(CMO) Thông qua hoạt động giám sát của HÐND tỉnh, nhiều sai sót trong cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDÐ) lâm nghiệp đã được chỉ ra từ giữa năm 2017, tuy nhiên đến nay những sai sót này vẫn chưa thể khắc phục triệt để, thực trạng này gây nhiều hệ luỵ khó gỡ.
Trước đó, nhằm giúp người dân trong lâm phần có điều kiện sử dụng đất lâm nghiệp ổn định, lâu dài theo Nghị định 181/2004 về hướng dẫn thi hành Luật Ðất đai, một số xã nhận đất rừng từ các lâm, ngư trường quốc doanh trên địa bàn 2 huyện U Minh và Trần Văn Thời đã tiến hành cấp GCNQSDÐ (sổ đỏ) cho người dân. Tuy nhiên, thông qua hoạt động giám sát của Ban Kinh tế - Ngân sách HÐND tỉnh vào tháng 6/2017 đã chỉ ra, trong quá trình cấp sổ đỏ ấy đã xảy ra nhiều sai sót.
Trước đây các công trình xây dựng sử dụng tràm làm cừ, làm giàn giáo; giờ phần lớn cừ bê tông, làm giàn giáo bằng sắt nên đầu ra cây tràm rất khó khăn. |
Cụ thể và tiêu biểu nhất là việc một số nơi chỉ cấp sổ đỏ trên phần đất 30% sản xuất kết hợp, không cấp 70% phần trồng rừng; một số nơi khác lại cấp sổ đỏ theo hiện trạng thực tế, tức tách ra thành đất nông nghiệp, đất ở và đất rừng. Từ những sai sót đó, Ban Kinh tế - Ngân sách HÐND tỉnh cũng đã có kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành có liên quan và chính quyền địa phương tiến hành rà soát, thu hồi, điều chỉnh việc cấp GCNQSDÐ sai mục đích. Ðồng thời, đẩy nhanh tiến độ cấp sổ đỏ cho người dân trên địa bàn lâm phần; thực hiện trình tự, thủ tục giao đất lâm nghiệp cho dân sử dụng bảo đảm đúng quy định hiện hành thể hiện.
Mặc dù vậy, đến nay việc khắc phục vẫn chưa thể dứt điểm. Vào giai đoạn được giám sát, trên địa bàn xã Khánh Bình Tây Bắc, huyện Trần Văn Thời, đã có hơn 1.076 hộ được cấp GCNQSDÐ theo Nghị định 181/2004. Tuy nhiên, việc cấp được tiến hành theo hiện trạng thực tế nên mỗi hộ từ 3-4 cuốn sổ đỏ (miếng đất ở, miếng vườn, miếng ruộng và một miếng đất rừng) trên một phần đất được giao trước đó, tất nhiên là việc cấp như vậy là sai so với quy định. Thế nhưng, đến nay việc thu hồi khắc phục vẫn chưa thể dứt điểm. Hiện nay trên địa bàn xã vẫn còn trên 250 hộ tại Ấp 1, Ấp 2 và Ấp 3 được cấp theo hiện trạng sử dụng.
Theo ông Bùi Chí Ngạn, Phó chủ tịch UBND xã Khánh Bình Tây Bắc, cho biết, xã cũng đã xác định rõ đây là khu vực đất lâm nghiệp, nhưng cái khó lớn nhất hiện nay là tâm lý người dân không muốn chuyển lại. Một phần người dân lấy lý do sổ đỏ đã thế chấp ngân hàng để vay vốn; một phần do hiện nay khu vực này canh tác lúa ST24 đạt hiệu quả cao, trong khi giá cây rừng giảm thấp nên cũng đã tác động đến tâm lý bà con.
Khi được làm chủ, người dân nhận đất, nhận rừng xã Khánh Bình Tây Bắc mạnh dạn hơn trong đầu tư phát triển kinh tế lâm nghiệp.
Thời gian tới, địa phương tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền vận động để người dân chuyển đổi lại GCNQSDÐ. “Giải pháp trước mắt mà xã đã áp dụng thời gian qua là khi bà con có nhu cầu vay vốn hay chuyển nhượng thì bắt buộc phải chuyển đổi. Tuy nhiên, để triển khai đồng bộ thì cần có chính sách hỗ trợ bà con về chi phí đo đạc, chi phí hồ sơ... trong quá trình chuyển đổi. Ngoài ra, đa phần người dân tại khu vực này đều không có đất ở nên khi chuyển lại toàn bộ là đất rừng cần hỗ trợ bà con về đất ở. Trước những khó khăn đó, để chuyển đổi lại toàn bộ GCNQSDÐ, cần có thêm thời gian dài chứ không thể giải quyết dứt điểm ngay”, ông Ngạn nhận định.
Rõ ràng, việc cấp sai và chậm khắc phục triệt để như hiện nay sẽ tạo ra nhiều hệ luỵ lâu dài, nhất là về mặt pháp lý. Một hệ luỵ dễ dàng nhận thấy nhất là khi các khu vực này có dự án cần thu hồi đất. Với thực tế và giấy chứng nhận là đất trồng lúa nhưng bồi thường giải phóng mặt bằng theo đất lúa là sai, bởi trong quy hoạch của tỉnh là đất lâm nghiệp và 2 loại giá đất này là hoàn toàn khác nhau. Ðó là chưa tính đến việc nếu xảy ra tranh chấp đất đai thì việc căn cứ các quy định pháp lý để giải quyết càng khó khăn hơn. Do đó, nếu tồn tại này còn treo “lơ lửng” như thời gian đã qua thì hệ luỵ để lại là vô cùng lớn.
Ðể giải quyết dứt điểm tình trạng này, tránh những hệ luỵ về sau, ông Lê Văn Sử, Phó chủ tịch UBND tỉnh, đã giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, sở, ngành, địa phương, đơn vị có liên quan tổ chức rà soát, khảo sát, đánh giá việc cấp GCNQSDÐ lâm nghiệp thời gian qua (diện tích đất lâm nghiệp giao về địa phương quản lý để giao đất, giao rừng cho dân). Theo đó, xác định các sai sót, tồn tại, khó khăn, vướng mắc có liên quan, đề xuất giải pháp xử lý, khắc phục, chấn chỉnh. Cần thiết thì tham mưu UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo thực hiện Chương trình Phát triển lâm nghiệp bền vững tỉnh tổ chức hội nghị chuyên đề để có giải pháp, lộ trình sớm giải quyết dứt điểm tình trạng này.
Hiện nay tỉnh đang tiến hành quy hoạch lâm nghiệp và đã có chủ trương chuyển hơn 4.200 ha trong tổng số hơn 11.000 ha đất chưa sử dụng ven biển vào diện tích lâm nghiệp nhằm tạo thêm quỹ đất để giải quyết các vấn đề có liên quan, trong đó có đất ở cho người dân, đất làm các công trình giao thông, công trình công cộng khác... trong lâm phần. Ðây là thời cơ để có thể giải quyết các vấn đề còn khó khăn vướng mắc hiện nay trong lâm phần, nhất là đất ở cho bà con./.
Nguyễn Phú