(CMO) Bồi lắng tại các cửa biển tiếp tục gây ra nhiều khó khăn cho hoạt động khai thác, dịch vụ hậu cần nghề cá và việc phát triển kinh tế địa phương; đồng thời còn là rào cản không nhỏ cho công tác phòng tránh, giảm nhẹ thiên tai.
Với đội tàu khai thác hơn 4.269 phương tiện khai thác thuỷ sản từ lâu đã trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh. Bởi lẽ, hàng năm lĩnh vực này không chỉ đóng góp hơn 230 ngàn tấn thuỷ sản mà còn giải quyết việc làm cho khoảng từ 18-20 ngàn lao động trong và ngoài tỉnh.
Ðội tàu lớn, lượng lao động thường xuyên có mặt trên biển đông, với khoảng 10.829 người vùng khơi, 5.771 người vùng lộng, còn lại là vùng ven bờ; đây là một áp lực không nhỏ cho công tác phòng, chống, giảm nhẹ thiệt hại thiên tai, nhất là trong tình hình thời tiết, thiên tai tiếp tục diễn biến cực đoan, khó lường như hiện nay.
Dọc theo khu vực ven biển từ Ðông sang Tây trên địa bàn tỉnh Cà Mau vẫn còn nhiều phương tiện nhỏ khai thác theo mùa vụ đang đối diện khó khăn mỗi khi vào mùa mưa bão.
Dù đã triển khai nhiều giải pháp nhưng thiên tai, thời tiết trên biển hầu như năm nào cũng gây ra thiệt hại cả về tài sản lẫn tính mạng ngư dân. 3 thuyền viên mất tích trên biển, 3 người chết, 5 người bị thương, 8 tàu cá và 1 sà lan bị chìm là con số thiệt hại do các hiện tượng thời tiết cực đoan trên biển gây ra trong năm 2021. Năm 2022, chỉ tính riêng trên biển, thiên tai đã làm 1 người chết, 1 người bị thương và 8 tàu cá bị chìm. Từ đầu năm đến nay, thiên tai trên biển cũng đã làm chìm 4 phương tiện, sập 1 đáy hàng khơi... Những con số ngoài mong muốn này là lời cảnh báo về nguy cơ thiệt hại do diễn biến cực đoan, khó lường của thời tiết; nhất là từ nay đến cuối năm được dự báo có khoảng 12-15 cơn bão, áp thấp nhiệt đới hoạt động trên biển Ðông, trong đó, khoảng 4-7 cơn có khả năng ảnh hưởng đến đất liền.
Ðể tạo điều kiện cho ngư dân có nơi neo đậu tránh trú bão an toàn, tỉnh đã đầu tư xây dựng 4 khu neo đậu tránh trú bão với tổng sức chứa 3.300 tàu cá. Trong đó, có 2 khu neo đậu tránh trú bão cấp vùng (Sông Ðốc, Rạch Gốc) và 2 khu neo đậu tránh trú bão cấp tỉnh (Cái Ðôi Vàm và Khánh Hội). Tuy nhiên, nếu so với lượng phương tiện hiện có của tỉnh, vẫn chưa thể đáp ứng nhu cầu. Ðó là chưa tính đến phương tiện các tỉnh lân cận vào neo đậu nếu xảy ra bão, áp thấp nhiệt đới trên biển.
Dù biết nguy hiểm nhưng vẫn còn hàng ngàn hộ dân buộc phải bám biển mưu sinh.
Ngoài ra, hiện nay, nhiều khu vực cửa biển đang bị bồi lắng nghiêm trọng khiến nhiều phương tiện có công suất lớn ra vào cửa biển rất khó khăn. Cửa biển Khánh Hội là một trong những ví dụ. Vừa được đầu tư hoàn thành nhưng bến cá kết hợp với khu neo đậu tránh trú bão có sức chứa 700 phương tiện không thể phát huy công năng do cửa biển bị bồi lắng nghiêm trọng.
Là một đại lý thu mua hải sản tại Ấp 3, xã Khánh Hội, huyện U Minh, ông Ngô Văn Ðường chia sẻ, do không vào được nên nhiều phương tiện khai thác lớn chọn phương án vào cửa Sông Ðốc để bán hàng hoá. Thực tế này không chỉ ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế địa phương mà còn tạo ra không ít khó khăn nếu trong tình huống xảy ra bão, áp thấp, tàu phải vào neo đậu khẩn cấp.
Trước thực tế khó khăn ấy, để đảm bảo cho ngư dân neo đậu an toàn, ông Châu Minh Ðảm, Chủ tịch UBND xã Khánh Hội, cho biết, đã tiến hành rà soát để kiến nghị tiếp tục gia cố các trụ neo đậu, đảm bảo tránh tình trạng va đập khi có tàu của bà con ngư dân vào neo đậu tránh trú bão. Ðồng thời, đã tiến hành rà soát toàn bộ các phương tiện khai thác trên địa bàn xã để xây dựng phương án đảm bảo an toàn cho tàu thuyền và ngư dân trong mùa mưa bão này.
Không chỉ có Khánh Hội, do tình trạng bồi lắng tự nhiên, nhiều cửa biển khác trên địa bàn tỉnh đang bị cạn, ảnh hưởng không nhỏ đến việc ra vào của bà con ngư dân. Trước thực tế về hạ tầng còn hạn chế trong khi thời tiết trên biển được dự báo tiếp tục diễn biến cực đoan, khó lường, mới đây, UBND tỉnh đã có Công văn hoả tốc số 4414/UBND-NNTN về tăng cường công tác phòng, chống thiên tai mùa mưa bão năm 2023.
Bên cạnh những nội dung chỉ đạo các sở, ngành và chính quyền địa phương tăng cường các giải pháp phòng chống, giảm nhẹ thiên tai, bảo vệ tài sản và tính mạng của người dân, bảo vệ sản xuất, bảo vệ các công trình công cộng... trước các hiện tượng thời tiết nguy hiểm như lốc, sét, gió giật, mưa lớn cục bộ, triều cường dâng cao... Công văn còn nhấn mạnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh chủ trì, phối hợp Sở NN&PTNT và các địa phương, đơn vị có liên quan quản lý chặt chẽ các phương tiện ra vào cửa biển, kiên quyết không để phương tiện chưa đăng ký, đăng kiểm, không đảm bảo trang thiết bị an toàn, thông tin liên lạc ra biển hoạt động. Ðồng thời, chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện tham gia tìm kiếm cứu nạn khi có yêu cầu. Ðặc biệt, đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền đối với chủ tàu, thuyền trưởng, ngư dân, người canh giữ đáy hàng khơi, lồng bè trên biển, hải đảo trong việc chấp hành các quy định của pháp luật và hướng dẫn của các cơ quan chức năng, đặc biệt là các quy định đảm bảo an toàn cho người, phương tiện hoạt động khai thác, sản xuất trên biển./.
Nguyễn Phú