Khi Đảng chưa ra đời, đất nước chìm trong đau thương và nô lệ. Tất cả các ngọn cờ cứu nước theo các khuynh hướng khác nhau của những người con ưu tú của dân tộc đều thất bại và khủng hoảng toàn diện. Lịch sử dân tộc đòi hỏi phải có một ngọn cờ cứu nước đúng đắn đưa dân tộc ta thực hiện công cuộc giải phóng và phát triển phù hợp với sự phát triển của thời đại.
Khi Đảng chưa ra đời, đất nước chìm trong đau thương và nô lệ. Tất cả các ngọn cờ cứu nước theo các khuynh hướng khác nhau của những người con ưu tú của dân tộc đều thất bại và khủng hoảng toàn diện. Lịch sử dân tộc đòi hỏi phải có một ngọn cờ cứu nước đúng đắn đưa dân tộc ta thực hiện công cuộc giải phóng và phát triển phù hợp với sự phát triển của thời đại.
Đầu năm 1930, Đảng Cộng sản Việt Nam được lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc thành lập đã đáp ứng đòi hỏi cấp bách của lịch sử dân tộc. Kể từ đây, dân tộc ta có một đội tiên phong, có đường lối đúng đắn lãnh đạo. Lịch sử dân tộc bước sang một trang hoàn toàn mới hướng tới độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Chủ nghĩa xã hội là định hướng chung, là đích đến, là tương lai của nhân loại - đó chính là quá trình lịch sử tự nhiên trong học thuyết vĩ đại của chủ nghĩa Mác - Lênin.
Cà Mau tuyên truyền đậm nét về sự kiện chính trị trọng đại của đất nước. Ảnh: TRẦM NGHĨ |
Từ khi có Đảng, đất nước ta đã có sự phát triển chưa từng có. Cả dân tộc được xây dựng thành một khối đoàn kết vững chắc, dưới sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng. Mười lăm năm sau khi có Đảng, Nhân dân ta giành được chính quyền từ tay phát xít Nhật và chế độ phong kiến Bảo Đại. Từ thân phận nô lệ, mất nước, Nhân dân ta đã trở thành người chủ thật sự của non sông, đất nước mình. Tiếp theo là 30 năm trường kỳ kháng chiến để bảo vệ độc lập dân tộc với chân lý mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: Không có gì quý hơn độc lập tự do. Ngày 30/4/1975, miền Nam hoàn toàn giải phóng, Tổ quốc thống nhất, non sông liền một dải đã đưa đất nước Việt Nam sang một trang mới.
Sau ngày giải phóng, đất nước thống nhất, nhưng cái nghèo, cái đói còn hiện hữu trên đống đổ nát của chiến tranh. Đảng Cộng sản Việt Nam đã xác định hai nhiệm vụ chiến lược đúng đắn cho cách mạng Việt Nam trong giai đoạn mới, đó là, xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ vững chắc Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Vừa bước vào xây dựng, Nhân dân ta lại phải cầm súng, lại phải đổ máu để bảo vệ Tổ quốc trên chiến trường Tây Nam và biên giới phía Bắc, đập tan cuộc tấn công xâm lược của Khmer Đỏ và của bọn bành trướng.
Cuối thập kỷ 80 của thế kỷ XX, chủ nghĩa xã hội hiện thực thế giới lâm vào khủng hoảng. Các Đảng cộng sản đang cầm quyền ở một số nước tiến hành công cuộc cải tổ, cải cách, mở cửa, trong số đó đã có đảng cải tổ nhưng xa rời những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin, những nguyên tắc cơ bản của Đảng cộng sản chân chính nên đã đánh mất vai trò là đảng cầm quyền, đảng lãnh đạo nhà nước và xã hội. Sự sụp đổ của chủ nghĩa xã hội hiện thực cuối thập kỷ 80, đầu thập kỷ 90 của thế kỷ 20 là một tổn thất to lớn đối với phong trào cộng sản và công nhân quốc tế.
