Là ngôi trường vùng sâu, cách xa trung tâm huyện Đầm Dơi, gặp nhiều khó khăn nhưng Trường THCS Quách Văn Phẩm, xã Quách Văn Phẩm luôn là đơn vị tiêu biểu dẫn đầu trong huyện. Năm 2010, trường được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen về những thành tích đạt được trong sự nghiệp “trồng người”.
Là ngôi trường vùng sâu, cách xa trung tâm huyện Đầm Dơi, gặp nhiều khó khăn nhưng Trường THCS Quách Văn Phẩm, xã Quách Văn Phẩm luôn là đơn vị tiêu biểu dẫn đầu trong huyện. Năm 2010, trường được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen về những thành tích đạt được trong sự nghiệp “trồng người”. Năm 2013 được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Ba. Đạt chuẩn quốc gia năm 2011, trường là đơn vị đầu tiên trong tỉnh được Sở GD&ĐT công nhận hoàn thành kiểm định chất lượng giáo dục 5 năm.
“Hằng năm, đa số học sinh trường sau khi tốt nghiệp THCS đều thi đỗ vào lớp 10 các trường trong tỉnh. Nhất là thời điểm từ năm 1995-2000, chất lượng thi tốt nghiệp gần như đứng đầu tỉnh, nhờ vậy mà ngôi trường làng này bắt đầu xây dựng được “thương hiệu”, được biết đến nhiều. Trong 5 năm gần đây, trung bình mỗi năm, trường có 8 em đỗ vào trường chuyên của tỉnh. Năm học 2013-2014, có 12 em đỗ vào trường chuyên, trong đó, có 1 em đỗ đầu lớp chuyên Hoá, 1 em đỗ thứ hai lớp chuyên Lý”, thầy Lê Văn Triều, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết.
Tiếp cận thông tin, bồi dưỡng kiến thức thông qua sách, báo là một trong những hoạt động được Trường THCS Quách Văn Phẩm quan tâm, nhằm mang tính hỗ trợ để nâng cao chất lượng dạy học. |
Trên cơ sở chất lượng của công tác đào tạo đại trà ngày càng được nâng cao rõ rệt, Ban Giám hiệu nhà trường tiếp tục đi sâu vào công tác đào tạo mũi nhọn. Bảng thống kê số liệu các kỳ thi giáo viên giỏi (GVG), học sinh giỏi (HSG) cấp THCS toàn tỉnh, 15 năm học qua (kể từ năm học 2001-2002 đến nay), đã minh chứng rõ thành tích của trương mà không phải ngôi trường vùng sâu nào cũng làm được. Trường THCS Quách Văn Phẩm trở thành một trong những đơn vị có thành tích xuất sắc về phong trào HSG trong huyện, tỉnh khi HSG cấp huyện cả về văn hoá và phong trào có đến 522 em, có 180 HSG cấp tỉnh. Trường có 56 giáo viên đạt GVG cấp huyện và 6 giáo viên đạt GVG cấp tỉnh. HSG cấp huyện cả về văn hoá và phong trào có đến 522 em, có 180 HSG cấp tỉnh.
Riêng năm học 2014-2015, ngôi trường này có 72 em đạt giải HSG cấp huyện, 26 HSG cấp tỉnh, đặc biệt, có 2 em đạt giải cấp quốc gia về HSG giải Toán qua mạng internet. Năm học 2015-2016, sắp kết thúc, nhà trường tiếp tục giữ thành tích với 69 HSG cấp huyện, 24 HSG cấp tỉnh và có 1 em đạt giải cấp quốc gia trong cuộc thi Sáng tạo Khoa học - Kỹ thuật dành cho học sinh trung học do Bộ GD&ĐT tổ chức.
