(CMO) Không gián đoạn hoạt động sản xuất; giá các mặt hàng khai thác thủy sản không sụt giảm... Đó là những nỗ lực đang diễn ra tại thị trấn Sông Đốc khi thực hiện phong tỏa, cách ly y tế toàn thị trấn từ ngày 5/11 để phòng, chống dịch Covid-19.
Thị trấn Sông Đốc (huyện Trần Văn Thời) có 8.000 hộ dân với 50.000 người, trong đó 36.000 khẩu thường trú và 14.000 khẩu tạm trú khi ghe biển vào. Điều này càng thể hiện sự di biến dân cư ở mức độ cao của thị trấn biển sầm uất nhất tỉnh Cà Mau.
Cuối tháng 10, đầu tháng 11 vừa qua, toàn thị trấn Sông Đốc phát hiện 67 trường hợp dương tính với Covid-19 (trong đó có 16 trường hợp là người không có hộ khẩu thường trú trên địa bàn; 24 ngư phủ).
“Chúng tôi công bố cấp độ dịch cấp 4 từ ngày 2/11 và phong tỏa, cách ly y tế toàn thị trấn từ ngày 5/11 với quan điểm "trên một cấp, trước một bước" để nâng cao ý thức của người dân trong phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Sau 1 tuần thực hiện công bố cấp độ 4 và 5 ngày thực hiện phong tỏa thị trấn, các hoạt động đều trong tầm kiểm soát, bà con Nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp không hoang mang; giá cả hàng hóa, các mặt hàng thiết yếu không biến động”, ông Nguyễn Thanh Hiền, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND, Trưởng ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 thị trấn Sông Đốc, thông tin.
Ban Chỉ huy phòng, chống dịch Covid-19 thị trấn đã thiết lập 4 chốt, trạm kiểm soát dịch cả dường bộ lẫn đường thủy và cửa biển, gồm: Chốt cửa ngõ bờ Nam hướng Quốc lộ 1 đến; chốt cửa ngõ bờ Bắc, hướng thị trấn Trần Văn Thời qua; chốt đê biển Tây và chốt đường thủy cửa biển bên Xóm đảo đối diện với Trạm kiểm soát của Bộ đội Biên phòng Sông Đốc.
Hiện chính quyền thị trấn Sông Đốc đang phối hợp với hàng ngàn công ty, xí nghiệp, doanh nghiệp, hộ sản xuất kinh doanh trên địa bàn để hướng dẫn các thủ tục, phương án thực hiện “3 tại chỗ” với quyết tâm không ngưng trệ sản xuất, kinh doanh.
Tất cả các chợ tự phát, chợ ven đường đều đã ngưng hoạt động từ ngày 2/11; song 9 chợ truyền thống ở Sông Đốc vẫn hoạt động. “Nếu ngưng hết các chợ thì nhân lực của thị trấn không thể chăm lo nổi việc đi chợ cho hơn 35.000 dân, có khi biến động lên 50.000”, ông Hiền phân tích.
Thị trấn cũng đã thiết lập thêm 1 trạm y tế lưu động, cùng với lực lượng y tế của Phòng khám Đa khoa khu vực, phòng khám tư nhân, sẽ đảm bảo công tác chăm sóc sức khỏe cho Nhân dân trong thời điểm này.
Mặt khác, bằng mọi nỗ lực, đến nay trên 91% người từ 18 tuổi trở lên ở Sông Đốc đã được tiêm vắc-xin phòng Covid-19; tính chung trên dân số toàn thị trấn thì tỷ lệ bao phủ vắc-xin là 76%. Thị trấn đang tiến hành tiêm mũi 2, ước đạt từ 40% dân số. Song, phần lớn lực lượng ngư phủ chưa được tiêm do thời gian tổ chức tiêm trùng với thời gian ghe tàu vươn khơi khai thác biển (chỉ mới có 700 người trong tổng số 6.000 người đã được tiêm).
Sông Đốc đang cấp tập chuẩn bị mọi giải pháp để đảm bảo thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch trước sự biến động với dự báo từ ngày 12-16/11, hàng chục ngàn người cùng lượng ghe tàu sẽ vào khoảng 600 chiếc.
