Huyện Ðầm Dơi quan tâm chăm lo về nhà ở cho hộ nghèo, khó khăn, gia đình chính sách, đặc biệt là từ khi triển khai thực hiện chương trình xoá nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn. Với sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền địa phương cùng sự chung tay của các tổ chức, cá nhân hảo tâm, nhiều hộ nghèo, cận nghèo và gia đình chính sách đã có nơi ở khang trang, ổn định cuộc sống.
- Xoá hơn 1.100 căn nhà tạm, nhà dột nát
- Khởi công chương trình xoá nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn huyện Trần Văn Thời
- Phấn đấu đến tháng 8 năm 2025, Cà Mau hoàn thành xóa nhà tạm, nhà dột nát
Khi bắt tay thực hiện, huyện Ðầm Dơi bắt đầu hành trình không hề dễ dàng. Không chỉ nằm ở số lượng hàng trăm căn nhà cần được xây mới hoặc sửa chữa, mà thử thách lớn nhất còn ở việc làm sao vận động thêm nguồn lực, đảm bảo mỗi căn nhà khi hoàn thành đều đạt chất lượng và thực sự mang đến sự đổi thay cho hộ dân.
Theo báo cáo của UBND huyện Ðầm Dơi, qua rà soát, toàn huyện có hơn 698 căn nhà cần được xây mới hoặc sửa chữa, gồm: 614 căn xây mới (mức hỗ trợ 60 triệu đồng/căn), 84 căn sửa chữa (mức hỗ trợ 30 triệu đồng/căn). Trong đó, hộ người có công với cách mạng 96 căn (xây mới 52 căn, sửa chữa 44 căn); hộ nghèo 218 căn (xây mới 206 căn, sửa chữa 12 căn); hộ cận nghèo 261 căn (xây mới 233 căn, sửa chữa 28 căn); hộ thuộc Chương trình Mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện 123 căn xây mới.
Ðoàn thể xã đóng góp ngày công giúp các hộ khó khăn trong các khâu như: đắp nền nhà, vận chuyển vật liệu, tháo dỡ nhà cũ...
Một trong những hộ được hỗ trợ nhà, anh Dương Văn Trạng, ấp Mương Ðiều B, xã Tạ An Khương, hộ cận nghèo, cho biết: "Lúc đầu nghe nói được hỗ trợ nhà, tôi mừng lắm, nhưng cũng lo. Lo vì nhà nghèo quá, không biết có lo nổi phần còn lại không. Nhưng nhờ chính quyền xã, ấp động viên, giúp đỡ, rồi bà con chòm xóm cùng phụ, giờ tôi có được căn nhà vững chắc rồi. Nghĩ lại những ngày mưa gió, nhà dột, con cái phải co ro một góc, tôi vẫn còn cảm thấy sợ".
Cùng với anh Trạng là hàng trăm hộ dân khác dần được tiếp cận với chương trình nhân văn xoá nhà tạm, nhà dột nát. Bà Hoa Thị Hoa Lan, ấp Tân Ðiền A, xã Tạ An Khương, hộ cận nghèo được hỗ trợ sửa chữa nhà, xúc động chia sẻ: "Gia đình tôi sống trong căn nhà tình nghĩa của bà ngoại, nhưng nhà xuống cấp, mỗi khi trời mưa là nước tạt vào, con cái học hành không yên. Nay được Nhà nước hỗ trợ sửa chữa nhà, gia đình góp thêm, giờ được căn nhà mới khang trang, tôi mừng lắm. Có chỗ ở kiên cố, tôi có thể yên tâm lao động, chăm lo cho con cái học hành".
Ðược hỗ trợ 30 triệu đồng, bà Hoa Thị Hoa Lan góp thêm 50 triệu đồng sửa lại căn nhà tình nghĩa khang trang.
