(CMO) Trích tham luận của Giám đốc Sở Văn hoá - Thể thao và Du lịch tỉnh Cà Mau Trần Hiếu Hùng tại Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Cà Mau lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020-2025
...Cà Mau là vùng đất giàu truyền thống văn hoá, truyền thống đấu tranh cách mạng, đây chính là nguồn tài nguyên du lịch vô giá, là nền tảng để khai thác, phát triển du lịch có chiều sâu và mang tính khác biệt của địa phương. Di sản văn hoá là nền tảng để tạo nên sản phẩm du lịch độc đáo, mang tính cộng đồng rất cao và là tiền đề để phát triển du lịch bền vững.
Các hoạt động dịch vụ du lịch gắn với giữ gìn và phát huy giá trị văn hoá, lịch sử địa phương, thời gian qua mới chỉ là bước đầu trong quá trình phát triển du lịch địa phương, mới thu hút được một số ít tour tổ chức du lịch về nguồn do chưa có giải pháp kết nối có hiệu quả giữa du lịch và di sản văn hoá; chưa khai thác hết chiều sâu của di sản mang đặc trưng của văn hoá bản địa; du lịch cộng đồng chưa phát huy hết lợi thế về cảnh quan thiên nhiên môi trường rừng ngập nước; chưa thu hút được nguồn lực xã hội trong việc bảo tồn di sản văn hoá vật thể, phi vật thể phục vụ du lịch; việc giới thiệu, quảng bá về các di tích lịch sử còn khô khan, đơn điệu. Trong khi đó, phát triển du lịch văn hoá là thổi hồn vào di sản, là khơi dậy tính sáng tạo của tri thức văn hoá dân gian, lễ hội; là sàng lọc những tinh hoa văn hoá trong cộng đồng để tạo ra những giá trị mới, có sức sống và tính lan toả cao.
Với những đặc điểm của việc phát huy giá trị văn hoá phục vụ phát triển du lịch, cần quan tâm phát triển du lịch gắn với giữ gìn và phát huy giá trị văn hoá lịch sử địa phương. Bởi trong xu thế hiện nay, khám phá di sản văn hoá các dân tộc là sự quan tâm đặc biệt của du khách trong và ngoài nước, mà Cố đô Huế, phố cổ Hội An, Tràng An - Ninh Bình, làng cổ Đường Lâm… là minh chứng rõ nét nhất.
Nhằm phát huy tốt hơn các di sản văn hoá Cà Mau để phục vụ phát triển du lịch, cần sự vào cuộc của các ngành, các cấp và nhân tố rất quan trọng, chủ thể của di sản là cộng đồng dân cư. Đó chính là sự quan tâm bảo vệ, ý thức bảo tồn, gìn giữ, trao truyền và tôn vinh nét độc đáo trong đời sống, sinh hoạt, phong tục, tập quán, làng nghề, lễ hội, danh lam thắng cảnh… Và khi đó, du lịch sẽ tác động trở lại, tạo nên công ăn việc làm, nguồn lực để tiếp tục đầu tư, bảo tồn các di sản văn hoá.
![]() |
Biểu tượng con tàu là điểm nhấn cho Khu du lịch Mũi Cà Mau. Ảnh: Minh Tấn |
Cần quan tâm hơn nữa việc triển khai các hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị của di sản văn hoá phi vật thể; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục về văn hoá phi vật thể hiện có trên địa bàn tỉnh, trong đó tập trung vào các di sản: Chuyện kể bác Ba Phi, lễ hội Nghinh Ông, nghệ thuật Đờn ca tài tử, nghề truyền thống gác kèo ong, nghề truyền thống muối ba khía, lễ hội Đền Hùng, lễ vía Bà Thuỷ Long, các làng nghề truyền thống của cư dân vùng biển… Biến di sản thành những câu chuyện đặc sắc về đặc trưng văn hoá Cà Mau, để du khách hoá thân trong giai điệu đờn ca tài tử, trải nghiệm vai trò nông dân đi ăn ong, đặt trúm, giăng lưới; hoá thân thành ngư phủ trong lễ hội Nghinh Ông và say mê, hoà quyện trong bát ngát rừng tràm, mênh mông rừng đước…
Cần tạo ra sự tươi mới hơn, hấp dẫn hơn và sáng tạo hơn đối với các di sản văn hoá vật thể, đó là các công trình kiến trúc nghệ thuật, di tích lịch sử… để du khách đến với di sản là cảm nhận về thiên nhiên, con người, truyền thống văn hoá của vùng đất cực Nam của Tổ quốc. Đưa con đường huyền thoại - đường Hồ Chí Minh trên biển thành tour du lịch lịch sử trên biển, trải nghiệm vùng đất thiêng Mũi Cà Mau; đưa du khách hoá thân thành du kích, bộ đội khi tham quan làng rừng U Minh, để sống trong không khí hào hùng của cuộc trường chinh cứu nước vĩ đại; là sự kết nối hệ thống Đền thờ Bác Hồ trên quê hương Cà Mau với nơi xuất phát của cây vú sữa miền Nam, thể hiện tình cảm thiêng liêng sâu sắc của Nhân dân Cà Mau đối với Bác Hồ kính yêu…
Tiếp tục tuyên truyền nâng cao nhận thức của xã hội về phát triển du lịch gắn với gìn giữ, phát huy các di sản văn hoá; đó là việc bảo vệ cảnh quan môi trường thiên nhiên; là văn minh trong ứng xử, giao tiếp với khách du lịch; là phòng ngừa, ngăn chặn các yếu tố ngoại lai gây tác động tiêu cực đến nếp sống hoặc vi phạm các chuẩn mực đạo đức, thuần phong mỹ tục. Khuyến khích sự sáng tạo trong Nhân dân để tạo ra những giá trị văn hoá mới, sản phẩm du lịch mới, hấp dẫn từ đời sống sản xuất, trò chơi dân gian, tập quán sinh hoạt trên bến dưới thuyền, lễ hội vùng sông nước, các sinh hoạt trải nghiệm... Đề cao nét văn hoá địa phương thân thiện, hiếu khách để từng bước lan toả ra cộng đồng dân cư tại khu, điểm du lịch.
Khai thác tốt tiềm năng, lợi thế của tỉnh để phát triển du lịch nhanh, bền vững, chuyên nghiệp, văn minh, hiện đại, có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với Chiến lược tổng thể phát triển du lịch của Việt Nam và quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; đưa du lịch trở thành một trong những ngành kinh tế quan trọng, chiếm tỷ trọng ngày càng cao trong cơ cấu kinh tế của tỉnh, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Bảo tồn và phát huy di sản văn hoá, bản sắc văn hoá và yếu tố nhân văn là nền tảng để phát triển du lịch bền vững, từ đó xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù, chuyên biệt, có sức hấp dẫn cao, thu hút các nhà đầu tư như: du lịch biển, đảo; du lịch khám phá, trải nghiệm các hệ sinh thái; du lịch lễ hội vùng sông nước; du lịch nghỉ dưỡng ven rừng; du lịch nông nghiệp và trải nghiệm đánh bắt thuỷ sản; du lịch làng nghề; du lịch ẩm thực… tạo sức bật mới cho du lịch Cà Mau trên nền tảng văn hoá.
Đó cũng là mục tiêu phấn đấu để hướng đến xây dựng hình ảnh du lịch Cà Mau “An toàn - thân thiện - uy tín - chất lượng”, để mỗi du khách khi chia tay Cà Mau đều mang theo thông điệp “người Cà Mau dễ thương vô cùng”./.