(CMO) Có lần về xã Tân Hải, huyện Phú Tân, chúng tôi được tiếp chuyện với ông Nguyễn Minh Trọn (Hai Trọn), nguyên Phó trưởng ban Tuyên giáo Huyện uỷ Phú Tân, nhớ hoài lời ông nói: “Muốn biết một địa phương phát triển tới đâu, cứ về nông thôn mà nghe ngóng. Muốn biết cán bộ có tốt, có năng lực, có sâu sát với dân hay không, cứ về nghe bà con nông dân đánh giá”.
Càng ngẫm càng thấy đúng và trúng. Nhớ thời muốn đi từ Cà Mau về Phú Tân, chạy lộ lót đất đỏ, gặp trời mưa thì mình mẩy cũng đỏ như tôm luộc. Nơi đây, thời kháng Mỹ được coi là đất chết với “lò sát sanh” Hải Yến - Bình Hưng. Còn bây giờ, về Phú Tân, đâu đâu cũng xóm làng trù phú, đường sá thênh thang, xe bon bon chạy.
Từ không thành có
Từ một huyện nghèo, vươn lên trở thành điểm sáng trong phát triển kinh tế - xã hội của toàn tỉnh Cà Mau, Phú Tân đã có một hành trình vất vả nhưng kết quả rất đỗi tự hào. Phó chủ tịch UBND huyện Phú Tân Trần Minh Huyện cho biết: “Hiện địa phương có 4/8 xã đã về đích NTM, trong đó, Tân Hải đang phấn đấu đạt chuẩn xã NTM nâng cao. Từ khoảng năm 2010, Phú Tân đã có những đột phá hết sức mạnh mẽ và toàn diện. Đáng tự hào nhất là diện mạo nông thôn, đời sống người nông dân không ngừng khởi sắc”.
Nông thôn Phú Tân ngày càng thay da đổi thịt, diện mạo tươi mới, phấn đấu đạt huyện nông thôn mới trong tương lai gần. |
Gặp chúng tôi, Bí thư Đảng uỷ xã Tân Hải Trần Minh Nguyên mở lời: “Bây giờ Tân Hải từ không thành có, cái quý giá nhất chúng tôi đang có là lòng tin, sự đồng thuận của Nhân dân”. Qua rồi cái thời nhắc tới Tân Hải là nhắc tới “xã 5 không”, Tân Hải hôm nay trở thành ngọn cờ đầu của huyện Phú Tân trong xây dựng NTM.
Phó chủ tịch UBND xã Tân Hải Võ Hồng Hoài thông tin: “Hiện xã đã đạt 8/13 theo bộ tiêu chí NTM nâng cao. Các tiêu chí chưa đạt đang được toàn Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân dồn sức cải thiện”. Quyết tâm của Tân Hải là chứng minh rằng, ngay cả xuất phát điểm dù có khó khăn như thế nào, nếu kết nối được sức mạnh của ý Đảng - lòng Dân thì mục tiêu nào cũng có thể thực hiện được.
Đường về cửa biển Công Nghiệp, thuộc ấp Công Nghiệp, xã Tân Hải khiến bất cứ ai cũng phải trầm trồ khen ngợi. Không chỉ nhà cửa đàng hoàng, đường sá thuận tiện, mà dọc dài những xóm làng, sắc hoa rực rỡ, hàng rào cây xanh rợp mát, được cắt tỉa chỉn chu. Bí thư Chi bộ ấp Công Nghiệp Lê Thanh Vũ bộc bạch: “Xứ này hồi trước khổ lắm, dân đủ ăn là mừng. Bây giờ, số hộ nghèo của toàn ấp chỉ còn 11 hộ, đời sống Nhân dân được nâng cao về mọi mặt. Bà con ấp Công Nghiệp, nhất là những người lớn tuổi vẫn hay nói với nhau, cuộc sống này là ước mơ của biết bao nhiêu lớp người ngày trước”.
Sẵn chuyến về Tân Hải, chúng tôi ghé thăm ông Nguyễn Minh Trọn, người luôn theo sát bước phát triển của quê hương. Lần này, ông tâm sự: “Sát thềm Đại hội XIV của huyện rồi, thành tựu nhiệm kỳ thì báo cáo nói rõ hết. Cái quan trọng hơn những số liệu là thực tiễn sinh động của nông thôn Tân Hải nói riêng, của cả huyện nói chung. Tôi rất mừng vì thấy khắp làng quê Phú Tân giờ không chỉ khá lên mà còn đẹp lên nữa. Nông dân Phú Tân qua rồi thời gian khó, giờ cũng mạnh dạn đặt những mục tiêu lớn để làm giàu cho bản thân và quê hương”.
