ĐT: 0939.923988
Chủ nhật, 4-5-25 00:59:34
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Sức vóc mới xã ven đô

Báo Cà Mau (CMO) Tắc Vân, Hoà Thành, Ðịnh Bình, Tân Thành, Lý Văn Lâm, An Xuyên và Hoà Tân từng là 7 xã nông thôn thuần tuý luôn đối mặt với vô số khó khăn. Qua nhiều giai đoạn “chuyển mình” lên xã nông thôn mới (NTM), các xã đã hình thành sức vóc mới.

Ðột phá từ đường hướng đúng

"Lý Văn Lâm là xã có xuất phát điểm thấp, tỷ lệ hộ nghèo cao. Với quyết tâm phát huy tiềm năng đất đai, khuyến khích nông dân làm giàu trên chính mảnh đất quê hương, Ðảng bộ, chính quyền xã Lý Văn Lâm đã chọn kinh tế nông nghiệp làm đòn bẩy để phát triển. Một trong những động thái tích cực là xã xây dựng mô hình sản xuất lúa - tôm tại ấp Ông Muộn theo chuỗi giá trị, an toàn, hữu cơ", ông Trần Quyết Toán, Phó chủ tịch UBND xã Lý Văn Lâm, chia sẻ.

Việc xây dựng mô hình trên còn là nhiệm vụ đột phá trong sản xuất nông nghiệp năm 2011 của TP Cà Mau. Việc thực hiện mô hình là bài toán vô cùng phức tạp với những ẩn số thách thức, vì nông dân đã quen cách sản xuất truyền thống, độc canh con tôm, đất thì nhiễm phèn mặn… Ðể tìm đáp án cho bài toán, Ðảng uỷ, UBND xã chỉ đạo hội nông dân, các ngành, đoàn thể tuyên truyền, vận động người dân thực hiện mô hình lúa - tôm kết hợp; phối hợp cùng ngành chuyên môn hỗ trợ khoa học - kỹ thuật; áp dụng cơ giới hoá trong sản xuất; thành lập hợp tác xã để bao tiêu sản phẩm, tạo niềm tin cho nông dân.

Ông Nguyễn Văn Toàn, Bí thư Chi bộ ấp Ông Muộn, người tiên phong thực hiện mô hình trồng lúa trên đất nuôi tôm, bộc bạch: “Một số địa phương giáp ranh với ấp Ông Muộn nước nhiễm mặn nhưng biết cải tạo, kết hợp trồng lúa mà nuôi tôm trúng. Người ta làm được, mình phải làm được”.

Ông Nguyễn Thanh Hợp, ấp Ông Muộn, xã Lý Văn Lâm, thành công với mô hình lúa - tôm trên đồng đất gia đình.

Với quyết tâm này, ông Toàn không chỉ tiên phong thực hiện thành công mô hình mà còn phối hợp vận động được 135 hộ dân cùng tham gia canh tác 182 ha lúa - tôm theo quy trình VietGAP. Do lúa trồng trên đất nuôi tôm không sử dụng phân, thuốc, rất an toàn nên được Hợp tác xã Dịch vụ Nông nghiệp thuỷ sản Ông Muộn thu mua. Lúa sau thu mua được chế biến và đóng gói theo quy trình khép kín cho ra gạo hữu cơ, gạo sạch Ông Muộn cung cấp toàn quốc. Hiện gạo sạch Ông Muộn, xã Lý Văn Lâm được công nhận sản phẩm OCOP.

Lão nông Huỳnh Văn Lức, ấp Ông Muộn, người có thâm niên hơn 11 năm trồng lúa trên đất nuôi tôm, so sánh: “Nhà tôi nuôi tôm trên 5.000 m2, trong 6 tháng thu hoạch 70-80 triệu đồng. Trồng 1 vụ lúa trên cùng diện tích đất nuôi tôm sẽ giúp tôi tăng thu 30-40 triệu đồng/năm. Cách làm này vừa tôm trúng, lúa trúng, lại có gạo sạch để ăn”.

Từ xã có tỷ lệ hộ nghèo cao, nhưng bằng sự linh động trong chỉ đạo, sự đồng thuận, chung tay của người dân đã làm thay đổi diện mạo quê hương. Hiện toàn xã chỉ còn 6 hộ nghèo, chiếm 0,1% (thấp nhất so với 6 xã còn lại của thành phố). Ðời sống, thu nhập người dân đạt gần 62 triệu đồng/năm, đây là nền tảng cơ bản tạo đà để Lý Văn Lâm xây dựng xã NTM nâng cao và NTM kiểu mẫu thành công trong tương lai.

