Trong năm 2024, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội có nhiều kế hoạch đào tạo nghề cho thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an.
Đào tạo nghề cho thanh niên trên địa bàn tỉnh Cà Mau hoàn thành nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an, thanh niên tình nguyện hoàn thành nhiệm vụ thực hiện chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội để góp phần tạo việc làm, giảm tỷ lệ thất nghiệp, khuyến khích thanh niên tự khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh, ổn định đời sống, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Học viên là bộ đội, quân nhân xuất ngũ sẽ được học cùng các học viên khác. Chỉ cần đưa thẻ học nghề, họ sẽ được miễn phí học phí và các chi phí khác.
Năm 2024 dự kiến quân nhân xuất ngũ có hộ khẩu thường trú trên địa bàn tỉnh có thẻ học nghề là 905 người, kinh phí 13.037.405.000 đồng. Các ngành nghề được đào tạo sau khi xuất ngũ bao gồm: lái xe hạng B2; lái xe hạng C; sửa chữa thiết bị điện, điện lạnh; sửa chữa xe máy, ô tô; thợ hàn, tiện, cơ khí; sửa chữa, lắp ráp máy tính; sửa chữa điện thoại di động; công nghệ thông tin. Các quân nhân xuất ngũ thuộc Công an tỉnh sẽ được đào tạo các nghề gồm: lái xe hạng B2, lái xe hạng C, sửa chữa điện lạnh ô tô, kỹ thuật máy lạnh và điều hoà không khí.
Đa phần thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an đều có nguyện vọng học lái xe, vì nghề này dễ học và thời gian đào tạo ngắn. Sau khi thi lấy bằng, họ có thể lái xe công hoặc lái xe cho xác hãng taxi hoặc xe chất lượng cao. Anh Trần Quốc Huy, sinh năm 2003, xuất ngũ từ năm 2023, chia sẻ: “Tôi chọn nghề lái xe vì dễ học. Tôi được đơn vị cấp thẻ học nghề, chỉ cần đưa cho trung tâm đào tạo thì không cần học nghề. Tôi muốn sau khi ra nghề sẽ chạy xe dịch vụ. Bộ đội xuất ngũ học nghề lái xe nhiều lắm”.
Anh Trần Quốc Huy, sinh năm 2003, xuất ngũ từ năm 2023, chọn học lái xe vì thời gian đào tạo nhanh và dễ kiếm việc làm.
Tại Cà Mau, Công ty Khang Minh và Công ty Bình Minh đang là hai đơn vị phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đào tạo lái xe cho thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an. Đối tượng này mỗi năm đều tăng, cho thấy nhu cầu học và khả năng kiếm tiền từ công việc này khá khả thi.
Ông Trần Văn Tám, Phó giám đốc Công ty Cổ phần Khang Minh, kiêm Giám đốc Trung tâm Đào tạo và sát hạch lái xe Khang Minh, cho biết: “Năm 2023, chúng tôi nhận 550 học viên là bộ đội, quân nhân xuất ngũ. Chỉ tính từ tháng 1/2024 đến nay là gần 400 người. Học viên chỉ cần đưa thẻ đào tạo nghề là sẽ được hỗ trợ”.
Ngoài lái ở cabin, các học viên còn được thực hành ở xe hơi để làm quen địa hình.
Đào tạo trình độ sơ cấp và mức chi phí đào tạo nghề do UBND tỉnh phê duyệt theo Quyết định số 801/QĐ-UBND ngày 10/5/2019 về việc ban hành danh mục đào tạo nghề và mức chi hỗ trợ đào tạo nghề cho thanh niên và Quyết định 349/QĐ-UBND ngày 3/3/2023 về điều chỉnh mức chi hỗ trợ đào tạo nghề lái xe ô tô hạng B2 và lái xe ô tô hạng C cho thanh niên. Hỗ trợ tiền ăn, đi lại cho học viên thực hiện theo quy định tại Điểm b, c, Khoản 2, Điều 7 Thông tư số 152/2016/TT-BTC ngày 17/10/2016 của Bộ Tài chính quy định quản lý và sử dụng kinh phí hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng.
Thông tin từ Sở Lao động - Thương binh, Xã hội tỉnh Cà Mau, thẻ đào tạo nghề có giá trị tối đa bằng 12 tháng tiền lương cơ sở tại thời điểm đào tạo nghề và có giá trị sử dụng trong 1 năm kể từ ngày cấp. Ưu tiên các nội dung chi hỗ trợ đào tạo trong giá trị tối đa của thẻ, giá trị còn lại của thẻ (nếu có) chi hỗ trợ tiền ăn, tiền đi lại. Trường hợp tổng chi hỗ trợ đào tạo và chi hỗ trợ tiền ăn, tiền đi lại vượt quá giá trị tối đa của thẻ thì người học tự chi trả phần kinh phí chênh lệch cho cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Trường hợp tổng chi hỗ trợ đào tạo và chi hỗ trợ tiền ăn, tiền đi lại thấp hơn giá trị tối đa của thẻ thì ngân sách Nhà nước quyết toán số chi thực tế.
Lam Khánh