(CMO) Xã Khánh Bình Tây là trung tâm thương mại, dịch vụ, du lịch khu vực phía Bắc huyện Trần Văn Thời, có diện tích tự nhiên 5.456,59 ha, với 3 dân tộc: Kinh, Khmer và Hoa cộng cư sinh sống.
Là địa phương thuần nông nên sản xuất nông nghiệp là thế mạnh của xã. Các mô hình sản xuất luôn được mở rộng như: khai thác mực ống, ruốc, cá cơm, cua đá ở Kinh Hòn; nuôi cá bổi, cá lóc thương phẩm, làm khô cá bổi ở ấp Ðá Bạc A; hoa màu, cây trái, lúa - cá đồng vùng Cơi 5A, Cơi 5B, Cơi 6A, Cơi 6B… Khánh Bình Tây có 4,8 km đường bờ biển, với hơn 400 phương tiện khai thác thuỷ sản, trung bình mỗi năm ngư dân nơi đây khai thác khoảng 6.500 tấn thuỷ sản các loại, thu nhập khá.
Khánh Bình Tây còn có tiềm năng kinh tế du lịch khi sở hữu di tích quốc gia Hòn Ðá Bạc nổi tiếng, như bức bình phong cho đất liền, nơi trấn giữ biên cương vùng biển Tây Nam Tổ quốc.
Năm 2020, đô thị Khánh Bình Tây được công nhận là đô thị loại V, mở ra nhiều hướng phát triển trên các lĩnh vực, từ đó tác động tích cực, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Khánh Bình Tây là xã có diện tích trồng màu lớn của huyện Trần Văn Thời nói riêng, tỉnh Cà Mau nói chung, mỗi năm cung cấp cho thị trường hàng trăm tấn rau màu các loại. |
Nghề làm khô cá bổi ở ấp Ðá Bạc A đang ngày càng phát triển mạnh, mỗi năm cho ra thị trường hàng trăm tấn cá khô thương phẩm. |
Cua đá, đặc sản Hòn Ðá Bạc. |
Khánh Bình Tây là một trong những vùng nguyên liệu lúa của tỉnh Cà Mau, đem lại lợi nhuận cao cho nông dân. |
Ấp Kênh Hòn hiện có hơn 10 cơ sở thu mua mực, mỗi năm xuất đi trong và ngoài nước hàng trăm tấn mực. (Trong ảnh: Cơ sở thu mua mực Tư Tường, Hòn Ðá Bạc). |
Huỳnh Lâm thực hiện