Trong hoàn cảnh đó, năm 1986, Đảng Cộng sản Việt Nam đã tiến hành công cuộc đổi mới vì chủ nghĩa xã hội. Đảng ta xác định, đổi mới không có nghĩa là xa rời mục tiêu chủ nghĩa xã hội mà là làm cho mục tiêu ấy trở nên đúng đắn hơn, hiện thực hơn; đổi mới là không ngừng tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng, làm cho Đảng xứng đáng hơn, tiền phong hơn, văn minh hơn. Đảng đã tự đổi mới, tự chỉnh đốn, lấy đổi mới kinh tế làm trung tâm, xây dựng Đảng làm then chốt hướng tới giữ vững độc lập, tự chủ, mở cửa, là bạn với tất cả các nước trên thế giới, không ngừng nâng cao đời sống Nhân dân, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Khi công cuộc cải tổ ở Liên Xô thất bại, Liên Xô sắp tan rã, Mikhail Gorbachyov, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô lúc đó đã từng bước cấm Đảng hoạt động trong quân đội, trong công an và trong hệ thống cơ quan Nhà nước… thì ở Việt Nam, tháng 6/1991, Đảng ta thông qua “Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam” và “Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2000”; khẳng định lực lượng vũ trang được đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp, toàn diện và tuyệt đối của Đảng… Thực hiện Cương lĩnh và Chiến lược, hơn 10 năm sau đổi mới, đất nước thoát ra khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội để bước vào thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá và tiếp đó là thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá, phát triển kinh tế tri thức. Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI (tháng 1/2011), Đảng Cộng sản Việt Nam đã thông qua “Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ ở Việt Nam” - bổ sung và phát triển; “ Chiến lược Phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2020”…
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, với đường lối độc lập, tự chủ, đúng đắn, sáng tạo, đất nước đã ngày càng hội nhập sâu hơn với thế giới; kinh tế - xã hội phát triển chưa từng có so với quá trình phát triển của lịch sử dân tộc; độc lập dân tộc được giữ vững, thế và lực của đất nước ngày càng vững mạnh, uy tín của Việt Nam ngày càng cao trên trường quốc tế; đời sống Nhân dân ngày càng được nâng cao.
Khi bước vào đổi mới, thu nhập quốc dân Việt Nam tính trên đầu người chỉ đạt trên 90 USD/năm, nợ nước ngoài 13 tỷ rúp… đến năm 2015, thu nhập quốc dân đã đạt 200 tỷ USD, bình quân đầu người 2.109 USD/năm, đời sống văn hoá, xã hội không ngừng được đổi mới… Tuy vậy, nước ta vẫn đang trong tình trạng của một nước có thu nhập trung bình, còn nhiều thách thức to lớn trên con đường phát triển…
Những ngày này, toàn Đảng, toàn dân ta đang nỗ lực thi đua chào mừng Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng. Mỗi lần đại hội, Đảng đã phát triển thêm sự nhận thức của mình đối với quá trình phát triển của dân tộc và quốc tế, định ra đường lối cho một chặng đường mới để hướng tới mục tiêu xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội trên đất nước ta. Đại hội XII của Đảng sẽ tổng kết, đánh giá 30 năm tiến hành công cuộc đổi mới (1986-2016). “Nhìn tổng thể, qua 30 năm đổi mới, đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trên con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Đồng thời cũng còn nhiều vấn đề lớn, phức tạp, nhiều hạn chế, yếu kém cần tập trung giải quyết, khắc phục để đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững"(1). Để từ đó rút ra những bài học kinh nghiệm để tiếp tục xác định đường lối đúng đắn lãnh đạo đất nước và dân tộc, phát huy thuận lợi, thời cơ, hạn chế nguy cơ, thách thức để đưa đất nước thực sự đẩy nhanh sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá, phát triển kinh tế theo chiều sâu; kiên quyết giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, đặc biệt là độc lập, chủ quyền của dân tộc trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, giải quyết các mâu thuẫn, tranh chấp bằng thương lượng hoà bình, tránh đối đầu.
Trong xây dựng chủ nghĩa xã hội, Đảng ta luôn chú trọng vấn đề con người; con người vừa là chủ thể, vừa là động lực xây dựng đất nước. Vấn đề xây dựng con người Việt Nam, giữ vững bản sắc văn hoá Việt Nam, đủ đức, đủ tài để xây dựng đất nước trong tiến trình hội nhập là một trong những vấn đề then chốt. Một trong những nội dung cốt tử mà toàn dân trông đợi đó là vấn đề xây dựng Đảng, trong đó có cuộc chiến chống tham nhũng, quan liêu, suy thoái đạo đức và lối sống trong một bộ phận cán bộ, đảng viên. Có thắng trong cuộc đấu tranh này, Đảng mới thật sự là một Đảng chân chính cách mạng chịu trách nhiệm trước Nhân dân, được Nhân dân tin yêu, mới luôn luôn xứng đáng là người lãnh đạo của Nhân dân, đất nước và dân tộc.
Toàn dân tin ở Đại hội XII của Đảng sẽ bầu ra một Ban Chấp hành và những chức danh lãnh đạo chủ chốt thật sự là ngọn cờ tiêu biểu về trí tuệ và phẩm chất, “đứng mũi, chịu sào”, thay mặt cho Đảng, cho dân, cho đất nước chỉ đạo giải quyết và giải quyết những vấn đề mang tính dân tộc và quốc tế, những quyết sách trong xây dựng Đảng thật sự trong sạch, vững mạnh.
Đảng Cộng sản Việt Nam mãi mãi là niềm tin của cả dân tộc. Toàn dân ta đều trông mong ở những quyết sách đúng đắn của Đảng sẽ đưa đất nước ta sánh vai cùng với các cường quốc năm châu, như điều Bác Hồ kính yêu đã hằng mong./.
(1) Đảng Cộng sản Việt Nam - Văn kiện Đại hội XII (dự thảo), HN 2015, trang 12.
Nguyễn Thế Cường