(CMO) Biến đổi khí hậu (BÐKH) diễn ra ngày một mạnh mẽ đã tạo nhiều tác động tiêu cực cho cộng đồng dân cư, nhất là đối với các đối tượng dễ bị tổn thương. Ðảm bảo sinh kế bền vững, thân thiện với hệ sinh thái là chìa khoá quan trọng để ứng phó tốt với BÐKH, điều này đã và đang tiếp tục được triển khai tại nhiều địa phương trong toàn tỉnh.
Cà Mau là tỉnh đang phải chịu ảnh hưởng nặng nề nhất trong khu vực ÐBSCL từ các hiện tượng thời tiết cực đoan của BÐKH. BÐKH không chỉ làm mất đất, mất rừng do sạt lở, hư hại các công trình giao thông, nhà cửa người dân và các công trình công cộng khác… mà còn tạo ra sức ép lớn cho các hoạt động sinh kế, sản xuất.
Người dân vùng Ðất Mũi đang phải chịu ảnh hưởng nặng nề từ các tác động của thiên tai, nhất là sạt lở và triều cường, nước biển dâng. |
Theo số liệu thống kê, toàn tỉnh hiện có khoảng 41.680 người là đối tượng dễ bị tổn thương bởi BÐKH, trong đó có khoảng hơn 10 ngàn người thuộc diện hộ nghèo và cận nghèo, còn lại là người già, phụ nữ và trẻ em. Ða phần các đối tượng dễ bị tổn thương tập trung nhiều tại các vùng ven biển, khu vực rừng phòng hộ; sinh kế phụ thuộc chính vào nuôi tôm, tài nguyên từ rừng, biển. Tuy nhiên, khả năng ứng phó với BÐKH trong cuộc sống và sinh kế của cộng đồng dân cư ở đây chưa bền vững, thụ động và thiếu kế hoạch dài hơi.
Người dân sống trong khu vực Vườn Quốc gia (VQG) Mũi Cà Mau, thuộc xã Ðất Mũi, huyện Ngọc Hiển, là một trong số ấy. Trước khi thành lập VQG Mũi Cà Mau vào năm 2003, đã có nhiều hộ gia đình, cá nhân sinh sống trong các diện tích rừng thuộc vùng lõi và khu phục hồi sinh thái. Sau khi VQG được thành lập, khu rừng được chuyển thành rừng đặc dụng, các hộ dân này phải tuân thủ quy định về quản lý rừng đặc dụng, tức không được phép khai thác hay tỉa thưa cây ngập mặn trong vùng phục hồi sinh thái và vùng lõi VQG. Kể từ đó, sinh kế của người dân nơi đây phụ thuộc chính vào nuôi tôm dưới tán rừng với quy mô nhỏ lẻ, thiếu kỹ thuật. Họ ít có điều kiện lựa chọn những nghề nghiệp hay phương tiện kiếm sống cho mình ngoài việc dựa vào tự nhiên. Mặc dù người dân cũng đã có những biện pháp thích nghi và ứng phó với thiên tai nhưng chưa có những biện pháp mang tính dài hạn và không chắc chắn, mà biến động thời tiết thì ngày càng thất thường. Ðây chính là mấu chốt tạo nên tính dễ bị tổn thương của cộng đồng nơi đây trước tác động của BÐKH.
Nhiều hộ dân không đất vùng Đất Mũi vẫn còn sống dựa vào tài nguyên từ rừng, từ biển, cần sớm được hỗ trợ.
BÐKH đang tăng lên, đã làm các điều kiện tự nhiên như nhiệt độ, lượng mưa, triều cường, nước biển cũng thay đổi theo. Môi trường nuôi thay đổi, để sản xuất đạt hiệu quả đòi hỏi người dân cũng phải thay đổi cách thức canh tác. Theo đó, thời gian qua, nhiều mô hình nuôi đã được triển khai để giúp người dân phát triển kinh tế hộ.
Ðiển hình như mô hình nuôi tôm 2 giai đoạn được triển khai tại ấp Cồn Mũi, xã Ðất Mũi. Trong mô hình này, trước khi thả nuôi, tôm được ương trong các bể ương để thích nghi được với môi trường nước tốt hơn, cũng như chủ động được thời điểm thả giống, tránh trời mưa, thời tiết không thuận lợi và hạn chế dịch bệnh trên tôm khi mua về. Từ đó, giảm bớt sự tác động của thời tiết trong giai đoạn tôm còn nhỏ, tăng tỷ lệ sống và tăng sức khoẻ cho tôm.
