(CMO) Ở các trường học vùng sâu, vùng xa trong tỉnh Cà Mau xuất hiện nhiều mô hình hay về bảo vệ môi trường từ ý tưởng sáng tạo của các thầy cô giáo và các em học sinh, góp phần làm cho môi trường xanh, sạch, đẹp, văn minh.
Từ xe quét rác sân trường…
Tại Trường THCS Khánh Bình Tây Bắc (huyện Trần Văn Thời), mỗi sáng nhiều học sinh tất bật với việc quét dọn sân trường, các em dùng chổi để quét và hốt rác đổ vào hố rác. Nhiều lúc có gió mạnh, lá cây rụng nhiều, các em phải quét rất vất vả và tốn nhiều thời gian mới làm xong việc. Ðể giúp các em học sinh mỗi buổi sáng không còn mất thời gian quét dọn sân trường nữa mà dành thời gian để ôn bài, làm bài, cô Lê Thị Mộng Thường, giáo viên của trường đã nghiên cứu, chế tạo “Xe quét rác sân trường” thông minh để thu gom rác thải như lá cây, giấy vụn, bì nhựa về hố rác.
“Xe quét rác sân trường” do cô Lê Thị Mộng Thường, Trường THCS Khánh Bình Tây Bắc nghiên cứu chế tạo. |
Nói về ý tưởng sáng chế này, cô Mộng Thường cho biết, hiện nay trên thị trường có nhiều loại xe rác đẩy tay nhưng giá thành rất cao, khoảng 8 triệu đồng. Số lượng rác thu được ít, do thùng chứa nhỏ; khi xe làm việc không thấy được lượng rác trong thùng chứa nên cũng gặp khó khăn.
“Còn với sản phẩm “Xe quét rác sân trường”, chi phí để chế tạo xe khoảng 700.000 đồng, thùng chứa rác lớn nên có thể đựng được nhiều rác và khi xe hoạt động, thông qua tấm kính ta có thể thấy được lượng rác trong thùng chứa, nên khi rác đầy thùng thì cho xe ngừng hoạt động”, cô Thường chia sẻ.
Ðể tạo ra “Xe quét rác sân trường”, cô Thường dùng chổi quét rác được tái chế từ dây ni-lông và ống nhựa; 1 băng chuyền màu trắng làm bằng dây chun và dây cao su mềm; khung xe làm bằng thép; thùng chứa rác bằng composite; 2 bánh xe có đường kính 10 cm; 2 bánh xe có đường kính 4,5 cm; 2 bánh xe đường kính 2,5 cm; 1 dây xích xe gắn máy đã qua sử dụng; 1 dây đai bằng ống cao su; 2 trục xoay băng chuyền tái chế từ ống nhựa; 6 ổ bi; 2 bánh đai nhựa; 1 công tắc; 1,2 m tôn; 2 tấm kính; 2 mảnh gỗ… Xe vận hành bằng bình ắc quy 12 và 1 motor cùng bộ sạc. Chỉ cần bật công tắc lên là động cơ xe hoạt động, cùng lúc đó chổi quét bắt đầu làm việc để đưa rác từ mặt đất lên băng chuyền, rác được đưa vào thùng rác.
Thầy Nguyễn Chí Khang, Hiệu trưởng nhà trường, đánh giá: “Xe quét rác đã được đưa vào sử dụng trong Trường THCS Khánh Bình Tây Bắc và mang lại hiệu quả khá cao, không gây ô nhiễm môi trường, giúp các em học sinh tiết kiệm được thời gian lao động và dành phần lớn thời gian để ôn bài, học bài. Bên cạnh đó, giải pháp còn tiết kiệm được nhân lực lao động, góp phần bảo vệ môi trường xanh, sạch, đẹp trong khuôn viên trường học”.
