(CMO) UBND tỉnh Cà Mau vừa gởi Tờ trình đến Thường trực HĐND tỉnh Cà Mau về Dự thảo Nghị quyết ban hành quy định khu vực không được phép chăn nuôi; vùng nuôi chim yến; chính sách hỗ trợ di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi.
Theo đó, khu vực không được phép chăn nuôi bao gồm các phường thuộc thành phố, thị trấn thuộc các huyện và khu dân cư được cấp thẩm quyền phê duyệt thuộc các xã trên địa bàn tỉnh.
Hiện, hầu hết các cơ sở nuôi chim yến ở Cà Mau đều tập trung ở khu vực các phường của thành phố Cà Mau và thị trấn ở các huyện.
Theo đánh giá của Sở NN&PTNN tỉnh thì việc nuôi chim yến như đã qua ở Cà Mau chiếm vai trò chủ đạo trong sản xuất chăn nuôi của tỉnh. Tuy nhiên, hoạt động này làm phát sinh tiếng ồn, mùi hôi gây ô nhiễm môi trường và dịch bệnh có nguy cơ phát sinh, gây ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng dân cư. Mặt khác, việc chăn nuôi chim yến như đã qua còn gây mất vẽ mỹ quan đô thị.
![]() |
Nuôi chim yến tự phát ở phường 8, tp Cà Mau, khu vực phải di dời. |
Cũng theo Tờ trình của UBND tỉnh (dự kiến có hiệu lực sau Kỳ họp HĐND tỉnh vào cuối năm 2019), các cơ sở chăn nuôi xây dựng và hoạt động trong khu vực không được nuôi như đã nêu, hoạt động trước ngày Luật chăn nuôi 2018 có hiệu lực thi hành thì trong 5 năm sau đó phải ngừng hoạt động và di dời đến địa điểm phù hợp. Trong thời gian chờ di dời, không được xây dựng mới hoặc cơi nới, mở rộng quy mô.
Đồng thời, khi di dời trong thời gian quy định, các hộ, cơ sở chăn nuôi chim yến sẽ được hỗ trợ 100% chi phí di dời trong 2 năm đầu thực hiện quy định; được hỗ trợ 70% chi phí di dời trong năm kế tiếp và được hỗ trợ 50% trong 2 năm sau cùng. Mức hỗ trợ không vượt quá 50 triệu đồng cho 1 cơ sở.
Phong Phú