Những ngày đầu triển khai, huyện, xã phân công người đi khảo sát, lập danh sách, vận động thêm kinh phí từ các mạnh thường quân. Ông Phạm Thanh Liêm, Chủ tịch Uỷ ban MTTQ huyện Ðầm Dơi, chia sẻ: "Không dễ để huy động đủ kinh phí và triển khai đồng bộ, nhưng khi thấy bà con vui mừng, chúng tôi có thêm động lực. Mục tiêu của huyện không chỉ là xây nhà, mà còn giúp bà con có điều kiện sống tốt hơn".
Ông Dương Hiếu Nghĩa, Bí thư Chi bộ ấp Mương Ðiều B, xã Tạ An Khương, kể: "Ban đầu, việc xây dựng nhà cho các hộ nghèo gặp không ít khó khăn. Nhiều bà con lo lắng sợ không đủ kinh phí để hoàn thiện, vì dù có hỗ trợ từ chương trình, họ vẫn phải có một phần đối ứng nhỏ. Nhưng nhờ có sự kiên trì vận động của chính quyền xã và ấp, người dân an tâm và rất mừng khi có được căn nhà mới".
Một trong những trở ngại lớn là nguồn lực tài chính. Mặc dù Nhà nước và các tổ chức hỗ trợ phần lớn kinh phí, nhưng để hoàn thành căn nhà đạt chuẩn, nhiều hộ dân vẫn cần đóng góp thêm, dù chỉ vài triệu đồng đến vài chục triệu đồng. Với những hộ nghèo không đủ khả năng, địa phương đã tìm cách vận động mạnh thường quân hỗ trợ thêm hoặc huy động sự giúp đỡ từ bà con, dòng họ.
"Có những căn nhà, cả xóm cùng nhau góp công, góp sức. Người hỗ trợ ngày công, xã đứng ra mua giúp vật liệu, người đi vận động thêm tiền từ người thân. Nhờ vậy mà những căn nhà đầu tiên được hoàn thành, tạo niềm tin để người dân an cư, phấn đấu lao động phát triển kinh tế", ông Nghĩa nhớ lại.
Những con đường quê vốn quen với cảnh nhà lá xiêu vẹo, giờ đây sẽ dần được thay thế bằng quang cảnh những căn nhà tường khang trang. Những người dân từng sống trong cảnh thấp thỏm mỗi khi mưa bão nay đã có thể an tâm, tập trung làm ăn để cải thiện đời sống.
Chia sẻ thêm về chương trình, ông Phạm Thanh Liêm cho biết: "Xoá nhà tạm, nhà dột nát là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của huyện nhằm nâng cao đời sống Nhân dân, đảm bảo an sinh xã hội. Huyện sẽ tiếp tục huy động mọi nguồn lực để giúp đỡ thêm nhiều hộ gia đình khó khăn".
"Ðây không chỉ là chương trình hỗ trợ nhà ở mà còn là bước tiến quan trọng đảm bảo an sinh xã hội, giúp người dân có nền tảng vững chắc để thoát nghèo. Huyện sẽ tiếp tục triển khai các chương trình hỗ trợ sinh kế, giúp bà con có điều kiện phát triển lâu dài", ông Liêm chia sẻ.
Chương trình chia làm 2 giai đoạn: Giai đoạn 1 (từ tháng 2 đến tháng 6/2024) thực hiện 57 căn nhà cho hộ nghèo, hộ cận nghèo (35 căn xây mới, 22 căn sửa chữa), tổng kinh phí 2,760 tỷ đồng; đến ngày 5/2/2025 đã hoàn thành 53 căn. Giai đoạn 2 (từ tháng 7/2024 đến tháng 6/2025) thực hiện 641 căn, với tổng kinh phí 36,600 tỷ đồng. Trong đó, quỹ Vì người nghèo tỉnh hỗ trợ sửa chữa 18 căn nhà cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, với số tiền 540 triệu đồng, đến nay đã hoàn thành; các xã, thị trấn chủ động cho 17 đối tượng tạm ứng kinh phí xây dựng trước 17 căn, đến ngày 5/2/2025 đã hoàn thành 13 căn. Huyện Ðầm Dơi phấn đấu đến hết tháng 6/2025, 100% căn nhà sẽ được bàn giao cho các hộ dân.
Hoàng Vũ