(CMO) Sau Tết Trung thu thì số lượng bánh, kẹo, các loại nước giải khát… sẽ cận hạn sử dụng hoặc hết hạn sử dụng dẫn đến tình trạng thực phẩm không đảm bảo chất lượng và tiềm ẩn nguy cơ ngộ độc thực phẩm là rất lớn. Để kiểm soát chất lượng thực phẩm, các cơ quan chức năng của tỉnh đã tăng cường công tác tuyên truyền, kiểm tra, kiểm soát để xử lý các trường hợp vi phạm quy định của pháp luật.
Là cơ sở sản xuất bánh lâu năm với thương hiệu quen thuộc đối với nhiều người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh, mỗi dịp đến Tết Trung thu, cơ sở sản xuất bánh Mã Thanh Thành, Khóm 1, Phường 4, TP Cà Mau sản xuất và cung ứng ra thị trường hàng ngàn chiếc bánh trung thu các loại với giá bán cũng rất đa dạng tùy loại. Để giữ được uy tín với khách hàng thì vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm luôn được cơ sở đặt lên hàng đầu. Ông Mã Khánh Xuyên, chủ cơ sở sản xuất bánh Mã Thanh Thành, cho biết: “So với năm trước, Tết Trung thu năm nay cơ sở sản xuất số lượng bánh nhiều hơn để phục vụ người dân. Cơ sở luôn đặt vấn đề an toàn thực phẩm lên hàng đầu. Được sự hướng dẫn, kiểm tra của ngành chức năng, chúng tôi chấp hành tốt các quy định như: lựa chọn nguyên liệu có nguồn gốc rõ ràng, quy trình sản xuất đảm bảo vệ sinh, khâu bảo quản và phân phối cho cơ sở kinh doanh được đảm bảo”.
Để đảm bảo an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng, Đoàn kiểm tra liên ngành cấp tỉnh đã và đang mở đợt cao điểm kiểm tra công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) dịp Tết Trung thu tại các địa phương trong tỉnh. Qua kiểm tra cho thấy, các cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm trên địa bàn so với những năm trước đã có ý thức, trách nhiệm hơn trong việc đảm bảo VSATTP trong sản xuất, kinh doanh bánh kẹo dịp Tết Trung thu.
Kiểm tra đảm bảo an toàn thực phẩm sau Tết Trung thu tại các cơ sở kinh doanh trên địa bàn TP Cà Mau. |
Chị Nguyễn Thị Mỹ Nhẫn, cửa hàng tạp hóa Tuyết Như 1, xã Lý Văn Lâm, TP Cà Mau, cho biết: “Chúng tôi kinh doanh các loại bánh trung thu có uy tín, chất lượng trên thị trường để phục vụ người tiêu dùng. Tôi quan tâm nhất là hạn sử dụng của các sản phẩm bánh cũng như cách bảo quản, làm sao đến tay người tiêu dùng tốt nhất. Sau Tết Trung thu, đối với những mặt hàng bánh cận hạn sử dụng hay hết hạn sử dụng, chúng tôi sẽ trả lại cơ sở sản xuất hoặc tiêu hủy”.
Ngoài thực hiện kiểm tra an toàn thực phẩm, trong thời gian qua, các địa phương còn tăng cường công tác truyền thông, giáo dục nâng cao nhận thức của cộng đồng về VSATTP, nghiêm cấm việc sử dụng chất bảo quản, phẩm màu độc hại trong sản xuất bánh; hướng dẫn người tiêu dùng lựa chọn các loại bánh kẹo an toàn, hợp vệ sinh. Điều này nhằm tạo sự chuyển biến trong nhận thức về VSATTP của người dân và chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh bánh kẹo.
Bác sĩ Nguyễn Văn Dũng, Giám đốc Sở Y tế, cho biết: “Để đảm bảo sức khỏe người dân dịp Tết Trung thu, đoàn kiểm tra liên ngành về an toàn thực phẩm của tỉnh và các huyện, thành phố ra quân kiểm tra quyết liệt, nhằm phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Đặc biệt là sau Tết Trung thu vấn đề an toàn thực phẩm càng được quan tâm, vì một số lượng bánh cận hạn sử dụng hay hết hạn sử dụng ngoài thị trường nếu không được kiểm tra, xử lý thì nguy cơ ngộ độc thực phẩm là rất lớn. Chúng tôi khuyến cáo người dân nên chọn mua và sử dụng thực phẩm rõ nguồn gốc, xuất xứ để đảm bảo cho sức khỏe”.
Trước, trong và sau Tết Trung thu, Đoàn kiểm tra liên ngành về an toàn thực phẩm của tỉnh đã kiểm tra hơn 30 cơ sở kinh doanh, mua bán thực phẩm, lấy 36 mẫu xét nghiệm và kết quả không ghi nhận sản phẩm vi phạm về an toàn thực phẩm.
Với sự nỗ lực vào cuộc của ngành chức năng cùng với việc nâng cao ý thức, trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh và của người tiêu dùng sẽ góp phần đảm bảo chất lượng an toàn thực phẩm, bảo vệ sức khỏe cho người dân./.
Minh Khang