nhiều giáo viên còn tái hiện sinh động, đầy màu sắc các mô hình “Biệt thự nhà vườn”, “Biển, đảo Trường Sa”, “Công viên Văn hoá Mũi Cà Mau”… nhằm hỗ trợ tích cực trong việc giúp trẻ ở các nhóm tuổi tiếp thu bài giảng nhanh hơn, phong phú hơn, nhất là ở các tiết dạy về tình yêu gia đình, quê hương, đất nước.
Tận dụng các loại phế liệu, nguyên vật liệu sẵn có, các giáo viên bậc học mầm non không chỉ tạo nên những đồ dùng, đồ chơi như: vật dụng gia đình, dụng cụ âm nhạc, tập múa, tập thể dục… mà qua đôi tay khéo léo, óc sáng tạo, nhiều giáo viên còn tái hiện sinh động, đầy màu sắc các mô hình “Biệt thự nhà vườn”, “Biển, đảo Trường Sa”, “Công viên Văn hoá Mũi Cà Mau”… nhằm hỗ trợ tích cực trong việc giúp trẻ ở các nhóm tuổi tiếp thu bài giảng nhanh hơn, phong phú hơn, nhất là ở các tiết dạy về tình yêu gia đình, quê hương, đất nước.
Cô Trần Bích Chi, Hiệu trưởng Trường Mầm non Chà Là, huyện Đầm Dơi, cho biết: “Việc đưa nội dung giáo dục về tình yêu biển, đảo vào chương trình giáo dục mầm non là cần thiết, có vai trò quan trọng trong quá trình hình thành ở các cháu tình cảm, ý thức giữ gìn chủ quyền biển, đảo quê hương. Do vậy, tập thể giáo viên tạo ra mô hình “Biển, đảo Trường Sa”, để thông qua hình ảnh thu nhỏ, giúp trẻ hình thành kiến thức và khái niệm về tình yêu biển, đảo quê hương”.
Từ vỏ hộp, chai, lọ, ống hút…, các đơn vị trường sáng tạo nên rất nhiều mô hình dạy học trực quan sinh động phục vụ việc dạy trẻ. |
Theo cô Bích Chi, nguyên vật liệu tạo nên mô hình là xốp, que, tăm, chỉ len, bông gòn, vỏ sò, hộp giấy, chai nhựa, keo hai mặt, đèn chớp… hầu hết đều là vật liệu dễ tìm hoặc được tận dụng các vật dụng bỏ đi. Mô hình này được giáo viên sử dụng để giáo dục vào chủ điểm “quê hương - đất nước” và có thể tích hợp vào các môn học giáo dục khác như: đếm số lượng ngôi nhà trên đảo; dạy hát các bài về chú bộ đội, anh lính đảo; vẽ ngôi nhà, cây xanh, vẽ chú bộ đội, anh lính đảo…
“Để giúp trẻ khơi dậy nhận thức, khám phá tốt hơn, nhà trường tổ chức làm đồ dùng dạy học, đồ chơi theo chủ điểm hoặc sinh hoạt theo chuyên đề hay tổ chức các hội thi làm đồ dùng. Qua thực tế cho thấy, việc làm này đã phát huy được hiệu quả của các tiết giảng, giúp trẻ bước đầu phân biệt được các sự vật, hiện tượng, đời sống xung quanh một cách dễ dàng hơn”, cô Bích Chi phấn khởi.
Dùng gào đổ nước vào tán lá của “Cây táo thần kỳ”, nước tự chảy xuống thân cây khiến bông hoa có gắn cánh quạt quay đều, cô Trần Thị Anh Thư, Hiệu trưởng Trường Mầm non Dầu khí, TP Cà Mau, giới thiệu về cách sử dụng “đa năng” của cây táo được cấu tạo bằng bình nước, ống nước cũ, muỗng sữa chua, chai, lọ, ống hút, đũa tre: Ở cây táo này có trò chơi “giải mật thư” bằng cách cho trẻ bò thấp chui qua cổng cây táo, hái một quả táo và khám phá mật thư bên trong, sau đó thực hiện yêu cầu vận động đó. Sau khi thực hiện vận động, trẻ sẽ được thưởng một gáo nước vào cây táo và khám phá điều kỳ diệu. Ngoài ra, ở cây táo còn có các quả có chữ số, chữ cái là đồ dùng giảng dạy làm quen với Toán và chữ cái, với môi trường xung quanh; qua đó cung cấp kiến thức về số lượng quả, nhận biết chữ số, chữ cái thông qua trò chơi “hái quả” và “phân loại quả”. Trẻ còn có thể chơi ở đây với góc học tập liên quan đến chủ đề thực vật. Trong mỗi hoạt động, “cây táo thần kỳ” đều cung cấp kiến thức cho trẻ một cách khoa học, giúp trẻ nhận biết, khắc sâu kiến thức và hứng thú.
