Trong 2 năm (2023 và 2024), từ nguồn vốn Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), huyện Đầm Dơi đã giải quyết tình trạng thiếu đất ở cho 24 hộ, nhà ở 146 hộ, hỗ trợ chuyển đổi ngành nghề 74 hộ, hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán 412 hộ; Quy hoạch, sắp xếp, bố trí, ổn định dân cư ở những nơi cần thiết có 120 hộ thụ hưởng. Thông tin trên được UBND huyện báo cáo với Đoàn Giám sát Ban Văn hoá - Xã hội HĐND tỉnh Cà Mau tại buổi giám sát ngày 5/11.
Ông Nguyễn Phương Đông, Trưởng Ban Văn hoá – Xã hội HĐND tỉnh, Trưởng đoàn giám sát, cho biết, thông qua buổi giám sát, đoàn giám sát nắm về tình hình triển khai thực hiện các dự án thuộc chương trình, những thuận lợi, khó khăn.
Toàn huyện hiện có 43.703 hộ dân, với 176.054 nhân khẩu; có 9 thành phần dân tộc anh em cùng sinh sống; trong đó, đồng bào DTTS có 1.784 hộ với 8.143 khẩu, chiếm 4,08% số hộ dân toàn huyện.
Vùng DTTS của huyện có 3 xã khu III là Thanh Tùng, Ngọc Chánh, Quách Phẩm Bắc và 10 ấp đặc biệt khó khăn nằm ngoài xã khu vực III tại các xã: Nguyễn Huân, Tân Thuận, Trần Phán, Tân Duyệt, Quách Phẩm được thực hiện Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi.
Ông Trần Anh Chót, Phó chủ tịch UBND huyện Đầm Dơi, thông tin, chương trình được triển khai khá đồng bộ đã tạo cơ hội và điều kiện góp phần thúc thẩy phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao đời sống và vật chất tinh thần của Nhân dân nói chung và người dân vùng đồng bào dân tộc nói riêng trên địa bàn huyện.
Tổng nguồn vốn ngân sách Nhà nước đã bố trí để thực hiện chương trình từ năm 2023-2024 là 33.934 triệu đồng; trong đó, nguồn vốn năm 2023 là 20.992 triệu đồng, nguồn vốn năm 2024 là 12.942 triệu đồng. Đến thời điểm báo cáo đã giải ngân được 29.042 triệu đồng, đạt 85,58% so với kế hoạch vốn năm 2023 và năm 2024. Nguồn vốn còn lại 4.892 triệu đồng, dự kiến sẽ giải ngân hoàn thành trong năm 2024.
Cũng từ nguồn vốn trong năm 2023 và 2024, huyện Đầm Dơi đã hỗ trợ 25 dự án phát triển sản xuất đa dạng hoá sinh kế cộng đồng; đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào DTTS 22 công trình; chăm sóc sức khoẻ Nhân dân, nâng cao thể trạng, tầm vóc người DTTS; phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em.
Đoàn giám sát đi tìm hiểu thực tế các hộ dân được thụ hưởng nhà ở từ chương trình trên địa bàn xã Thanh Tùng.
Ông Trần Anh Chót, Phó chủ tịch UBND huyện Đầm Dơi, cho biết: “Chương trình được triển khai khá đồng bộ đã tạo cơ hội và điều kiện góp phần thúc thẩy phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao đời sống và vật chất, tinh thần của Nhân dân nói chung, người dân vùng đồng bào DTTS nói riêng. Thông qua đó đã tạo điều kiện hỗ trợ thiết thực cho rất nhiều hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ có hoàn cảnh khó khăn là đồng bào DTTS có việc làm, tạo ra được nguồn thu nhập cao hơn, từng bước ổn định cuộc sống; góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào DTTS tại các địa phương mỗi năm từ 2-3%; đến cuối năm 2023, toàn huyện còn 195 hộ nghèo, 81 hộ cận nghèo DTTS”.
Bên cạnh thuận lợi, trong quá trình thực hiện chương trình còn gặp khó khăn, hạn chế, vướng mắc: các đối tượng thụ hưởng Chương trình Mục tiêu quốc gia chỉ được nhận hỗ trợ một lần; trong khi một số đối tượng hiện tại có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn (chưa thoát nghèo) và một số đối tượng thực hiện dự án phát triển sản xuất không đạt hiệu quả thì không được tiếp tục hỗ trợ sẽ ảnh hưởng rất lớn đến công tác giảm nghèo của địa phương. Mặt khác, định mức hỗ trợ về nội dung đất ở, nhà ở và chuyển đổi nghề là quá thấp so với nhu cầu và điều kiện cụ thể của từng địa phương; hộ thụ hưởng nội dung các chính sách đều có hoàn cảnh kinh tế rất khó khăn, không có điều kiện đối ứng vốn cùng với hỗ trợ của ngân sách Nhà nước để thực hiện. Do đó, việc triển khai thực hiện các nội dung chính sách luôn gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là hỗ trợ về đất ở, nhà ở và chuyển đổi nghề.
Tại buổi giám sát, huyện Đầm Dơi đề xuất cấp có thẩm quyền tiếp tục xem xét hỗ trợ (lần 2) cho một số đối tượng hiện nay có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn (chưa thoát nghèo) và một số đối thực hiện dự án phát triển sản xuất chưa đạt hiệu quả. Đồng thời, xem xét nâng mức hỗ trợ nội dung đất ở, nhà ở và chuyển đổi nghề, nhằm tạo điều kiện nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho hộ nghèo trên địa bàn huyện nói chung và đồng bào đồng bào DTTS nói riêng.
Ông Nguyễn Đức Tiến (đứng giữa), Phó trưởng Ban Văn hoá – Xã hội HĐND tỉnh tìm hiểu đời sống, sản xuất của hộ dân được hỗ trợ heo giống theo dự án phát triển sản xuất đa dạng hoá sinh kế cộng đồng tại ấp Tân Điền B, xã Thanh Tùng, huyện Đầm Dơi.
Ông Nguyễn Phương Đông, Trưởng Ban Văn hoá - Xã hội HĐND tỉnh, Trưởng đoàn giám sát, đánh giá cao công tác chuẩn bị của huyện, tạo điều kiện để đoàn làm việc và hoàn thành nhiệm vụ. Thông qua buổi làm việc và giám sát, Đoàn giám sát tìm hiểu, nắm tình hình thuận lợi, khó khăn, vướn mắc trong quá trình triển khai thực hiện các dự án, nội dung thành phần của các địa phương thụ hưởng. Các đề nghị của các địa phương, đoàn tiếp thu, đồng thời, trình các kiến nghị lên cấp có thẩm quyền xem xét.
“Địa phương, cơ sở cần quan tâm, nắm rõ, xem kỹ các văn bản nguồn hướng dẫn để thực hiện đồng bộ, đúng quy định. Trong quá trình thực hiện chính sách cần xem xét từng đối tượng để thực hiện chính sách một cách căn cơ, phù hợp tình hình thực tế. Cần tính toán vấn đề sinh kế cho các đối tượng thụ hưởng trong việc quy hoạch, sắp xếp, bố trí, ổn định dân cư ở những nơi cần thiết. Ngay từ bây từ, cần tính toán giải pháp thực hiện chương trình vào năm 2025 ở khâu phân bổ vốn, giải ngân”, ông Nguyễn Phương Đông lưu ý.
Quỳnh Anh