Ðộng lực từ hạ tầng

Khi mới chia tách và thành lập lại (năm 2009), xã Tân Thành ưu tiên phát triển kết cấu hạ tầng giao thông nông thôn, xem đây là khâu đột phá, thúc đẩy sự phát triển kinh tế, xã hội địa phương.

Lãnh đạo xã Tân Thành tham quan mô hình trồng dưa lưới công nghệ cao của nông dân Trần Văn Thiệu.

 

Ông Trần Quang Thum, Bí thư Ðảng uỷ xã Tân Thành, cho biết: “Ðẩy mạnh phong trào xây dựng giao thông nông thôn gắn với thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế, địa phương luôn thực hiện công khai, minh bạch công tác quy hoạch, chú trọng khâu tuyên truyền, huy động sức dân cùng tham gia xây dựng, giám sát việc thi công các tuyến lộ chính, kể cả các tuyến xóm nhánh”.

Nhận thấy lợi ích thiết thực từ cầu, lộ nông thôn mang lại, người dân xã Tân Thành tự nguyện đóng góp hàng chục ngàn mét vuông đất, hàng chục tỷ đồng, sẵn sàng tháo dỡ công trình, kiến trúc, hoa kiểng, cây trái trước nhà để xây dựng đường giao thông. Cách làm này đã tiết kiệm ngân sách cho địa phương rất lớn.

Hầu hết các tuyến đường trên địa bàn xã Tân Thành được xây dựng và quản lý đúng quy hoạch. Nhân dân tự ý thức trồng, chăm sóc hoa kiểng, cây xanh đảm bảo môi trường xanh - sạch - đẹp.

Chung niềm tin nên anh Hồ Chí Nguyện cùng 17 hộ dân sinh sống trên tuyến lộ kinh Bà Bèo, thuộc Ấp 2, xã Tân Thành không chỉ tự nguyện hiến đất, san lấp mặt bằng mà còn đóng góp thêm 30% chi phí, tương đương 100 triệu đồng để hoàn thành tuyến lộ kinh Bà Bèo có chiều dài hơn 700 m khang trang, sạch đẹp.

Nhờ những người như anh Hồ Chí Nguyện nên từ địa phương chỉ duy nhất tuyến lộ chính (khoảng 6 km) nối từ phường Tân Thành đến giáp ranh xã Tắc Vân được bê-tông vào năm 2009, đến nay, toàn xã Tân Thành có hơn 23 km lộ ở các tuyến được bê-tông, bề mặt lộ rộng từ 2,5-3 m, có bố trí bãi tránh xe phù hợp, cầu trên tuyến đảm bảo ô-tô đi lại được. Hơn 55 km lộ xóm nhánh được cứng hoá đảm bảo lưu thông cả 2 mùa mưa nắng. Ðường thuỷ đảm bảo thuận lợi, thông thoáng phục vụ đi lại của Nhân dân.

Ngoài đẩy mạnh phát triển giao thông nông thôn, các chính sách hỗ trợ vốn, nước sinh hoạt, điện, bảo hiểm y tế cho hộ nghèo và hộ cận nghèo, hỗ trợ khoa học - kỹ thuật… đã mang lại hiệu quả và những lợi ích thiết thực cho người dân. Ðồng thời, những chính sách trên còn tạo điều kiện để Nhân dân trên địa bàn phát triển sản xuất kinh doanh, chuyển dịch cơ cấu kinh tế với các mô hình nông nghiệp công nghệ cao như: trồng dưa lưới nhà kính; nuôi tôm siêu thâm canh; cá chình, cá bống tượng xuất khẩu... Kinh tế phát triển, hộ nghèo giảm, hộ giàu tăng. Ðiển hình là năm 2009, toàn xã Tân Thành còn 44 hộ nghèo, 66 cận nghèo thì đến nay toàn xã còn 13 hộ nghèo và 25 hộ cận nghèo.

Coi việc phát triển kết cấu hạ tầng giao thông là đòn bẩy để thu hút đầu tư, phát triển nền nông nghiệp theo hướng hiện đại hoá, xã Tân Thành nói riêng và các xã vùng ven TP Cà Mau đã dần hiện hữu vóc dáng mới của một vùng nông thôn không chỉ văn minh mà còn trù phú./.