“Tiết kiệm, dễ làm, rẻ tiền mà đẹp mắt, sinh động, mang tính ứng dụng cao, nhiều đồ dùng còn có sự đầu tư cao, thể hiện sự khéo léo từ đôi tay của những cô giáo mầm non, đảm bảo tính giáo dục cao và sử dụng giảng dạy ở nhiều chủ đề, nhiều hoạt động vui chơi khác nhau. Hầu hết đồ dùng đều kích thích được tính tò mò, ham hiểu biết của trẻ với những kiểu dáng mới lạ, màu sắc tươi vui, bắt mắt”, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Cà Mau Lê Hoàng Dự nhận định.
Hội thi “Triển lãm và làm đồ dùng dạy học, đồ chơi” cấp học mầm non diễn ra từ ngày 25/2-1/3, là ngày hội đua tài, thể hiện tâm huyết, khả năng sáng tạo và đôi bàn tay khéo léo, tài hoa của mỗi cán bộ, giáo viên. Kết thúc hội thi, Ban Tổ chức đã trao thưởng cho 35 tập thể và cá nhân, gồm năm giải A, mười giải B và 20 giải C. Phòng GD&ÐT TP Cà Mau đoạt giải A toàn đoàn. |
Hiểu được vai trò quan trọng trong việc hình thành và phát triển nhân cách trẻ, Sở GD&ĐT tổ chức hội thi “Triển lãm và làm đồ dùng dạy học, đồ chơi” với quy mô lớn ngành học mầm non năm học 2015-2016. Theo ông Lê Hoàng Dự, ngay từ đầu năm học, ngành học mầm non đã tiến hành triển khai kế hoạch thi đồ dùng, đồ chơi cấp trường, cấp huyện, thành phố. Toàn thể đội ngũ thầy, cô giáo đã đầu tư nghiên cứu, lựa chọn những đồ dùng dạy học, đồ chơi phù hợp và dày công thiết kế để dự thi; qua đó khơi dậy, nhân rộng và đẩy mạnh phong trào tự làm đồ dùng, đồ chơi trong toàn ngành.
Tại hội thi này, có 65 đồ dùng, đồ chơi của chín huyện, thành phố về dự cấp tỉnh, tạo nên một sân chơi trí tuệ để cán bộ, giáo viên giao lưu, trao đổi kinh nghiệm về việc làm đồ dùng, đồ chơi. Chị Trần Trúc Linh, Chuyên viên phụ trách mầm non, Phòng GD&ĐT Đầm Dơi, cho biết, huyện có bốn đơn vị trường là Mầm non Chà Là, Mẫu giáo Tân Dân, Mầm non Tân Đức và Mẫu giáo Ngọc Chánh tham gia. Phương châm làm đồ dùng là tận dụng tối đa những vật liệu có sẵn để tiết kiệm chi phí nhưng phải đảm bảo các yếu tố như sử dụng lâu dài, ứng dụng cao, không gây hại cho trẻ khi tiếp xúc…
Các mô hình năm nay phong phú, nhiều ý tưởng sáng tạo độc đáo, gây ấn tượng tốt đối với giáo viên, phụ huynh, trẻ nhỏ và khách tham quan như: bộ dụng cụ chơi với nước của Trường Mẫu giáo Tân Ân Tây, huyện Ngọc Hiển; mô hình biển, đảo Việt Nam của Trường Mầm non 28/7, huyện Năm Căn; bộ đồ dùng bé làm quen chữ cái của Trường Mẫu giáo Tư thục Phường 2, TP Cà Mau… Qua ghi nhận, các đồ dùng, đồ chơi không chỉ làm để dự thi mà hầu như tiết giảng nào, giáo viên các trường cũng đều sử dụng đồ dùng dạy học tự làm để nâng cao hiệu quả các giờ học. Hiện tại, ngoài bộ đồ dùng dạy học chung của nhà trường, mỗi giáo viên đều có một bộ đồ dùng tự làm của riêng mình để phù hợp với từng bài giảng./.
Bài và ảnh: Băng Thanh