(CMO) Phát huy truyền thống cách mạng của quê hương, người dân xã Trần Hợi (huyện Trần Văn Thời) tiếp tục đoàn kết, khắc phục khó khăn, từng bước vươn lên. Nhân dân tin tưởng vào sự lãnh đạo của Ðảng, ra sức thi đua lao động, sản xuất. Vùng quê nghèo trong chiến tranh nay đã thay da đổi thịt, đời sống người dân có nhiều khởi sắc.
Ông Nguyễn Hữu Khải, Phó chủ tịch UBND xã Trần Hợi, cho biết: “Nói đến sự góp sức xây dựng quê hương, hàn gắn vết thương chiến tranh, đẩy lùi nghèo đói thì không thể quên sự kề vai chung sức, đoàn kết vươn lên của bà con dân tộc thiểu số ở đây. Xã Trần Hợi có 6 dân tộc cùng sinh sống, trong đó có 5 dân tộc thiểu số là Khmer, Hoa, Tày, Mường và Thổ, cùng cư trú đan xen trên khắp địa bàn xã. Ðông nhất là dân tộc Khmer với 207 hộ, 785 khẩu".
Ðời sống bà con dân tộc Khmer ở tuyến kênh Kiểm Lâm thay đổi nhiều so với trước, nhà cửa khang trang.
Hàng năm, cùng với phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng nông thôn, chính quyền xã quan tâm, giúp đỡ, kịp thời đưa các chính sách dân tộc đến với Nhân dân, tạo điều kiện cho đồng bào phát triển cuộc sống như hỗ trợ nhà ở, giới thiệu việc làm để tăng thu nhập, giảm hộ nghèo. Thế mạnh của xã là sản xuất nông nghiệp, trồng lúa 2 vụ, bà con kết hợp nuôi cá đồng, trồng hoa màu, cây ăn trái, làm thuê thời vụ… “Sản xuất thuận lợi, cùng với đó là bà con đã thay đổi nếp nghĩ, cách làm, xoá dần các hủ tục, tập quán lạc hậu, từ đó cuộc sống ngày càng khấm khá. Ngoài ra, công tác an sinh xã hội, chăm lo, giúp đỡ cho đồng bào luôn được chính quyền xã quan tâm chỉ đạo thực hiện tốt. Hiện nay toàn xã chỉ còn 14 hộ nghèo người dân tộc”, ông Khải cho biết thêm.
Ông Lâm Sô Ni Da, Ấp 6, bộc bạch: “Ði đôi với việc phát triển kinh tế, gia đình tôi và bà con ở đây tích cực thực hiện các hoạt động địa phương phát động như: xây dựng nông thôn mới, giữ gìn an ninh trật tự, xây dựng gia đình văn hoá, nuôi dạy con cháu thảo hiền... Mình là người con của mảnh đất này, nên sống phải có tâm với hàng xóm láng giềng, phải có đóng góp cho quê hương, xứ sở”.
Gia đình chị Lý Thị Lê (bên phải), dân tộc Khmer, được cấp đất ở trong tuyến kênh Kiểm Lâm. Chị tận dụng đất trống quanh nhà trồng thêm hoa màu cải thiện bữa ăn và kiếm thêm thu nhập.
Bà Nguyễn Ánh Nguyệt, Trưởng ấp 6, cho biết: “Ấp 6 là ấp có đông đồng bào dân Khmer sinh sống, hơn 30 hộ. Cách đây khoảng 5 năm, đời sống bà con rất khó khăn, chỉ có đất ở, không đất sản xuất, làm thuê kiếm sống qua ngày, trẻ em thì mù chữ, thất học. Giờ đây, với tinh thần không ngại khó ngại khổ, quyết tâm chiến thắng cái nghèo, bà con siêng năng lao động, chịu khó, biết tích luỹ, tiết kiệm chi tiêu nên hầu hết đã thoát nghèo, nhà cửa kiên cố, có của để dành. Khi cuộc sống đã ổn định, bà con nêu cao tinh thần tương thân tương ái. Ai có có tiền góp tiền, ai có sức góp sức, tất cả đoàn kết, đồng lòng xây dựng quê hương”.
Trong thời gian qua, trên địa bàn xã công tác giáo dục được quan tâm, từ đó cơ sở vật chất trường lớp được đầu tư, nâng cấp, con em trong đồng bào DTTS có điều kiện học tập tốt.
Quê hương anh hùng Trần Hợi hôm nay khoác lên mình chiếc áo mới, xoá dần vết tích chiến tranh. Cuộc sống ấm no đang hiện hữu trên vùng đất nghèo khó năm nào. Tất cả khẳng định sự đúng đắn trong đường lối lãnh đạo của Ðảng, tô thắm thêm truyền thống của quê hương anh hùng. Bà con dân tộc thiểu số đều cảm thấy hân hoan khi công sức bấy lâu gây dựng quê hương được trân trọng tiếp nối và gìn giữ./.
Quỳnh Anh