Thực hiện đồng bộ
Theo thầy Triều, “bí quyết” để đạt được những thành công trên chính là phát động và duy trì tốt phong trào thi đua “dạy tốt, học tốt”. Đây cũng chính là nền tảng để nâng cao chất lượng dạy học. Tuy nhiên, nếu chỉ biết quan tâm đến mỗi hoạt động dạy, học thì sẽ đơn điệu, kém hiệu quả. Do vậy, trường phải quan tâm đến nhiều hoạt động đồng bộ, mang tính hỗ trợ để hoạt động dạy tốt, học tốt mang lại hiệu quả cao hơn.
Song song, đó là chất lượng đội ngũ nhà giáo. Bởi, thực tế mỗi giáo viên đều có trình độ đạt chuẩn và trên chuẩn, nhưng trình độ chuyên môn không đồng đều nhau, vì vậy, công tác tổ chức bồi dưỡng phù hợp với đội ngũ thực tế hiện có là công việc trường phải tính toán.
“Những năm về trước, người dân trong xã cho rằng, cho con em ra học tại các trường huyện, tỉnh sẽ tốt hơn ở nơi xa xôi này. Chính những con số HSG các cấp và tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THCS đã tạo lập được sự tin tưởng, khẳng định trường là địa chỉ giáo dục uy tín. Và dù là trường làng nhưng chất lượng dạy và học không thua kém so với các trường thành thị”, cô Dương Bé Trâm, giáo viên nhà trường, tự hào.
Hiệu trưởng nhà trường Lê Văn Triều chia sẻ, có được những thành tích đáng mừng ấy, Ban Giám hiệu cùng toàn thể cán bộ, giáo viên luôn đoàn kết thống nhất xây dựng kỷ cương, nền nếp trong dạy và học để đặt nền móng cho sự phát triển lâu dài và ổn định. Dù ở thời điểm nào của năm học, nhiệm vụ duy trì và củng cố nền nếp dạy và học luôn được đặt lên hàng đầu. Từ nhận thức đó mà những năm qua, nhà trường tự hào vì sức vươn của một ngôi trường làng, xứng đáng được mang tên Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân Quách Văn Phẩm. |
16 năm gắn bó với ngôi trường này, ghi dấu nhiều xúc cảm về sức vươn lên của một ngôi trường vùng sâu, vùng xa, cô Trâm nhớ những ngày thầy trò phải giảng dạy và học tập trong điều kiện phòng ọp ẹp, bàn ghế liêu xiêu, dụng cụ dạy và học thứ thì thiếu, thứ thì phải sử dụng chung. Chính vì vậy, thời khắc nhà trường đón nhận bằng công nhận đạt chuẩn quốc gia, tập thể sư phạm nhà trường và các em cựu học sinh trường như vỡ oà trong niềm hạnh phúc.
“Như động lực phấn đấu, chúng tôi không ngừng nỗ lực nâng cao trình độ. Ban giám hiệu khuyến khích giáo viên soạn giáo án điện tử, sử dụng công nghệ thông tin trong soạn giảng. Đồng thời, bồi dưỡng cho tập thể cán bộ giáo viên thiết kế bài giảng điện tử, ra đề kiểm tra, tra cứu các tài liệu thông tin trên mạng, tham gia trao đổi “Trường học kết nối”. Ngoài ra, phát huy hiệu quả trang web trường để học sinh có thể tự học, thi giải Toán, tiếng Anh qua mạng. Cập nhật thông tin để phụ huynh theo dõi tình hình học tập của con em trên hệ thống”, cô Dương Bé Trâm chia sẻ.
Đã bước sang trung tuần tháng 4, thời điểm “nước rút” của năm học, điểm qua các chỉ tiêu tổng hợp của kế hoạch thực hiện nhiệm vụ năm học 2015-2016, thầy Lê Văn Triều tin tưởng, thông qua kết quả giảng dạy và học tập của hơn 30 tuần, trường sẽ đạt và vượt chỉ tiêu đề ra. Và danh hiệu "Tập thể lao động xuất sắc" là mục tiêu, là sự quyết tâm cao của Trường THCS Quách Văn Phẩm trong năm học này./.
Bài và ảnh: Băng Thanh