Phóng viên Báo Cà Mau ghi nhận thực tế tình hình phong tỏa và công tác chuẩn bị của các cấp chính quyền huyện Trần Văn Thời và thị trấn Sông Đốc trước tình hình Covid-19 diễn biến phức tạp hiện nay trên địa bàn:
Các chốt, trạm kiểm soát cửa ngõ vào Sông Đốc đang tăng cường công tác phòng, chống dịch. |
Chợ truyền thống và các cửa hàng bách hóa vẫn hoạt động, song toàn bộ chợ tạm, chợ ven đường đều đã tạm ngưng kể từ ngày 2/11 để đảm bảo phòng dịch an toàn. |
Hầu hết các cơ sở sản xuất kinh doanh và doanh nghiệp ở Sông Đốc vẫn duy trì hoạt động theo phương án “3 tại chỗ” nhằm đảm bảo không đứt gãy chuỗi cung ứng, xuất khẩu hàng hóa, kiềm chế tình trạng ép giá các mặt hàng. |
Bến phà ngang sông nối bờ Nam và bờ Bắc Sông Đốc vẫn được phép hoạt động nhưng khá đìu hiu. |
Các hoạt động thi công cầu vượt sông Ông Đốc được giảm tần suất. |
Nhiều khu vực trong trung tâm thị trấn có số F0 cao được phong tỏa hoàn toàn. |
Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch thị trấn đã tham mưu cùng Ban Chỉ đạo huyện và sở, ngành liên quan đưa những trường hợp F1 ra khỏi khu vực cảng cá; đồng thời tăng cường khử khuẩn và nhân lực, tiếp tục đưa cảng cá đi vào hoạt động (cảng cá này đang phải phong tỏa do phát hiện có ca nhiễm Covid-19 trước đó). Đây là một trong những giải pháp khẩn thiết nhất. |
Dù đang phong tỏa toàn thị trấn, nhưng bằng mọi giải pháp, Sông Đốc vẫn tiến hành khẩn trương tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho người dân đảm bảo đúng tiến độ. |
Địa phương cũng tính đến phương án thiết lập bệnh viện dã chiến cơ số 120 giường tại Trường THPT Sông Đốc. |
Trên tuyến đê biển Tây vào thị trấn được thiết lập vùng cách ly y tế nghiêm ngặt. |
Một phần sông Ông Đốc sẽ thiết lập "vùng phong tỏa trên sông” đối với ghe biển. Dự báo có khoảng 600 phương tiện với hơn 6.000 người vào bờ từ ngày 12/11 tới đây. Ngay khi đó, lực lương y tế ở Sông Đốc sẽ có phương án tiếp cận từng ngư phủ để tiến hành test Covid-19 và tiêm vắc-xin, vì theo đánh giá, nguy cơ lây nhiễm Covid-19 từ ngư phủ rất cao (đã có 24 ngư phủ nhiễm Covid-19). Song song đó sẽ tăng cường công tác đảm bảo an ninh trật tự. |
Đến sáng nay 10/11, toàn tỉnh Cà Mau có 9 xã, phường, thị trấn áp dụng cấp độ dịch cấp 4; 31 xã, phường, thị trấn cấp độ dịch cấp 3; còn lại đều ở cấp độ 2.
Chủ tịch UBND tỉnh cũng đã ký quyết định ban hành danh sách các địa bàn cấp huyện chịu tác động của dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh. Theo đó, cả 8 huyện và TP Cà Mau là địa bàn cấp huyện chịu tác động của dịch Covid-19. Chủ tịch UBND tỉnh giao Cục Thuế tỉnh căn cứ vào danh sách các địa bàn cấp huyện chịu tác động của dịch Covid-19 để triển khai thực hiện chính sách miễn, giảm thuế theo Nghị định số 92/2021/NĐ-CP, ngày 27/10/2021 của Chính phủ trên địa bàn tỉnh theo đúng quy định.
Phong Phú - Trần Nguyên