(CMO) Ông Ngô Đức Bính, Phó giám đốc Trung tâm Trợ giúp pháp lý (TGPL) Nhà nước tỉnh Cà Mau, cho biết, Thông tư 02/2021 của Bộ Tư pháp ra đời góp phần quan trọng trong việc bảo đảm cho người thực hiện TGPL được thuận lợi trong việc thanh toán thù lao thực hiện vụ việc cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho việc huy động nguồn lực tham gia thực hiện TGPL.
Với Thông tư 02/2021, Bộ Tư pháp đã hướng dẫn cụ thể cách tính thời gian theo buổi làm việc thực tế và khoán chi vụ việc TGPL. Theo đó, thời gian theo buổi làm việc thực tế được áp dụng đối với các vụ việc TGPL theo hình thức tham gia tố tụng, đại diện ngoài tố tụng do người thực hiện TGPL lựa chọn để làm căn cứ chi trả thù lao, bồi dưỡng thực hiện vụ việc. Một buổi làm việc thực tế được tính trên cơ sở 4 giờ làm việc.
Thông tư 02/2001 của Bộ Tư pháp ra đời hỗ trợ rất nhiều cho đội ngũ trợ giúp viên pháp lý. |
Bên cạnh đó, căn cứ để tính thời gian thực hiện TGPL đối với vụ việc tham gia tố tụng hình sự gồm: tham gia hỏi cung bị can hoặc lấy lời khai của người bị buộc tội, người bị hại, người làm chứng, đương sự trong vụ án hình sự; tham gia đối chất, nhận dạng, nhận biết giọng nói, khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, xem xét dấu vết trên thân thể, thực nghiệm điều tra và thực hiện các công việc tham gia tố tụng khác theo yêu cầu của cơ quan tiến hành tố tụng…
Ngoài ra, trường hợp 2 người trở lên thực hiện TGPL cho 1 người trong cùng một vụ việc thì thời gian làm căn cứ chi trả thù lao, bồi dưỡng thực hiện vụ việc là thời gian thực tế của từng người thực hiện TGPL đã thực hiện nhưng tổng số thời gian không quá 30 buổi làm việc/ vụ việc đối với vụ việc tham gia tố tụng hoặc không quá 20 buổi làm việc/ vụ việc đối với vụ việc đại diện ngoài tố tụng.
Đặc biệt, Thông tư 02/2001 của Bộ Tư pháp quy định 4 nguyên tắc trong tổ chức thực hiện: Bảo đảm phù hợp với quy định của pháp luật về thù lao, bồi dưỡng và thủ tục thanh toán thù lao, bồi dưỡng thực hiện vụ việc cho người thực hiện TGPL, tổ chức ký hợp đồng thực hiện TGPL; Bảo đảm tính hợp pháp, hợp lý trong việc kê khai thời gian, công việc để làm căn cứ chi trả thù lao, bồi dưỡng thực hiện vụ việc TGPL; Khi kê khai thời gian, công việc thực hiện vụ việc TGPL, người kê khai chịu trách nhiệm về tính xác thực của việc kê khai; Khi xác nhận thời gian, công việc của người thực hiện TGPL, người xác nhận chịu trách nhiệm về tính xác thực của việc xác nhận.
“Khác với trước, Thông tư 02/2001 của Bộ Tư pháp giao quyền chủ động, tự chủ, tự chịu trách nhiệm lớn cho người thực hiện TGPL, lãnh đạo tổ chức thực hiện TGPL nhằm hướng đến bảo đảm chất lượng vụ việc TGPL và hiệu quả sử dụng kinh phí chi trả cho vụ việc TGPL. Song song đó, thông tư này rõ ràng hơn, thiết thực hơn, tạo điều kiện thuận lợi, phù hợp cho người thực hiện trợ giúp pháp lý”, ông Bính cho biết thêm./.
Kim Cương - Khánh Phương