Ngoài ra, trong những năm gần đây, nhiều mô hình tạo sinh kế cho người dân nơi đây đã được triển khai. Giải pháp nuôi tôm dưới tán rừng ngập mặn kết hợp với các loài thuỷ sản khác như sò huyết, vọp là một trong số đó. Ðây cũng được xem là những giải pháp dựa vào tự nhiên hỗ trợ người dân tại VQG Mũi Cà Mau ứng phó tốt với BÐKH. Lợi ích song hành được duy trì thông qua việc giữ gìn, bảo vệ diện tích rừng ngập mặn và chia sẻ lợi ích mặt nước để phát triển sinh kế cho các hộ gia đình qua việc nuôi thuỷ sản.
Nhiều hộ dân không đất vùng Đất Mũi vẫn còn sống dựa vào tài nguyên từ rừng, từ biển, cần sớm được hỗ trợ.
Không chỉ vậy, đối với các hộ dân không đất ở ấp Mũi, xã Ðất Mũi, bà con chủ yếu sinh sống ven các tuyến dân cư, thu nhập chủ yếu dựa vào làm thuê, làm mướn, mò cua, ốc dưới tán rừng hay buôn bán nhỏ lẻ một số sản phẩm tại địa phương, đời sống hiện rất khó khăn. Trước thực trạng này, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh và Tổ chức SRD (Trung tâm Phát triển nông thôn bền vững) cùng phối hợp triển khai mô hình tổ hợp tác chế biến khô thuỷ sản, làm chả, mắm. Theo đó, tổ hợp tác được hỗ trợ thiết bị năng lượng mặt trời và các trang thiết bị cần thiết khác cho sản xuất. Ngoài ra, các thành viên còn được hướng dẫn kỹ thuật vận hành máy, cách chế biến, bảo quản sản phẩm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; kỹ năng vận hành, bán hàng. Từ đó, các sản phẩm khô cá lù đù, khô cá lưỡi trâu, mắm... được khách du lịch và người dân địa phương ưa chuộng, giúp cho các thành viên cải thiện thu nhập, từng bước ổn định đời sống.
Nghề làm đũa đước đang mang lại nguồn thu đáng kể cho người dân vùng Ðất Mũi. |
Bà Trần Thị Kiều Yến, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, cho biết: "BÐKH tác động đến đời sống của tất cả người dân trên địa bàn tỉnh, nhất là bà con khu vực trũng thấp, ven biển. Vì thế, thời gian qua, hội tranh thủ nhiều nguồn lực từ các chương trình, dự án nhằm tăng cường khả năng chống chịu của cộng đồng ven biển, đặc biệt là hỗ trợ sinh kế giúp bà con có thêm thu nhập. Mục tiêu xa hơn là thông qua các mô hình này để tìm ra những giải pháp sinh kế bền vững cho người dân trước tác động của BÐKH".
Theo ông Lý Minh Kha, Phó giám đốc VQG Mũi Cà Mau, để tiếp tục giúp người dân phát triển sinh kế, cần sớm có những đánh giá các mô hình sinh kế một cách cụ thể, mô hình nào hiệu quả cao nhất, mô hình nào ít hiệu quả, cái nào cần khắc phục những điểm gì, để làm cơ sở tham thảo triển khai trong những năm tiếp theo và những địa phương khác. Ðể từ đó có sự hài hoà giữa mục tiêu phát triển sinh kế của người dân và công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.
Diễn biến thời tiết, khí hậu ngày càng thất thường, khó dự đoán. Ðể giảm thiểu những ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống người dân, ông Trần Văn Thức, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết, sở đang tiếp tục triển khai các giải pháp nhằm tăng cường hợp tác giữa các cơ quan, doanh nghiệp, tạo điều kiện và huy động nguồn lực tham gia hỗ trợ tích cực cho việc phát triển sinh kế của người dân, từ đó tiến tới xây dựng một cộng đồng tương trợ lẫn nhau trong phòng tránh, giảm nhẹ tác động của BÐKH như hiện nay.
Nguyễn Phú