Phát biểu chỉ đạo tại Phiên họp lần thứ 8 Uỷ ban Quốc gia về Chuyển đổi số tổ chức trực tuyến toàn quốc ngày 24/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Uỷ ban Quốc gia về Chuyển đổi số đề nghị, thời gian tới cần tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của chuyển đổi số trong giai đoạn hiện nay và tương lai. Tăng cường tiềm lực cho hoạt động chuyển đổi số, xem đây là nhiệm vụ trong tâm. Cùng với đó là tăng cương hợp tác đầu tư, huy động mọi nguồn lực xã hội cho sự phát triển chuyển đổi số.
Cùng dự có Phó thủ tướng Trần Lưu Quang, Phó chủ tịch Thường trực Uỷ ban Quốc gia về Chuyển đổi số. Tại điểm cầu tỉnh Cà Mau, Phó bí thư Tỉnh uỷ Phạm Thành Ngại và Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh Luân cùng chủ trì.
Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Uỷ ban Quốc gia về Chuyển đổi số, lưu ý các Bộ, ngành, địa phương huy động mọi nguồn lực cho phát triển chuyển đổi số.
Báo cáo tại phiên họp, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, thời gian qua, công tác chuyển đổi số đạt được nhiều kết quả quan trọng, trong đó Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật quan trọng, tạo hành lang pháp lý thúc đẩy chuyển đổi số. Các bộ, ngành, địa phương đã ban hành nhiều văn bản quan trọng hỗ trợ thúc đẩy chuyển đổi số.
Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch hoạt động năm 2024 của Uỷ ban Quốc gia về chuyển đổi số; chủ trì họp tháo gỡ vướng mắc về bố trí, sử dụng kinh phí phục vụ triển khai Đề án 06/CP.
Đại biểu dự Phiên họp tại điểm cầu Cà Mau.
Cùng với đó, việc kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan Nhà nước phục vụ công tác điều hành, quản lý Nhà nước và cung cấp dịch vụ cho người dân, doanh nghiệp tiếp tục được các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh triển khai, khai thác tối đa giá trị của dữ liệu. Điển hình như cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã kết nối với 18 bộ, ngành (tăng 2 bộ so với năm 2023), 63 tỉnh, thành phố và 4 doanh nghiệp, đồng bộ thành công trên 268 triệu thông tin người dân; tiếp nhận hơn 1,5 tỷ yêu cầu xác thực thông tin (tăng 213 triệu so với năm 2023)...
Phiên họp cũng nhìn nhận trong hoạt động chuyển đổi số tuy ghi nhận nhiều chuyển biến tích cực, song thực tế vần còn nhiều tồn tại, hạn chế cần được khắc phục. Như trong xây dựng, hoàn thiện thể chế, một số nghị định hướng dẫn Luật đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao các bộ, ngành triển khai chậm. Có một số nhiệm vụ đã quá thời hạn, chưa được trình ban hành.
Xây dựng và phát triển nền tảng, hạ tầng số được Thủ tướng Chính phủ xác định là một trong 5 nhóm nhiệm vụ quan trọng trong phát triển chuyển đổi số giai đoạn hiện nay. (Ảnh chụp tại VNPT Cà Mau).
Việc rà soát, điều chỉnh các văn bản pháp lý để đơn giản hoá các chủ tục hành chính liên quan tới giải quyết giấy tờ công dân chậm triển khai. Việc này sẽ tác động tới thực hiện mục tiêu cắt giảm thủ tục hành chính, hồ sơ thủ tục hành chính được xử lý trực tuyến toàn trình theo Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 của Thủ tướng Chính phủ.
Tại các bộ, ngành, mô hình hoạt động của đơn vị chuyên trách công nghệ thông tin, chuyển đổi số chưa thống nhất, một số đơn vị gặp khó khăn trong công tác tham mưu, quản lý, tổ chức triển khai chuyển đổi số.
Bên cạnh đó, tỷ lệ hồ sơ nộp trực tuyến trên tổng số hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính còn thấp, chỉ khoảng 38,3%. Nhiều bộ, ngành, địa phương chưa ban hành danh mục cơ sở dữ liệu và danh mục dữ liệu mở. Theo thống kê hiện nay còn 23 bộ, ngành, địa phương chưa ban hành danh mục cơ sở dữ liệu và 35 bộ, ngành, địa phương chưa ban hành danh mục dữ liệu mở, còn tình trạng dữ liệu cá nhân bị khai thác, mua bán trái pháp luật...
“Để nâng cao tính hiệu quả của chuyển đổi số, nhiệm vụ quan trọng cần được thực hiện là phải đẩy mạnh hoàn thiện thể chế, phát triển nền tảng hạ tầng số, đổi mới, sáng tạo, phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển, đẩy mạnh an ninh an toàn mạng, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người dân và doanh nghiệp”, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Uỷ ban Quốc gia về chuyển đổi số, lưu ý./.
Văn Đum