(CMO) Trong nhiều thập kỷ qua, ung thư phổi luôn là một trong những căn bệnh ung thư có tỷ lệ mắc và tỷ lệ tử vong đứng hàng đầu trên toàn thế giới. Tại Việt Nam, phần lớn người bệnh mới phát hiện ở giai đoạn muộn và có những tổn thương di căn xa.
Ung thư phổi thường gặp chủ yếu ở 2 dạng: Ung thư phổi tế bào nhỏ và ung thư phổi không tế bào nhỏ. Bác sĩ Ngô Minh Phước, Trưởng khoa Phòng, chống bệnh không lây nhiễm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, thông tin: “Ung thư phổi tế bào nhỏ chỉ chiếm khoảng từ 10-20% các loại ung thư phổi, nhưng lại có độ ác tính rất cao. Các tế bào ung thư thường phát triển nhanh, di căn sớm đến các cơ quan khác. Có mối liên hệ rõ ràng giữa ung thư phổi tế bào nhỏ và hút thuốc lá. Đa phần bệnh nhân được chẩn đoán ở giai đoạn lan tràn chiếm khoảng 75%. Các biện pháp điều trị hiện tại chủ yếu là nâng cao chất lượng cuộc sống, kéo dài thời gian sống thêm cho người bệnh”.
Theo các bác sĩ chuyên khoa Ung bướu, Bệnh viện Đa khoa Cà Mau, đối với loại bệnh lý này, nếu được điều trị ở giai đoạn sớm, khi khối u còn khu trú tại phổi, chưa di căn hạch, chưa di căn xa thì có khả năng chữa khỏi được, phương pháp điều trị chính là phẫu thuật cắt bỏ u, nạo vét hạch hệ thống; hóa trị bổ trợ sau phẫu thuật được chỉ định cho một số trường hợp. Còn khi bệnh đã ở vào giai đoạn muộn, khi ung thư đã di căn sang nhiều cơ quan, bộ phận khác của cơ thể thì giải pháp chỉ là thực hiện các liệu pháp chống ung thư toàn thân khác nhau được sử dụng trong nỗ lực làm chậm sự phát triển của khối u, cải thiện triệu chứng và chất lượng sống. Đây còn được gọi là điều trị hỗ trợ và chăm sóc giảm nhẹ.
Bác sĩ khoa Ung bướu, Bệnh viện Đa khoa Cà Mau thăm khám cho một trường hợp bệnh nhân mắc ung thư phổi được điều trị tại khoa. |
Có thể nói, ngày nay có quá nhiều yếu tố luôn tác động trực tiếp lên cuộc sống hằng ngày của mọi người. Trong đó, vấn đề môi trường, ý thức sinh hoạt… là một trong nhiều lý do khiến cho căn bệnh ung thư phổi luôn không ngừng gia tăng trong cộng đồng. Thuốc lá được biết đến là nguyên nhân gây ra từ 80-90% các trường hợp ung thư phổi, nhưng đây vẫn chưa phải là nguyên nhân duy nhất. Bởi ung thư phổi còn có thể sinh ra là do ảnh hưởng tiêu cực từ sự ô nhiễm môi trường, từ bức xạ, tính chất công việc, tiền sử bệnh lý hoặc tuổi tác và thậm chí là cả yếu tố di truyền.
Thực tế, ung thư phổi không còn là căn bệnh quá xa lạ trong cuộc sống hiện nay nữa. Vì vây, việc mỗi người luôn cố gắng xây dựng cho mình một lối sống lành mạnh và thường xuyên có thói quen đi tầm soát để phát hiện sớm bệnh lý là cực kỳ quan trọng. Vì hầu hết khi phát hiện ra mình bị mắc ung thư phổi, người bệnh đều đã ở vào giai đoạn cuối. Đây là thời điểm mà theo như các bác sĩ chuyên khoa đều cho rằng, hầu hết mọi kết quả điều trị đều kém khả quan nhất. Bởi không chỉ cơ thể, sức khỏe mà tinh thần của người bệnh cũng đã bị tổn thương khá nặng nề.
TS.Bác sĩ Tô Minh Nghị, Phó giám đốc Bệnh viện Đa khoa Cà Mau, cho biết: “Ung thư phổi được xem là một căn bệnh cực kỳ nguy hiểm, bởi dấu hiệu của bệnh chỉ bộc phát ra bên ngoài khi đã bước vào giai đoạn cuối, rất khó để cứu chữa. Những đối tượng có tỷ lệ mắc ung thư phổi thường là những người thường xuyên hút thuốc lá, làm việc trong môi trường có chứa nhiều khói bụi, chất độc, thói quen sinh hoạt thiếu khoa học...”.
Theo các bác sĩ chuyên khoa Ung bướu, khi đã mắc ung thư phổi giai đoạn cuối, người bệnh sẽ có cảm giác đau họng, cổ họng luôn trong tình trạng đau rát và khàn đặc. Giọng nói của người bệnh cũng có những thay đổi rõ rệt. Khi thở người bệnh có thể nghe thấy tiếng khò khè đi cùng với cảm giác hít thở không thông. Thường xuyên bị ho và nghiêm trọng hơn là ho ra máu tươi. Đây chính là những dấu hiệu phổ biến của bệnh ung thư phổi gây ra cho đường hô hấp. Những triệu chứng này là dấu hiệu cho thấy các tế bào ung thư phổi đã bắt đầu phát triển gây tổn thương đường hô hấp. Các tế bào ung thư này hình thành khối u và chèn ép lên phần dây khí quản gây nên tình trạng khó thở và đau tức lồng ngực.
Để có thể đáp ứng tốt tình trạng sức khỏe trong giai đoạn điều trị, người bệnh nên thực hiện theo đúng phác đồ điều trị mà bác sĩ đưa ra; cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng cho cơ thể, tích cực vận động cơ thể để tăng sức đề kháng. Điều đặc biệt là phải luôn giữ cho tâm trạng được thoải mái, lạc quan. Như vậy sẽ mang lại sự hỗ trợ rất lớn cho việc điều trị có kết quả tích cực hơn./.
Phương Vũ