 

Bích Lệ

 

Chuyến xe thiện nguyện

“Chị không mê gì, chỉ mê làm từ thiện. Có phước là có tiền, nhưng có tiền phải song hành với phước”, chị Trần Ngọc Vẹn, thành viên cốt cán của Nhóm thiện nguyện Ánh Ðạo Sông Ðốc (huyện Trần Văn Thời), chia sẻ với chúng tôi khi bắt đầu câu chuyện về hành trình thiện nguyện của nhóm và những chuyến xe cứu thương cứu sống bao nhiêu con người khốn khó.

Tận tâm vì chị em

Với vai trò và tinh thần trách nhiệm, đặc biệt là bằng tấm lòng, nhiều cán bộ Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) của TP Cà Mau đã tận tâm cống hiến cho công tác hội, vì sự phát triển của phụ nữ, cũng như tích cực các hoạt động an sinh xã hội, hướng đến chăm lo cho phụ nữ hoàn cảnh khó khăn.

Liên đội trưởng Cháu ngoan Bác Hồ

Em Nguyễn Phương Nhã, học sinh Lớp 5A, Liên đội trưởng Trường Tiểu học Thái Văn Lung, thị trấn U Minh, huyện U Minh, là một trong những tấm gương tiêu biểu về thành tích xuất sắc trong học tập và hoạt động Ðội.

Xoá nhà tạm, dột nát ở huyện Trần Văn Thời đạt gần 95%

Đến thời điểm này, toàn huyện đã khởi công 561/561 hộ, đạt 100 %, đã hoàn thành 529 hộ, đạt 94,29 %. Đó là kết quả đáng phấn khởi của huyện Trần Văn Thời sau thời gian quyết liệt triển khai đề án xoá nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh Cà Mau theo chủ trương của Trung ương, địa phương.

Trung tâm Bảo đảm Kỹ thuật – Hậu cần trao tặng 100 bình lọc nước cho người dân

Ngày 29/4, tại xã Hàng Vịnh, huyện Năm Căn, Trung tâm Bảo đảm Kỹ thuật - Hậu cần, Bộ Tư lệnh Vùng 5 Hải quân tổ chức trao tặng 100 bình lọc nước cho các hộ dân có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn.

Giáo dục Cà Mau trưởng thành từ gian khó

Những năm đầu sau giải phóng, ngành giáo dục Cà Mau đối mặt với muôn vàn thiếu thốn: cơ sở vật chất tạm bợ, phòng học tranh tre, giáo cụ gần như không có, sách vở khan hiếm; đội ngũ giáo viên vừa thiếu về số lượng, vừa hạn chế về chuyên môn. Với tinh thần “Tất cả vì sự nghiệp trồng người”, cán bộ quản lý và giáo viên toàn tỉnh đã không ngừng nỗ lực, bám trụ với nghề bằng sự kiên trì, tâm huyết và niềm tin vào tương lai con em quê hương.

Ðảm bảo nước sạch sinh hoạt

Cà Mau là tỉnh duy nhất trong khu vực không có nguồn nước ngọt bổ sung từ hệ thống sông Mê Kông. Do đó, những năm qua, bước vào mùa khô, một số khu vực trong tỉnh bị thiếu nước và khó khăn trong tiếp cận nguồn nước sinh hoạt.

Trách nhiệm với quê hương

Sinh ra và lớn lên trong thời bình, đặc biệt là những người sinh ra đúng năm 1975 lịch sử, hơn ai hết, họ ý thức được trách nhiệm kiến thiết, xây dựng đất nước khi được sống trong nền hoà bình, được tạo nên từ sự cống hiến, hy sinh của các thế hệ cha, anh đi trước.

Tận lực chăm sóc sức khoẻ Nhân dân

Cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà, cũng như ngành y cả nước, hệ thống y tế Cà Mau qua từng năm đã có những bước phát triển nổi bật. Nhiều cơ sở y tế tại địa phương đã làm chủ những kỹ thuật chuyên sâu; y tế cơ sở, y tế cộng đồng không ngừng được chú trọng đầu tư, góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc sức khoẻ Nhân dân, đáp ứng nhu cầu tiếp cận dịch vụ y yế ngày càng cao của người dân.

Trường THPT Tắc Vân đoạt giải Nhất Liên hoan tuyên truyền, giới thiệu sách "Bản hùng ca đất nước"

Chiều nay (26/4), Lễ bế mạc và trao giải Liên hoan tuyên truyền, giới thiệu sách kỷ niệm 50 năm đại thắng mùa xuân năm 1975 (30/4/1975-30/4/2025) diễn ra tại Thư viện tỉnh Cà Mau. Liên hoan do Sở Văn hoá - Thể thao và Du lịch phối hợp Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp tổ chức.