Mục tiêu của xã hội hoá các phương tiện tránh thai (PTTT) chính là đẩy mạnh chương trình tiếp thị bao cao su, thuốc uống tránh thai thông qua mạng lưới cộng tác viên dân số nhằm tăng khả năng tiếp cận cũng như đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu PTTT có giá thành thấp, chất lượng tốt cho người dân.
Xã hội hoá PTTT cũng nhằm hướng tới sự công bằng trong dịch vụ chăm sóc sức khoẻ sinh sản/kế hoạch hoá gia đình, góp phần hoàn thành chương trình mục tiêu quốc gia Dân số và Phát triển trên địa bàn tỉnh Cà Mau từ nay đến năm 2030.
Đề án Xã hội hoá các PTTT, Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh Cà Mau đã triển khai, thực hiện trên địa bàn 9 huyện, TP Cà Mau và đến người dân hiểu và tham gia. Thông các hình thức xây dựng pa nô, tờ rơi tuyên truyền, tổ chức hội thảo nhằm cung cấp thông tin cho lãnh đạo cấp uỷ, chính quyền, đoàn thể về lợi ích, sự cần thiết của xã hội hoá PTTT. Đồng thời, cung cấp các sản phẩm truyền thông của đề án tạo thương hiệu và định hướng cho người dân có nhu cầu sử dụng dịch vụ tại các cơ sở. 9 tháng đầu năm 2024, thực hiện dịch vụ KHHGĐ/SKSS toàn tỉnh có gần 3.000 người được cung cấp dịch vụ miễn phí và trên 68.600 người thực hiện xã hội hoá.
Nhân viên y tế Trạm Y tế xã Tân Hưng Tây, huyện Phú Tân hướng dẫn người dân sử dụng thuốc uống tránh thai, một trong những dịch vụ xã hội hoá PTTT tại trạm.
Theo Bác sĩ Phùng Thị Hương, Trưởng phòng Dân số - Truyền thông Giáo dục sức khoẻ, Trung tâm Y tế TP Cà Mau, công tác truyền thông được xác định có vai trò vô cùng quan trọng để từng bước thay đổi nhận thức, hành vi của người dân trong việc sử dụng dịch vụ xã hội hoá các PTTT. Trung tâm Y tế TP Cà Mau thường xuyên tổ chức các buổi tập huấn nói chuyện chuyên đề, truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng, cấp phát tài liệu... đến tất cả 17 xã, phường người dân đã nhận thức sâu hơn, rộng hơn về sử dụng các biện pháp tránh thai an toàn.
“Có thể thấy, sau hơn 3 năm triển khai thực hiện Đề án “xã hội hoá cung cấp các PTTT, hàng hoá và dịch vụ KHHGĐ/SKSS”, người dân đồng thuận rất cao. Từ đầu năm đến nay, xã hội hoá các PTTT trên địa bàn TP Cà Mau được 15.224 chỉ tiêu, đạt 96,7%. Kết quả này ngày càng khẳng định các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ sinh sản/ kế hoạch hoá gia đình, cung cấp PTTT cho những cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ, vị thành niên, thanh niên, đối tượng chuẩn bị kết hôn ngày càng tăng về số lượng và chất lượng, từ đó chỉ tiêu về xã hội hoá các PTTT luôn đạt và vượt”, Bác sĩ Phùng Thị Hương cho biết.
Chị Phạm Thị Phương Th. ngụ Phường 7, TP Cà Mau chia sẻ, khi con trai thứ 2 được 6 tháng tuổi, để có điều kiện chăm sóc, nuôi dạy 2 các con thật tốt, vợ chồng chị chọn dùng thuốc uống hằng ngày để tránh thai. Theo chị Th, thông qua công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, người dân đã hiểu hơn về chăm sóc sức khoẻ sinh sản/ kế hoạch hoá gia đình, mỗi người có thể chọn cho mình một biện pháp tránh thai an toàn, phù hợp. Gần nhất là đến trạm y tế để được nhân viên y tế tư vấn và chọn lựa PTTT theo hình thức xã hội hoá phù hợp với sức khoẻ và kinh tế của mỗi gia đình. Với sự tiện ích này, bản thân tôi cũng đã chọn dùng thuốc tránh thai theo hình thức xã hội hoá, số tiền bỏ ra hằng tháng không là bao nhưng mình rất an tâm.
Tại các Trạm Y tế, người dân có thể đến để lựa chọn các biện pháp tránh thai phù hợp với sức khoẻ, kinh tế theo hình thức xã hội hoá PTTT. (Trong ảnh: Trạm Y tế Phường 7, TP Cà Mau cung cấp các biện pháp KHHGĐ theo hình thức xã hội hoá PTTT).
Bác sĩ Đỗ Chí Hiền, Phó chi cục trưởng Phụ trách Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh Cà Mau, thông tin, trong xu thế phát triển như hiện nay việc xã hội hoá PTTT và dịch vụ chăm sóc sức khoẻ sinh sản/ kế hoạch hoá gia đình được xem là nhu cầu thiết yếu. Bởi lẽ, hiện nay các đối tượng được Nhà nước cung cấp miễn phí các PTTT phi lâm sàng, lâm sàng đã giảm và chỉ tập trung cho các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ thuộc hộ nghèo, cận nghèo, người thuộc diện chính sách xã hội, vùng sâu, vùng xa, vùng kinh tế khó khăn. Đề án “xã hội hoá cung cấp các PTTT, hàng hoá và dịch vụ chăm sóc sức khoẻ sinh sản/ kế hoạch hoá gia đình” ra đời với mục tiêu đáp ứng nhu cầu ngày càng cao và đa dạng hoá về PTTT, hàng hoá và dịch vụ chăm sóc sức khoẻ sinh sản/ kế hoạch hoá gia đình có chất lượng cho người dân, hướng tới sự công bằng trong dịch vụ Dân số - Kế hoạch hoá gia đình, phù hợp với khả năng chi trả, đặc điểm kinh tế - xã hội của địa phương và tính bền vững của chương trình Dân số - Kế hoạch hoá gia đình. Do đó, việc tăng cường xã hội hoá các PTTT sẽ cung ứng đầy đủ PTTT cho người dân, tăng tỷ lệ người trong độ tuổi sinh đẻ sử dụng biện pháp tránh thai an toàn, hạn chế tình trạng nạo phá thai ngoài ý muốn.
Hiện nay, đề án đã được triển khai đến tất cả các địa phương thuộc 9/9 huyện, thành phố. Tuy nhiên, khó khăn khi triển khai Đề án “xã hội hoá cung cấp các PTTT, hàng hoá và dịch vụ chăm sóc sức khoẻ sinh sản/ kế hoạch hoá gia đình”, với các biện pháp tránh thai lâm sàng như: tiêm tránh thai, thuốc cấy tránh thai... ở một số địa phương chưa được mở rộng và chưa huy động được sự tham gia của cộng đồng. Việc truyền thông, quảng bá, giới thiệu sản phẩm xã hội hoá còn hạn chế do thiếu nguồn kinh phí.
Song song với tăng cường công tác tuyên truyền, vận động đưa Đề án “xã hội hoá cung cấp các PTTT, hàng hoá và dịch vụ chăm sóc sức khoẻ sinh sản/ kế hoạch hoá gia đình” một cách sâu rộng thì ngành Dân số - KHHGĐ tỉnh Cà Mau cần được tăng nguồn kinh phí hỗ trợ để lực lượng cộng tác viên, tình nguyện viên an tâm bám việc từ đó có thể để lan toả mục đích xã hội, nhân văn của đề án./.
Thanh Phương