… Đến lò đốt di động và máy hút bụi
Hiện nay, ô nhiễm môi trường đang là vấn đề nhức nhối, đặc biệt là rác thải sinh hoạt, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới môi trường và sức khoẻ con người. Xuất phát từ thực tiễn trên, cô Quách Ngọc Diễm, giáo viên Trường THCS Nguyễn Mai (xã Khánh Tiến, huyện U Minh) cùng các thành viên nhóm đã làm ra mô hình xử lý rác thải sinh hoạt bằng lò đốt mi-ni di động với công suất đốt cháy 100 kg rác trong 1 giờ. Cô Diễm cho biết, nguyên vật liệu để xây dựng lò gồm: 2 thùng phuy (loại 220 lít và 20 lít); 1 ống inox dài khoảng 30-50 cm, bán kính khoảng 10 cm; 26 thanh sắt dài khảng 70 cm; 2 bánh xe nhỏ; 1 tấm tôn dài 1 m, 4 bản lề; 10 kg than hoạt tính hoặc than gáo dừa; 1 bao cao lanh (thay thế bằng xi-măng trộn với cát hoặc đất sét trộn với trấu).
Lò đốt do nhóm cô Diễm chế tạo có hệ thống gọn, nhẹ, có các bánh xe nên dễ dàng di chuyển, hoạt động liên tục và an toàn, trong 1 giờ có thể thiêu huỷ khoảng 100 kg rác thải, đồng thời hạn chế được mức thấp nhất lượng khí thải độc hại ra môi trường.
Lò đốt mi-ni di động do cô Quách Ngọc Diễm, Trường THCS Nguyễn Mai cùng các thành viên nhóm sáng chế. |
Không những vấn đề rác thải, mà vấn đề ô nhiễm môi trường từ bụi cũng vô cùng nguy hiểm, ảnh hưởng đến sức khoẻ thầy cô giáo và các em học sinh. Từ thực tế trong trường học, em Nguyễn Ngô Khánh Duy, học sinh Trường THCS Nguyễn Thái Bình (huyện U Minh) đã chế tạo máy hút bụi từ dụng cụ tái chế như: chai nhựa, ống nhựa, lon nước ngọt, cánh quạt, vỏ hộp giấy, motor, công tắc…
Khánh Duy chia sẻ về cấu tạo của máy: "Ống hút bụi được làm bằng ống nước nhựa mềm dài khoảng 10-15 cm; phần buồng chứa bụi, rác hút vào được làm từ lon nước ngọt đã sử dụng, có lưới chặn làm bằng vải, lưới dán vào vành lon có thể tháo để vệ sinh, nối giữa ống hút bụi và buồng chứa bằng một phần chai nhựa; phần thân làm từ lon nước ngọt, bên trong gồm motor (DC 9V) gắn vào cánh quạt nhỏ làm bằng vỏ hộp giấy; phần nắp chặn bằng nắp chai nhựa được khoan lỗ thông gió dán liền với thân; tay cầm gắn kết với phần thân được làm bằng các que đè lưỡi y tế, chứa nguồn điện gồm 2 pin 9V nối dây vào motor kèm công tắc. Các phần còn lại được dán bằng keo nhựa đảm bảo tính thẩm mỹ. Khi bật công tắc, motor hoạt động làm cánh quạt quay tạo gió, để phần ống hút bụi vào vụn giấy, bụi, vỏ hạt thì chúng sẽ được hút vào buồng chứa. Máy hoạt động khá hiệu quả, hút được nhiều rác nhỏ, vỏ hạt…
Máy hút bụi từ dụng cụ tái chế như: chai nhựa, ống nhựa, lon nước do em Nguyễn Ngô Khánh Duy, học sinh Trường THCS Nguyễn Thái Bình sáng chế. |
Xe quét rác sân trường, lò đốt mi-ni di động và máy hút bụi được thầy cô và các em học sinh vùng sâu, vùng xa của tỉnh Cà Mau làm ra bằng những vật dụng đã qua sử dụng nên mang tính bảo vệ môi trường cao. Bên cạnh đó, cũng khích lệ tinh thần sáng tạo trong giáo viên và học sinh, đặc biệt là tạo động lực cho lứa tuổi học sinh hăng say trong học tập, khám phá và sáng tạo./.
Huỳnh Lâm