Đó là chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Hội nghị trực tuyến với các Đại sứ, trưởng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài về tổng kết công tác ngoại giao kinh tế năm 2024 và trọng tâm năm 2025, vào chiều 20/12.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. (Ảnh chụp từ màn hình)
Theo Bộ Ngoại giao, thực hiện chỉ đạo quyết liệt, sát sao của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, công tác ngoại giao kinh tế năm 2024 được đẩy mạnh một cách bài bản, quyết liệt, hiệu quả, với nhiều kết quả cụ thể, thiết thực, tạo đột phá. Năm qua, có gần 60 hoạt động đối ngoại của lãnh đạo chủ chốt chủ yếu về kinh tế. Theo đó, có hơn 170 hợp tác thoả thuận được ký kết nhân dịp các hoạt động cấp cao, góp phần thúc đẩy, làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống thông qua các hợp tác về thương mại, đầu tư, du lịch, lao động với các thị trường lớn.
Điểm cầu Cà Mau, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh Luân chủ trì, cùng lãnh đạo một số sở, ban, ngành, đơn vị cấp tỉnh tham dự.
Các hoạt động đối ngoại cấp cao đã góp phần quan trọng thúc đẩy hợp tác thương mại, đầu tư. Trong đó, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản tiếp tục duy trì tỷ trọng cao trong tổng thể hợp tác kinh tế đối ngoại (chiếm 53,8% tổng FDI vào Việt Nam; 55,5% tổng FDI theo luỹ kế; 47,5% tổng kim ngạch thương mại; 58,8% lượng khách quốc tế đến Việt Nam).
Tích cực thúc đẩy ký kết các FTA mới, nâng tổng số FTA Việt Nam ký kết và tham gia lên 17, tích cực tháo gỡ các rào cản thị trường. Qua đó, góp phần phục hồi, tăng trưởng xuất khẩu. Đồng thời, phát huy vai trò chủ động, tham gia tích cực, đóng góp thực chất tại các diễn đàn đa phương quốc tế và khu vực, góp phần nâng cao uy tín và vị thế của đất nước, thu hút nguồn lực phục vụ phát triển.
Ngoài ra, các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài đã triển khai hơn 700 hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư, du lịch; hỗ trợ địa phương quảng bá giới thiệu, kết nối, thiết lập quan hệ với các đối tác nước ngoài với nhiều hình thức đa dạng, sáng tạo và đổi mới với hơn 400 hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư của các địa phương trong và ngoài nước. Trong đó, hỗ trợ các tỉnh, thành ký kết 130 thoả thuận với các đối tác quốc tế. Đón gần 30 đoàn làm phim quốc tế, các hãng thông tấn báo chí quốc tế vào làm phim quảng bá văn hoá, con người Việt Nam. Hỗ trợ các địa phương vận động thành công UNESCO công nhận thêm 6 di tích thiên nhiên và văn hoá, nâng số lượng di sản UNESCO lên 71, góp phần tạo thêm nguồn tài nguyên thúc đẩy phát triển du lịch.
Tại hội nghị, đại diện lãnh đạo các bộ, ngành, tỉnh, thành, trưởng cơ quan đại diện Việt Nam ở các nước; lãnh đạo các hiệp hội doanh nghiệp chia sẻ về công tác đối ngoại, thúc đẩy phát triển kinh tế nước nhà trên các lĩnh vực. Qua đó, nhận định những khó khăn, hạn chế, việc triển khai các cam kết, thoả thuận quốc tế có lúc, cơ nơi còn chậm; việc thúc đẩy các cam kết, thoả thận thành những kết quả, dự án, chương trình hợp tác cụ thể “đo đếm được” cần được triển khai quyết liệt hơn nữa, cần giải quyết dứt điểm các vấn đề vướng mắc, điểm nghẽn. Hợp tác kinh tế với một số địa bàn chiến lược còn chưa tương xứng với khuôn khổ quan hệ; nỗ lực khai thác thị trường tiềm năng chưa mang tính đột phá.
Đồng chí Nguyễn Quốc Dũng, Đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ, phát biểu về tình hình đối ngoại tại hội nghị.
Phát biểu chỉ đạo tạo hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính biểu dương, đánh giá cao những kết quả Bộ Ngoại giao cũng như các Đại sứ, trưởng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài đạt được trong năm qua, phát huy được vai trò, nhiệm vụ, góp phần thúc đẩy kinh tế đất nước cũng như hiệu quả trong hoạt động đối ngoại với quốc tế.
Dự báo năm 2025 tình hình thế giới và kinh tế thế giới sẽ tiếp tục chiều hướng phức tạp, có thể phát sinh những diễn biến mới ngoài dự báo, nhất là trong bối cảnh chính quyền Donal Trump và nhiều nước lớn tiếp tục điều chỉnh chính sách đối nội đối ngoại, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị chúng ta không được chủ quan trong đánh giá thị trường, đối tác; phải bao phủ, xác định trọng tâm trọng điểm và linh hoạt thích ứng; thể hiện sự tin tưởng, chân thành với đối tác; Thúc đẩy các ký kết khuôn khổ pháp lý.
Làm sao thu hút đầu tư quốc tế nhiều hơn, lấy nguồn lực bên trong làm cơ bản lâu dài, lấy nguồn lực bên ngoài làm quan trọng, đột phá, góp phần nâng tổng đầu tư toàn xã hội lên cao; cần chuyển giao công nghệ, đột phá về thể chế, kinh tế thị trường; làm sao thu hút nguồn lực con người và quản trị thông minh.
Năm 2025 cần tăng tốc bứt phá hơn nữa. Quyết tâm tạo đà, tạo lực, tạo khí thế, bước vào đại hội XIV với mục tiêu tăng trưởng cao. Để làm được điều đó, đòi hỏi chúng ta phải nỗ lực rất nhiều, đưa đất nước tiến vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Hồng Nhung