(CMO) Thời gian cứ trôi, ở góc đường Hoàng Diệu, Phường 2, TP Cà Mau, sạp báo của ông Trương Văn Hồng vẫn lặng lẽ trao tay người đọc trung thành những tờ báo in truyền thống.
Nhịp sống vội vã hơn, mạng xã hội bùng nổ đã xoay chuyển nhiều giá trị trong cuộc sống. Ða phần bạn đọc năm nào đã chuyển sang báo mạng, truyền hình Online… để bắt kịp nhịp thời đại. Mấy ai còn nhớ sớm mai thức dậy, ghé các sạp báo mua một tờ báo giấy rồi vừa uống cà phê vừa xem tin tức, vừa ăn sáng, tán gẫu trước khi vào làm việc. Thói quen đọc thay đổi, những sạp báo cũng thưa thớt dần vì không còn độc giả. Ấy thế mà vẫn còn một sạp báo tồn tại cùng tháng ngày.
Dù mưa hay nắng, sạp báo của ông Hồng ngay góc đường Hoàng Diệu, Phường 2, vẫn mở cửa mỗi ngày. Ảnh: NHẬT MINH
6 giờ mỗi ngày, ông Trương Văn Hồng mặc tươm tất, đến sạp báo ở góc đường để dọn dẹp, bày biện. 7 giờ ông nhận các loại báo, sắp xếp theo thứ tự và dễ tìm cho những khách hàng quen thuộc. Ðã 30 năm qua, dù mưa hay nắng, ngày nghỉ, ngày lễ, ông vẫn mở bán đúng giờ, trở thành thói quen thường nhật.
Sạp báo như hơi thở, như thói quen hàng ngày trong cuộc sống của ông Hồng. Ảnh: NHẬT MINH
Ông Hồng bảo: “Tôi mở sạp báo và duy trì từ lúc còn đi làm việc, đến khi nghỉ hưu, vì tôi yêu thích đọc báo. Lúc trước, mỗi ngày bán được khoảng 500-600 tờ, nhưng giờ chỉ còn khoảng hơn 100 tờ. Có đồng ra đồng vô, cùng lương hưu của tôi cũng đủ chăm lo cho gia đình. Ðiều quan trọng nhất vẫn là niềm vui. Nó như hơi thở của tôi mỗi ngày. Tôi mở đúng giờ và không nghỉ ngày nào, vì sợ mất khách mối!”.
Người bán đúng giờ, người mua cũng canh đúng thời điểm đến chọn báo. Họ trao nhau những tờ báo in thân thương. Ông Hồng tự hào cho biết: “Khách của tôi có cả người ở Tắc Vân xuống mua. Vì thời buổi này không còn nhiều sạp báo như trước. Tôi cũng hiểu báo mạng phát triển thì báo in sẽ thất thế, nhưng còn độc giả nâng niu giá trị văn hoá đọc thì tôi vẫn còn gắn bó với sạp báo này!”.
Khách của ông Hồng đều là những người lớn tuổi, nhân viên văn phòng. Họ tranh thủ mua đồ ăn sáng và ghé mua thêm tờ báo mang đến chỗ làm. Có những cụ ông không chạy xe được, vẫn yêu cầu con cháu chở đến nơi để được đích thân trao tiền, mua và cầm trên tay tờ báo in yêu thích.
Ông Trần Văn Thi, xã Ðịnh Bình, TP Cà Mau, cho biết: “Tôi ở xa nhưng sáng nào cũng phải chạy xe xuống mua báo, vì chỗ tôi ở không tìm thấy sạp báo nữa. Tôi mua rồi lướt thông tin, trò chuyện cùng bạn bè có thói quen đọc báo in như mình. Thời buổi công nghệ, giới trẻ thích báo mạng, nhưng với tôi, báo in vẫn là nhất. Ðọc báo in đỡ hại mắt, lại còn ghi nhớ thông tin hơn. Nhiều bài viết phân tích kỹ lưỡng và đa chiều hơn”.
Một độc giả lớn tuổi ngồi đọc tin tức tại chỗ, sau khi mua báo ở sạp của ông Hồng. Ảnh: NHẬT MINH
Một vị khách mối trên 20 năm là ông Dương Minh Hùng, Khóm 1, Phường 2, chia sẻ: “Ðúng là báo in bây giờ có phần mai một, nhưng còn độc giả yêu chuộng thì báo in vẫn sống. Tôi thấy cơ quan, ban, ngành, đoàn thể cũng đang vực dậy văn hoá đọc bằng các cuộc thi tìm hiểu sách, bằng các bài viết cảm nhận sách báo… Tôi hy vọng giới trẻ trở lại với văn hoá đọc nhiều hơn”.
Có nhiều nguyên nhân khiến báo in thất thế, nhưng cũng có nhiều lý do khiến người đọc trung thành, duy trì tình yêu với báo in. Ðó là động lực để sạp báo của ông Hồng sống cùng năm tháng. Ông mong có sức khoẻ để mỗi sáng mở sạp báo, được gặp bạn bè trong ngành giáo dục nay đã nghỉ hưu như mình và được trao từng tờ báo in vương mùi mực cho những vị khách thân thiết.
Ông Hồng tiếc nuối: “Ngày xưa, báo dành cho thiếu nhi nhiều lắm, các em nhỏ thường hay đến mua. Bây giờ các đầu báo dành cho lứa tuổi học trò thưa thớt, khách hàng thân thương là các cháu thiếu nhi cũng không còn, nên tôi rất nhớ!”.
Thời buổi công nghệ phát triển, sạp báo của ông Hồng vẫn lặng lẽ tồn tại cùng hơi thở cuộc sống và con người Cà Mau, lưu lại những giá trị văn hoá đọc, với hình ảnh bình dị của bao thế hệ độc giả cùng tình yêu sách, báo./.
Lam Khánh