(CMO) Hạn hán, xâm nhập mặn đã từng gây ra những thiệt hại nghiêm trọng trên địa bàn tỉnh. Hiện nay, loại hình thiên tai này được xác định có khả năng rủi ro cao nhất, ở cấp độ 2.
Theo số liệu ghi nhận được tại các trạm quan trắc thuỷ văn trên địa bàn tỉnh, hiện nay độ mặn trên các sông tuy chưa cao nhưng một số nơi đang có dấu hiệu tăng nhanh. Ðộ mặn trên ruộng lúa - tôm vùng Bắc Cà Mau tăng nhẹ khu vực xã Nguyễn Phích, huyện U Minh. Ðộ mặn ghi nhận được ở vùng Bắc Cà Mau dao động từ 0-1,35%o, vùng Nam Cà Mau dao động 0-2,3%o. Riêng trên các kênh rạch nội đồng vùng Bắc Cà Mau có xu hướng tăng khu vực huyện Thới Bình, U Minh, Trần Văn Thời và TP Cà Mau và dao động từ 0-3,3%o; vùng Nam Cà Mau dao động 2-5%o. Dù độ mặn hiện nay chưa cao nhưng đang có chiều hướng tăng, không thể chủ quan.
Xã Tân Thành, TP Cà Mau, được đầu tư hệ thống thuỷ lợi ngăn mặn, sản xuất theo hệ sinh thái ngọt. |
Những năm gần đây, tình trạng khô cạn trên các sông vùng ven biển của tỉnh càng trầm trọng khiến mặn xâm nhập từ biển theo thuỷ triều vào sâu trong sông. Cách đây không lâu, mùa khô 2019-2020 là một điển hình. Trong mùa khô này, mặn xâm nhập sâu vào nội đồng có nơi lên đến 49 km với độ mặn đỉnh điểm đo được lên hơn 30%o. Thậm chí trên các sông lớn như: Ông Ðốc, Gành Hào và sông Trẹm, đặc biệt trên sông Gành Hào, liên tục trong các tháng mùa kiệt nước, độ mặn đo được tại trạm thuỷ văn có lúc đạt đến 39,4%o.
Hạn hán, xâm nhập mặn gây thiệt hại về nông nghiệp, nhiễm mặn nguồn nước ngầm, sạt lở, cháy rừng. Tình hình hạn hán, xâm nhập mặn ngày càng ảnh hưởng nghiêm trọng và diễn ra thường xuyên trên địa bàn tỉnh.
Theo dự báo, những năm tiếp theo số ngày nắng nóng trên 35°C tiếp tục ở xu thế tăng, hạn hán trở nên khắc nghiệt hơn và lượng mưa bị giảm vào mùa khô. Trong khi đó, mực nước biển lại tiếp tục tăng làm cho tình trạng xâm nhập mặn ngày một trở nên nghiêm trọng. Theo kịch bản, nếu với mực nước biển dâng đạt giá trị 100 cm, toàn tỉnh có khoảng 57% diện tích bị ngập, là tỉnh ven biển thuộc vùng đồng bằng sông Cửu Long có nguy cơ ngập cao thứ 2, chỉ sau Kiên Giang (76,9%). Khi đó, thiệt hại mà nó gây ra cho kinh tế, xã hội sẽ vô cùng lớn nếu không có giải pháp ứng phó thích hợp và hiệu quả.
Ðể chủ động ứng phó, thời gian qua, tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp từ đầu tư xây dựng công trình cho đến giải pháp phi công trình phục vụ sản xuất, sinh hoạt của người dân. Hiện nay, hệ thống công trình thuỷ lợi phục vụ công tác chống tràn ứng phó với xâm nhập mặn đã được đầu tư 93 tuyến đê bao, bờ bao với tổng chiều dài hơn 714 km; 187 cống và 15 trạm với các nhiệm vụ chính là kiểm soát mặn, ngăn triều và tiêu nước. Ngoài ra, toàn tỉnh có 36 trạm quan trắc khí tượng thuỷ văn, trong đó có 3 trạm đo độ mặn, sẽ giúp nâng cao năng lực quan trắc, dự báo, cảnh báo sớm triều cường, nước biển dâng và độ mặn.
Hiện toàn tỉnh có 187 cống và 15 trạm bơm với nhiệm vụ chính là kiểm soát mặn, ngăn triều và tiêu nước. |
Song song với các giải pháp công trình thì các giải pháp phi công trình cũng được triển khai quyết liệt để hạn chế thấp nhất thiệt hại. Theo ông Nguyễn Thanh Tùng, Phó chi cục trưởng Chi cục Thuỷ lợi, cho biết, công tác theo dõi tình hình khí tượng thuỷ văn, diễn biến hạn, mặn rất chặt chẽ. Ðồng thời, tăng cường công tác khảo sát, đánh giá tình hình xâm nhập mặn trên các tuyến kênh, rạch chính để kịp thời thông báo cho các ngành, chính quyền địa phương và Nhân dân nhằm chủ động ứng phó trong sinh hoạt và sản xuất.
Hàng năm khi bước vào mùa khô, các đơn vị chủ rừng trên lâm phần rừng tràm U Minh Hạ chủ động đắp đập để giữ nước, phục vụ công tác phòng cháy chữa cháy rừng cũng như ngăn mặn.
Với đặc điểm tự nhiên là tỉnh có hệ thống sông ngòi chằng chịt lại gần như bị mặn hoàn toàn khi bước vào mùa khô, trừ vùng U Minh Hạ và một phần vùng quy hoạch ngọt của huyện Trần Văn Thời, từ đó, việc hạn chế tình trạng xâm nhập trên địa bàn tỉnh gặp rất nhiều khó khăn, nhất là cần nguồn kinh phí rất lớn để đầu tư khép kín vùng, tiểu vùng, các ô thuỷ lợi... Hiện nay, toàn tỉnh chia thành 23 tiểu vùng nhưng chỉ mới đầu tư khép kín được 6 tiểu vùng.
Trước những khó khăn đó, để giảm thấp nhất thiệt hại do hạn hán, xâm nhập mặn thì ý thức người dân sử dụng nước trong sản xuất và sinh hoạt một cách hợp lý, tiết kiệm, là yếu tố vô cùng quan trọng. Theo ông Trần Quốc Nam, Giám đốc Trung tâm Quản lý khai thác công trình thuỷ lợi tỉnh, hàng năm, đơn vị đều xây dựng kế hoạch vận hành các cống đầu mối đảm bảo đủ nước phục vụ sản xuất cho người dân. Song song với đó là tăng cường công tác kiểm tra hệ thống cống đầu mối để có các giải pháp xử lý, khắc phục kịp thời, tránh tình trạng rò rỉ xâm nhập mặn cũng như thất thoát nguồn nước ngọt bên trong nội đồng. Riêng trong năm 2022, tỉnh đã dành nguồn kinh phí hơn 110 tỷ đồng để tiến hành duy tu, sửa chữa hơn 100 công trình thuỷ lợi để phục vụ sản xuất cũng như chống tràn, xâm nhập mặn.
Căn cứ tình hình thực tế để xây dựng triển khai phương án, kế hoạch phòng chống, ứng phó với hạn hán và xâm nhập mặn tại địa phương; xây dựng kế hoạch sản xuất, lịch thời vụ hợp lý, bố trí diện tích và cơ cấu thời vụ gieo trồng phù hợp với năng lực nguồn nước hiện có... cũng là những giải pháp đang được triển khai nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại mà tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn có thể gây ra./.
Nguyễn Phú