(CMO) Ở khu nhận bệnh nhân mới của khoa Chấn thương chỉnh hình – bỏng, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Cà Mau, chỉ có vài trường hợp bị TNGT có liên quan đến rượu bia. Theo thống kê từ bệnh viện, số ca TNGT liên quan bia rượu giảm rất nhiều so với thời điểm trước khi Nghị định 100 có hiệu lực.
Đau lòng tai nạn từ rượu bia
Đang nằm trên giường bệnh với chân trái bị gãy, anh Thái Trà Mệnh (25 tuổi, ấp Kinh Giới, xã Khánh Bình Tây Bắc, huyện Trần Văn Thời) kể lại, anh làm công nhân ở Đồng Nai, được về quê ăn Tết vào ngày 16/1/2020 (tức 22/12/2019 âm lịch). Sau khi đi ăn tất niên ở nhà người chú vào ngày 21/1/2020 (tức 27/12/2019 âm lịch) cùng người em rể tên Lê Quốc Quy (24 tuổi, ngụ cùng địa phương) cả hai có sử dụng bia trong tiệc nhậu.
Sau vụ tai nạn, anh Mệnh bị gãy chân, nằm điều trị tại khoa Chấn thương chỉnh hình - Bỏng, Bệnh viện Đa khoa Cà Mau. |
Trên đoạn đường chạy xe về nhà do anh Lê Quốc Quy điều khiển không làm chủ được tay lái đã tông vào thành cầu khiến anh Mệnh rơi xuống sông, còn Quy té văng trên đường. Vụ tai nạn khiến 2 anh Quy và Mệnh phải đưa đi cấp cứu.
Chị Lê Thuỳ Trân (vợ anh Quy) ẵm đứa con gái trên tay xót xa: “Chồng em được chẩn đoán là đa chấn thương, bị chấn thương sọ não, gãy be sườn, dập phổi, phải chụp CT để tiến hành mổ. Hy vọng hồi phục rất mong manh. Con em mùng 4 Tết này là tròn 1 tuổi, chưa kịp làm thôi nôi cho con, chỉ vì rượu bia mà phải như thế này”.
Còn đối với gia đình anh Nguyễn Văn Ruẩn (48 tuổi, ngụ xã Trí Lực, huyện Thới Bình) thì không còn cái Tết. Không có đất sản xuất, anh phải mướn 1 công đất vuông mỗi năm gần 20 triệu để nuôi tôm, hai đứa con gái dang dở việc học đi làm ở TP. Hồ Chí Minh kiếm tiền phụ giúp cha mẹ. Sau vụ vụ tai nạn nghiêm trọng do va chạm với xe máy do Võ Hoàng Khánh (17 tuổi, ngụ xã Lợi An, huyện Trần Văn Thời) điều khiển vào khoảng 7 giờ 40 phút sáng 15/1/2020 trên đường Xuyên Á. Mặc dù được người dân đưa đi cấp cứu nhưng vụ tai nạn đã khiến Khánh tử vong tại Bệnh viện huyện Thới Bình, còn anh Ruẩn được chuyển đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh cấp cứu và anh buộc phải cưa mất chân trái.
Theo người dân chứng kiến và thông tin điều tra ban đầu của Công an huyện Thới Bình, trước khi xảy ra tai nạn, Khánh điều khiển xe máy (xe mượn từ người bạn ngụ tại Kiên Giang mang BKS 68 G1-62043) với tốc độ rất nhanh hướng từ Kiên Giang về Thới Bình, còn anh Ruẩn chạy xe máy (BKS 69K1-6493) điều khiển cùng chiều phía trước. Lúc này anh Ruẩn rẽ trái sang đường để bán cua nhưng không bật tín hiệu đèn xi nhan, Khánh đã không làm chủ được tốc độ tông vào xe anh Ruẩn. Sau khi tai nạn xảy ra, Khánh có nồng độ cồn trong máu là 20 miligam/100 mililit máu.
Vợ anh Ruẩn nghẹn ngào: “Bình thường anh bán cua cho thương lái trước đó một đoạn đường, nhưng nghe nói lái cua chỗ anh định bán có giá cao hơn nên anh mới định rẽ sang đường. Anh cũng bất cẩn quên bật đèn xi nhan. Vì muốn kiếm thêm chút đỉnh tiền để chuẩn bị đón tết mà thành ra thế này”.
Chuyển biến tích cực từ Nghị định 100
Theo ghi nhận tại khoa Cấp cứu Bệnh viện đa khoa tỉnh Cà Mau, từ khi Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt được Thủ tướng ký ban hành ngày 30/12/2019 và có hiệu lực ngày 1/1/2020, trong đó, có quy định về Luật phòng chống tác hại của rượu bia, số bệnh nhân bị tai nạn giao thông liên quan đến rượu bia đã giảm đáng kể.
Cụ thể, từ ngày 1-21/1, bệnh viện tiếp nhận 274 trường hợp bị TNGT. Trong đó, có 34 trường hợp có nồng độ cồn trong máu, giảm 7 trường hợp so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, vào tháng 12/2019, bệnh viện tiếp nhận 420 trường hợp bị TNGT. Như vậy, sau khi nghị định 100 có hiệu lực, số bệnh nhân bị TNGT giảm 146 người.
Khu vực điều trị bệnh nhân bị TNGT tại khoa Chấn thương chỉnh hình – Bỏng (ngày 22/1/2020) không còn cảnh thiếu giường bệnh. |
Theo Bác sĩ CKII Lâm Văn Từng, Trưởng khoa Cấp cứu Bệnh viện Đa khoa tỉnh Cà Mau: “Vào thời điểm Tết những năm trước, mỗi ngày, khoa cấp cứu tiếp nhận từ 180-200 bệnh nhân. Trong đó, có rất nhiều trường hợp do TNGT có liên quan đến rượu bia. Nghị định 100 ra đời đã tác động rất lớn đến ý thức của người dân khi tham gia giao thông, nhất là trong việc sử dụng rượu bia. Từ đó, vừa giảm cả số vụ và người bị TNGT, vừa giảm bệnh nhân nội khoa do sử dụng rượu bia, góp phần giảm áp lực cho bệnh viện”.
Theo quy định tại Nghị định 100, mức xử phạt là rất cao và nghiêm minh cho bất cứ ai sử dụng rượu, bia khi điều khiển phương tiện giao thông. Không riêng vi phạm về nồng độ cồn, bất cứ lỗi vi phạm nào khi tham gia giao thông cũng có thể gây ra tai nạn, thậm chí là rất nghiêm trọng, không chỉ cho bản thân mình, mà còn gây ra cho người khác sự mất mác không thể bù đắp được bằng bất cứ vật chất nào. Mỗi người hãy tự nâng cao ý thức, trách nhiệm của mình khi tham gia giao thông./.
Trịnh Thảo