Điều ông Hai Trọn tâm đắc nhất vẫn là cách người dân nghĩ về cán bộ: “Thấy bà con khen cán bộ là tôi mừng lắm. Nơi nào dân tin, dân nghe, dân làm theo cán bộ thì nơi ấy mới phát triển và phát triển bền vững. NTM thì cán bộ cũng phải mới, nông dân cũng phải mới, mới theo hướng tích cực và phải chung sức, đồng lòng vì lợi ích chung”.
Mục tiêu huyện NTM
Cách xây dựng NTM của Phú Tân có những điều thú vị, có thể là gợi ý bổ ích đối với bất cứ địa phương nào. Trưởng phòng NN&PTNT huyện Phú Tân Phạm Văn Den thông tin: “8 xã của Phú Tân đạt 132 tiêu chí NTM, trong đó có 4 xã được công nhận đạt chuẩn, 3 xã đã chạm ngưỡng hoàn thành, 1 xã còn lại cũng đạt 11/19 tiêu chí”. Như vậy, so với mặt bằng chung của các địa phương khác, Phú Tân đang có những thuận lợi nhất định để tiến đến mục tiêu xây dựng huyện NTM.
Lão nông Dương Thành Nhỏ, ấp Đất Sét, xã Phú Thuận, người làm giàu từ nghề rẫy, chăn nuôi trên đất mặn Phú Tân. |
Ông Trần Minh Huyện chia sẻ: “Cách làm của Phú Tân là làm tới đâu chắc tới đó. NTM là phải huy động tất cả các nguồn lực của toàn hệ thống chính trị, lấy người dân làm hạt nhân. Cán bộ từ trưởng, phó phòng trở lên đều tham gia các tổ hỗ trợ xã xây dựng NTM. Cán bộ được phân công phải về xã, ấp ít nhất 2 lần/tuần. Tổ chức các cuộc họp rút kinh nghiệm hàng tuần tại các xã để tháo gỡ vướng mắc tại chỗ. Lãnh đạo huyện họp với cơ sở định kỳ theo quý, cái gì vướng mắc thuộc thẩm quyền của huyện phải giải quyết ngay, triệt để”.
Về Phú Thuận, xã đang ráo riết về đích NTM, Chủ tịch UBND xã Phú Thuận Hồ Hỡi phấn khởi: “Có sự quan tâm lớn của UBND huyện, Phú Thuận cơ bản hoàn thành 19/19 tiêu chí xây dựng NTM”. Từ một xã bị chia cách đò giang, Phú Thuận giờ là hình mẫu trong phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng nông thôn và phát triển đời sống Nhân dân. Phú Thuận hiện chỉ còn 1,5% hộ nghèo, thu nhập bình quân đầu người vượt mốc 50 triệu đồng.
Thương binh 4/4 Cao Hữu Thạo, ấp Giáp Nước, xã Phú Thuận, một trong những chứng nhân còn lại của sự kiện thành lập Mặt trận Dân tộc giải phóng tỉnh Cà Mau (ngày 20/11/1961) nhắc mãi chuyện làng quê khởi sắc: “Tụi bây coi, xưa khổ quá trời, mà giờ ngon lành vậy, tao còn sống tới giờ thiệt là không uổng”. Lớp người tuổi như ông Thạo đã thưa vắng nhiều, cái nhìn của các bậc cao niên bao hàm cả sự đối sánh giữa quá khứ - hiện tại và ẩn sâu trong đó là niềm vui to lớn khi thấy quê hương ngày càng giàu đẹp.
Chuyến về Phú Tân lần này đúng hạn “bà chằn”, nắng đổ lửa. Nhưng cái tươi mới và xanh mát của làng quê, cùng những nụ cười thường trực trên môi người nông dân nơi đây đã cho chúng tôi cảm nhận rất riêng, rất rõ ràng về đà phát triển của địa phương này. Nếu muốn biết NTM Phú Tân, đời sống mới của người dân Phú Tân ra sao, một vài câu chuyện không làm sao gói trọn hết được. Hãy về nơi đây để cảm, để thấy và để hoà chung niềm vui với nhịp đất, bước tiến của con người trong hành trình xây dựng quê hương. Một ngày rất gần thôi, Phú Tân sẽ về đích huyện NTM. Câu chuyện ấy ngỡ là cổ tích, nhưng đầy đủ điều kiện và niềm tin để trở thành hiện thực./.
Những điểm nhấn về kết cấu hạ tầng của huyện Phú Tân: 8/8 xã có đường ô-tô về đến trung tâm; lộ bê-tông có hơn 35 km, lộ đất đen gần 49 km; kè chống sạt lở gần 30 km gồm kè bê-tông và kè cây gỗ; gần 15 km trồng cây chống xói lở ven sông; hộ nghèo còn 1,97%. Nhiệm kỳ 2020-2025, Đảng bộ huyện Phú Tân đưa vào nghị quyết mục tiêu xây dựng huyện đạt chuẩn NTM. |
Phạm Quốc Rin