(CMO) Dự án Đánh giá phương pháp phát hiện lao chủ động tại cộng đồng sử dụng Gene Xpert MTB/RIF trong việc giảm tỷ lệ hiện mắc lao tại tỉnh Cà Mau” (Dự án ACT3) được triển khai từ 2013 và tổng kết đánh giá vào năm 2018. Qua 5 năm triển khai thực hiện, Dự án ACT3 đã làm giảm đáng kể tỷ lệ mắc bệnh lao và tiến tới giảm tỷ lệ lây nhiễm lao trong cộng đồng tại tỉnh Cà Mau. Theo đánh giá, tỷ lệ mắc lao ở nhóm can thiệp giảm 44% khi Dự án ACT3 được triển khai và kết thúc.
Sau thành công của Dự án ACT3, Cà Mau tiếp tục triển khai thực hiện Dự án Đánh giá tính hiệu quả và an toàn của mô hình chẩn đoán và điều trị phổ cập lao tiềm ẩn kết hợp phát hiện chủ động các ca bệnh lao trong việc làm giảm tỷ lệ mắc lao trong cộng đồng (Dự án ACT5).
Ngày 26/4, Sở Y tế Cà Mau phối hợp với Bệnh viện Phổi Trung ương tổ chức Hội thảo khởi động Dự án ACT5.
Dự án ACT5 được triển khai thực hiện từ 5/2021-6/2025, gồm 2 giai đoạn để sàng lọc, phát hiện và điều trị cả ca lao tiềm ẩn và lao hoạt động trong cộng đồng. |
Theo đó, dự án triển khai giai đoạn can thiệp từ 5/2021-6/2024, sẽ có 104 khóm/ấp được chọn sàng lọc và điều trị lao tiềm ẩn kết hợp phát hiện ca lao hoạt động trong cộng đồng.
Giai đoạn đánh giá từ 1/2024-6/2025, dự án sẽ được triển khai ở 9 huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh. Đối tượng gồm toàn bộ người dân từ 5 tuổi trở lên đang sinh sống tại 208 khóm, ấp (trong đó có 104 khóm, ấp giai đoạn can thiệp). Dự kiến, 156.000 dân được sàng lọc lao hoạt động; 78.000 dân được sàng lọc lao tiềm ẩn và có 16.000 dân được điều trị lao tiềm ẩn./.
Đặng Duẩn