(CMO) Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, chiều 25/9, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường dẫn đầu đoàn công tác cùng các Bộ Kế hoạch - Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng và Bộ Tài nguyên - Môi trường đến kiểm tra thực tế tình hình sạt lở tại nhiều điểm nóng trên địa bàn tỉnh.
Cà Mau có ba bề giáp biển, trải dài từ Đông sang Tây, tổng chiều dài bờ biển hơn 250 km, cùng nhiều cửa sông lớn thông tuyến ra biển tạo dòng chảy mạnh, tại nhiều nơi giao nhau ở những tuyến sông đã xảy ra tình trạng sụp, sạt lở đất, hư hại nhiều công trình hạ tầng công cộng và đe doạ đến tài sản và tính mạng của người dân.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường (thứ hai từ trái sang) dẫn đầu đoàn công tác khảo sát các điểm nóng sạt lở ở Cà Mau. |
Tuyến bờ biển Đông tỉnh trải dài từ cửa Gành Hào, giáp ranh tỉnh Bạc Liêu đến Mũi Cà Mau, thuộc địa bàn 3 huyện: Đầm Dơi, Năm Căn và Ngọc Hiển. Do chưa được xây dựng tuyến đê biển, nên nhiều năm qua, nhiều diện tích đất rừng phòng hộ ven biển bị sạt lở nghiêm trọng làm mất hàng trăm héc-ta đất rừng mỗi năm. Đặc biệt, sự tác động ngày càng nghiêm trọng của biến đổi khí hậu và nước biển dâng tác động trực tiếp đến các khu dân cư tại các cửa biển, gây thiệt hại nghiêm trọng nhà dân, hạ tầng giao thông.
Phó giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Tô Quốc Nam cho biết: "Trước thực tế mang tính cấp bách, mới đây Cà Mau đã ban bố tình trạng khẩn cấp sạt lở bờ biển Đông và sạt lở bờ sông tại 8 vị trí xung yếu, cấp bách với trên 25 km cửa biển, bờ biển và hơn 1,2 km bờ sông sạt lở cần khẩn cấp xử lý. Theo đó, tỉnh vừa có tờ trình gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc hỗ trợ kinh phí xử lý khẩn cấp các vị trí sạt lở đặc biệt nguy hiểm trên địa bàn, với số tiền trên 947 tỷ đồng.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Sử cho biết, đây là những vị trí có tốc độ sạt lở rất nghiêm trọng, bình quân mỗi tháng khoét sâu vào bên trong khoảng 20 m, có nơi 50 m/tháng, cần được đầu tư khẩn cấp nhằm ngăn chặn sạt lở, bảo vệ đất, bảo vệ tài sản Nhân dân, công trình công cộng, nhất là tại cửa biển Vàm Xoáy, Rạch Gốc, Kênh Năm, Hố Gùi…
Phó chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Sử cho biết thêm, dù một số đoạn đê biển Tây vừa được nâng cấp và xây dựng kiên cố, tuy nhiên vừa qua trước tác động bất thường của thiên tai, nhiều đoạn đã bị sạt lở nghiêm trọng và tỉnh cũng đã phải ban bố tình trạng khẩn cấp, sử dụng lực lượng quân đội kè hộ đê mới cơ bản ổn định tình hình. Tuy nhiên, nguy cơ vỡ đê biển Tây vẫn có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Cùng với đó, tại những nơi chưa có hệ thống đê mới, đai rừng phòng hộ bị phá huỷ nghiêm trọng, sóng biển tiến sát vào vùng sản xuất của người dân.
Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng, bờ biển Cà Mau bị ảnh hưởng nặng nề nhất so với 28 tỉnh, thành ven biển cả nước trước tác động ngày càng nghiêm trọng của biến đổi khí hậu, nước biển dâng. Bộ trưởng hoan nghênh Cà Mau đã chủ động trong thực hiện các giải pháp công trình ứng phó thiên tai vùng ven biển đã qua, mang lại hiệu quả trước mắt, làm cơ sở tiếp tục triển khai tại những vùng sạt lở khác.
“Đã qua việc đầu tư, hỗ trợ Cà Mau cũng như các tỉnh ĐBSCL sử dụng bằng nhiều nguồn vốn, tuy nhiên, có những nguồn có tiến độ giải ngân chưa đạt yêu cầu, cần chủ động trong áp dụng các vấn đề liên quan đến cơ chế, thủ tục theo hướng khẩn cấp, vì sạt lở đang đến hồi nguy cấp, không thể chờ. Chậm ngày nào thì chúng ta tiếp tục mất rừng, mất đất, mà việc khôi phục lại cần có thời gian và tốn kém về nguồn lực”, Bộ trưởng chỉ rõ.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường chỉ đạo, đối với dân cư sinh sống ven sông, cần thiết phải chủ động di dời, tái định cư cho người dân bởi nguy cơ sạt lở luôn tiềm ẩn, gây thiệt hại lớn đến tài sản, kể cả tính mạng người dân. Trung ương tiếp tục xem xét, ưu tiên sử dụng các nguồn để hỗ trợ đầu tư kè bảo vệ các tuyến dân cư đông đúc, nguy cơ./.
Trung Đỉnh